Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Quế Lâm và câu chuyện đánh thức tiềm năng nông nghiệp hữu cơ

Thí điểm triển khai mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn 3 tỉnh Bắc, Trung, Nam để từ đó tạo sự lan tỏa rộng khắp trong cả nước, những cánh đồng 3 không (không Thu*c trừ cỏ, không Thu*c trừ sâu và không phân bón vô cơ) của Tập đoàn Quế Lâm liên kết với nông dân đang “gọi” tôm, cá về trong hệ sinh thái an toàn. Làm bằng cái “tâm” thì sẽ thì sẽ có được lòng tin của người dân. Câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm đang hướng tới sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội.

Những mô hình tiêu biểu

Trên cánh đồng thơm ngát mùi lúa chín, giữa cái nắng, gió miền Tây Nam bộ, với nụ cười rạng rỡ lão nông dân Trương Văn Chệt (khóm Tân Thành, phường 2, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) đưa tay hái cho chúng tôi xem những bông lúa ST24 mà chỉ vài ngày nữa sẽ được thu hoạch và cho biết: “Tôi trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ với diện tích 1ha trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020. Lúa không bệnh, chất lượng cao hơn, tiền đầu tư chăm bón thấp hơn so với canh tác theo phương pháp thông thường. Dù chưa biết giá được bao nhiêu nhưng nhìn thấy lúa là biết thắng rồi”.

Theo ông Trương Văn Chệt, trong suốt quá trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ruộng lúa của gia đình không phun Thu*c trừ cỏ, không phun Thu*c trừ bệnh đạo ôn, không phun Thu*c trị rầy bởi ruộng lúa không gặp các loại dịch bệnh trên… “Ruộng lúa chỉ dùng thảo mộc phun trị bọ trĩ cũng như dùng hoàn toàn phân bón hữu cơ, tổng chi phí cho 1 công lúa (1.000m2) là 880.000 đồng, giảm 220.000 đồng so với sản xuất truyền thống…”, ông Chệt nói.

Tập đoàn Quế Lâm phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng vừa tổng kết mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tại hộ ông Trương Văn Chệt với diện tích 1ha, trồng giống lúa ST24.

Tại Sóc Trăng, cây hành tím – đặc sản của địa phương cũng được lựa chọn làm thí điểm trồng theo hướng hữu cơ với quy mô 1.000m² vào đầu tháng 12/2019 tại hộ nông dân ông Nguyễn Văn Phến, ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu. Kết quả sau thu hoạch cho thấy khác biệt rất lớn so với canh tác theo hướng truyền thống: năng suất cao hơn 200kg; củ to, chắc, màu sáng đặc trưng; thời gian thu hoạch được rút ngắn 5 ngày; chi phí giảm 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Phến, phấn khởi cho biết: Chi phí giảm, năng suất vượt trội, vụ mùa này, tôi thu được lợi nhuận cao. Đồng thời, kỳ vọng mô hình được mở rộng thêm để có nhiều hơn những nông dân, HTX có thể học kinh nghiệm, cũng như tạo ra những sản phẩm an toàn.

Là những hộ nông dân điển hình chịu khó, ham học học kỹ thuật, tinh thần hợp tác, ông Trương Văn Chệt hay ông Nguyễn Văn Phến đã được Tập đoàn Quế Lâm phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng lựa chọn đối tác làm mô hình thí điểm sản xuất lúa, hành theo hướng hữu cơ. Để thực hiện mô hình này, Tập đoàn Quế Lâm đã hỗ trợ phân bón, các loại chế phẩm sinh học, hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với mức giá cao hơn 20- 30% so với phương pháp thông thường.

Đánh giá về mô hình thí điểm liên kết trên địa bàn Sóc Trăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - ông Lương Minh Quyết - khẳng định: Sự phối hợp của Tập đoàn Quế Lâm trong công tác hỗ trợ nông dân áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ đã góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Quan trọng hơn đó chính là sự chuyển biến trong nhận thức của các nhà vườn, nhiều hộ tự nguyện, tự giác thậm chí tự bỏ chi phí chuyển sang trồng sạch, làm sạch.

Khẳng định, đây là con đường duy nhất trong tương lai để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ông Lương Minh Quyết cho hay, tới đây, ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất lúa và cả hành tím theo hướng hữu cơ. Ông Lương Minh Quyết cũng đề nghị Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân về quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và thu mua sản phẩm tại các điểm tập đoàn cung cấp phân bón, tạo chuỗi đầu vào đầu ra.

Thay đổi nhận thức các nhà vườn

Trước đó, vào năm 2018, Tập đoàn Quế Lâm cũng bắt đầu liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng thanh long ruột đỏ hữu cơ. Trong đó, Quế Lâm chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật và phân bón. Mô hình 1ha đầu tiên với 2.400 trụ thanh long đã thu hoạch được trên 10 tấn trong vụ đầu, có giá bán 60.000 đồng/kg, cao hơn giá bán thanh long loại 1 trên thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Nối tiếp thành công, năm 2019 Quế Lâm đã nhân rộng thêm 1 mô hình nữa cũng tại huyện Châu Thành với diện tích 3.500m².

