Kinh tế xã hội hôm nay

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Quyết liệt, gay gắt, nhưng đều mang tính xây dựng

Thực hiện chương trình kỳ họp, từ ngày 6 - 8/11, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên cơ sở chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về và trả lời chất vấn tại kỳ họp này để các bộ, ngành triển khai thực hiện và là cơ sở cho các cơ quan, ĐBQH và cử tri theo dõi, giám sát.

Chốt vào cuối giờ chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành gần 2 tiếng trả lời chất vấn của các ĐBQH và báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ.

Về tình hình biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức các hội thảo. Chính phủ cũng có nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mới đây, Chính phủ đã tổ chức sơ kết lần thứ 2 việc thực hiện nghị quyết này. Đúng là biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, nhưng cũng chưa có cơ sở khoa học nào, kết luận nào cho thấy ít năm nữa khu vực ĐBSCL và nhiều đô thị khu vực này sẽ chìm dưới nước.Tuy nhiên, về chiến lược phát triển thì Chính phủ đã theo quan điểm là “thuận thiên” nhưng đi kèm với phát triển những công trình “cứng” ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Về phát triển văn hóa, Thủ tướng cho biết, về việc phát triển văn hóa có tầm chiến lược để phát triển đất nước, tôi cho rằng đây là câu hỏi hay và rất cần thiết. Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có một sức mạnh nền tảng rất lớn, đặc biệt có 54 dân tộc anh em, đa dạng phong phú, đoàn kết thống nhất.

Đặc biệt chúng ta có rất nhiều di sản được công nhận là di sản thế giới. Không phải đất nước nào, dân tộc nào cũng có được nền văn hóa như thế. Tất nhiên cũng thấy nhiều tồn tại, bất cập, khuyết điểm trong quản lý nhà nước về văn hóa.

Thủ tướng nêu mục tiêu của Chính phủ, kinh tế phải sớm vượt ra bẫy thu nhập trung bình, nhưng không chấp nhận tình trạng văn hóa Việt Nam lờ nhờ, nhợt nhạt, kém văn hóa, nền văn hóa bị lai căng.Chúng ta không những phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hóa của đất nước để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc qua 4.000 năm lịch sử...

Về việc sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn niêm yết, Thủ tướng nói, 9 tháng đầu năm mới có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN chưa thực hiện niêm yết. Chúng tôi coi đây là việc chậm.

Chính phủ đã thông qua kế hoạch theo đúng lộ trình cổ phần hóa để kêu gọi vốn các thành phần tham gia quản trị tốt hơn. Nguyên nhân chậm là trong một số quy định do tỷ lệ Nhà nước nắm còn cao, khó thu hút được đầu tư về tài chính, chính sách về đất đai...

Một số DN then chốt của nền kinh tế như: DN quốc phòng, an ninh thì ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chủ yếu; những DN nhà nước cần chi phối như điện lực, cảng biển, sân bay, nhà nước phải nắm chứ không phải tất cả cổ phần hóa.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo triển khai đề án, cơ cấu lại DN, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cổ phần hoá, thoái vốn những DN nhà nước không cần nắm. Các DN không thực hiện tốt phần hóa thoái vốn thì bàn giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước.

Về vấn đề nước sạch, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua.Trong đó, Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân tránh tình trạng như vừa qua. Về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành nắm và thực hiện theo đúng quyết định 2502 của Thủ tướng ngày 22/12/2016.

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã để lại những ấn tượng rất mạnh. Hàng loạt vấn đề nóng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước đã được các ĐBQH truyền đạt, đặt câu hỏi đến các Bộ trưởng, trưởng ngành, các Phó Thủ tướng và trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.

Với gần 250 lượt ĐBQH tham gia và tranh luận, có thể nói hiếm có kỳ nào mà số lượng câu hỏi, tranh luận của ĐBQH lại nhiều đến vậy, qua đó đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế của các ngành. Đáng chú ý, nhiều tranh luận quyết liệt, thậm chí gay gắt, nhưng đều mang tính xây dựng, đi đến cùng vấn đề để tìm ra trách nhiệm và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại của đất nước, các ngành hiện nay.

Kết luận tại kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và sự trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị dự thảo nghị quyết chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện. Đồng thời giúp Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những điều đã cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội.

Dương Tuấn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/phien-chat-van-tai-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-quyet-liet-gay-gat-nhung-deu-mang-tinh-xay-dung-n165606.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY