Phỉ tử hình tròn trứng, dài độ 2-3cm. Mặt ngoài màu vàng tro hay màu nâu nhạt, có vân nhăn dọc, sâu nông không đều, một đầu tròn tày, có một ngấn sẹo hình bầu dục, màu tương đối sẫm, hai bên đều có một chỗ lồi nhỏ, một đầu kia hơi thuôn nhọn. Vỏ xác ngoài cứng giòn, đập vỡ ra mặt trong màu nâu đỏ, có những đường vân. Nhân hạt hình tròn trứng, nhăn co rút lại mà rắn chắc, mặt ngoài có màng mỏng nhăn nheo màu nâu tro, nhân màu trắng vàng, có dầu. Hơi có mùi thơm, vị hơi ngọt. Thứ to mập, nhân màu trắng vàng, không bị chảy loang dầu, không bị nát vụn là tốt.
Về thành phần hóa học, phỉ tử có embelin 2- 3%, độc với giun sán; ngoài ra còn có: anthraquinon, tinh dầu, dầu béo và đường quercitol. Theo Đông y, phỉ tử vị ngọt, tính bình. Tác dụng sát trùng, tiêu tích (tiêu tan tích đọng), nhuận táo. Chữa đau bụng do giun đũa, sán tích đọng, trẻ em cam tích, táo khái (ho nóng rát), bí đại tiện, trĩ sang (trĩ lở loét). Liều dùng 6- 12g/ ngày. Chú ý không dùng quá liều, nếu dùng quá liều có thể bị say.
Phỉ tử (hạt già khô của cây chua ngút) chữa đau bụng do giun đũa, sán tích đọng, trẻ em cam tích, người táo bón, trĩ...
Bài 1: phỉ tử 5- 7g tán bột. Tối hôm trước nhịn ăn, sáng sớm hôm sau cho uống bột trộn với đường hay mật. Trẻ em uống 2 - 2,5g. Trị sán dây, giun đũa, giun kim. Chú ý: Không uống quá liều dễ bị say.
Bài 2: phỉ tử 12g, thanh bì 9g, tiểu hồi 8g, binh lang 12g, ô dược 12g, ngô thù 4g, ô mai 12g. Sắc uống, uống từ từ. Trị gây đau bụng.
Bài 3: Phỉ tử 25g, vô di 25g, binh lang 25g. Nghiền chung thành bột mịn, mỗi lần uống 8-12g, ngày uống 2 lần, chiêu với nước đun sôi. Trị giun móc, đau bụng trướng đầy.
Bài 4: phỉ tử 10g (bỏ vỏ), tỏi 30g, thêm nước đun sôi (cho phỉ tử vào trước, tỏi vào sau), đun chín, ăn tỏi, phỉ tử, sau uống nước. Trị bệnh trùng roi ở ruột, tiêu chảy lâu ngày.