Tại phiên họp thứ 45 diễn ra sáng 8.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,53%.
Dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14.
Cụ thể, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị.
Một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường được trả lời chung chung mà chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành vẫn còn chậm do khó xác định cơ quan chủ trì giải quyết…
Ban Dân nguyện kiến nghị, đối với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, trọng tâm, không kiến nghị trùng lặp, kiến nghị những vấn đề đã được giải quyết; tích cực khai thác phần mềm ứng dụng để giải đáp trực tiếp cho cử tri các kiến nghị đã được các Bộ, ngành trả lời trong quá trình tiếp xúc cử tri; tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số vấn đề nóng mà cử tri quan tâm.
Đối với Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều bộ ngành; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cử tri phản ánh về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cụ thể, cử tri kiến nghị cần nhanh chóng giải quyết thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Nhiều ý kiến phản ánh công tác giải quyết chi phí này còn rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không được giải quyết.
Do đó, ông Hạnh Phúc đề nghị cần quan tâm làm rõ vấn đề chi phí thanh quyết toán hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn và kinh phí hỗ trợ tái đàn, mua con giống chất lượng cao để các hộ chăn nuôi sớm khôi phục đàn lợn, ổn định sản xuất.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung như cập nhật thêm vào báo cáo nội dung trách nhiệm của các cơ quan, các cấp chính quyền, Bộ, ngành, đoàn thể về việc phối hợp công tác trong thời điểm dịch bệnh COVOD-19.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá dự thảo báo cáo tiếp tục được hoàn thiện về chất lượng; nội dung báo cáo thể hiện được nỗ lực của Chính phủ trong việc trả lời các kiến nghị của cử tri lên đến 95%.
Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng nên có đánh giá so sánh việc giải quyết kiến nghị cử tri từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau, những tồn tại hạn chế trong tất cả các lĩnh vực kiến nghị có giảm đi không? Đồng thời làm rõ nguyện vọng của cử tri trong từng giai đoạn tập trung vào vấn đề gì, được giải quyết ra sao để từ đó có một bức tranh tổng quát hơn, đưa ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện khi đã tổng hợp toàn diện, chỉ ra được những điểm tích cực, những nơi làm tốt. Tuy nhiên, bà cho rằng cũng cần chỉ ra những nơi làm chưa tốt.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đặt vấn đề, giữa hai kỳ họp nổi lên bức xúc gì? Trước đây vấn đề T*i n*n giao thông, tín dụng đen được đề cập, sau đó các cơ quan đã quyết liệt xử lý hiệu quả như ban hành Nghị định 100 về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, phát hiện và triệt phá nhiều tổ chức cho vay nặng lãi.
“Gần đây nổi lên vụ Nguyễn Xuân Đường ở Thái Bình hay xung quanh vấn đề Thủ Thiêm ở TP.HCM thì cử tri muốn nói đến vai trò của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở đâu? Dĩ nhiên đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị nhưng trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo bám để giải quyết đến cùng một vấn đề, kiến nghị tới đâu? Do đó, đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu thể hiện nội dung này trong báo cáo”, bà Thịnh nêu.
Chủ đề liên quan:
chủ tịch chủ tịch nước đại biểu đại biểu quốc hội đặng thị ngọc thịnh đoàn đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội Đường nhuệ Phó Chủ tịch phó chủ tịch nước quốc hội thủ thiêm vai trò