Trước đó, vào năm 2018, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng thanh long ruột đỏ hữu cơ

Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An – Chủ vườn thanh long hữu cơ tại xã Thanh Phú Long (huyện Châu Thành) – cho biết, canh tác theo hướng hữu cơ không dễ bởi đòi hỏi sự kiên trì. Công tác chuyển bị đất phải được thực hiện trong thời gian 2 năm, trong khi đó, nhiều nhà vườn lại muốn thu lợi nhuận ngay. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vừa qua, giá giảm mạnh do không xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhiều nhà vườn lỗ, thậm chí đổ bỏ. Trong khi đó, đầu ra và giá bán thanh long hữu cơ vẫn ổn định.

Vườn thanh long hữu cơ tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã chứng minh tính hơn hẳn so với canh tác truyền thống: đất không bạc màu, cây không suy yếu, điều quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người trồng, đồng thời đem lại thu nhập ổn định và cao hơn so với cách làm cũ.

Tính bền vững trong trồng thanh long hữu cơ là rất cao. Hiệp hội đang khuyến cáo người trồng chuyển theo hướng hữu cơ trước, sau đó mới chuyển hẳn sang hữu cơ. “Các nhà vườn nhận thấy việc phát triển theo hướng hữu cơ không chỉ đảm bảo sức khỏe người trồng, người sử dụng và môi trường đất mà còn giảm bớt rủi ro thị trường. Do đó, nhiều HTX cũng gọi điện xin làm theo hướng hữu cơ, chấp nhận lỗ những năm đầu nhưng tạo hướng bền vững sau này”, ông Nguyễn Quốc Trịnh nói.

Sẽ viết tiếp hành trình đầy gian khó

Trước khi triển khai nhiều mô hình canh tác theo hướng hữu cơ ở các tỉnh phía Nam như Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Nai…., Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai nhiều mô hình ở miền Bắc và miền Trung. Cụ thể, mô hình trồng lúa, cây ăn trái, cà phê, cao su… với các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang…; cánh đồng mẫu lớn trồng lúa ở hai huyện Hương Trà và Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vườn thanh long hữu cơ tại xã Thanh Phú Long đã bước sang năm thứ 2. Với cách canh tác phù hợp với nông hộ, giá thành thực hiện vừa phải, dễ làm, dễ liên kết, đến nay, tại huyện Châu Thành, thanh long hữu cơ đã phổ diện rộng đối với nông dân. Trong đó, 2.000ha đã dùng phân hữu cơ mang lại môi trường trong lành cho người trồng. Thị trường ổn định, giá bán cao, là địa điểm an tâm cho người tiêu dùng. Có thể thấy, sức lan tỏa ngày càng lớn khi mỗi mô hình được triển khai trên địa bàn các tỉnh lại có thêm đông đảo các chủ vườn đến xin tham gia và học tập nhân rộng.

Với cách canh tác phù hợp với nông hộ, giá thành thực hiện vừa phải, dễ làm, dễ liên kết, đến nay, tại huyện Châu Thành, thanh long hữu cơ đã phổ diện rộng đối với nông dân.

Dù vậy, con đường phía trước vẫn còn không ít chông gai. Bởi khi ngay sát bên vườn trồng thanh long hữu cơ là vườn được trồng theo phương pháp canh tác thông thường. Những màn lưới cao 5 – 7m được dựng lên để ngăn chặn sâu bệnh, Thu*c sâu hay Thu*c bảo vệ thực vật xâm nhiễm khiến tăng chi phí cho các nhà vườn. Làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi kiên trì. Trong khi đó, thay đổi tập quán, thói quen canh tác của người dân cũng không dễ. Người nông dân vẫn đặt nặng vấn đề số lượng mà chưa quan trọng nhiều đến vấn đề chất lượng sản phẩm đầu ra.

Viết tiếp hành trình xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự đồng lòng của người nông dân thì doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt thị trường, vừa tạo lực đẩy, vừa là đầu kéo là yếu tố quan trọng. “Dù phải chấp nhận nhiều rủi ro, nhưng tôi tin nếu làm bằng cái "tâm" thì sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng”, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định.

Xu hướng của thời đại là phải có nền nông nghiệp sạch. Và nông nghiệp sạch phải bắt nguồn từ đầu vào cho sản xuất phải sạch. Tuy nhiên, nông nghiệp sạch chưa đủ, để bền vững cần thực hiện chuỗi liên kết, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò “bà đỡ” cho nông dân. Thông qua những mô hình “nói thật, làm thật” – đây sẽ là yếu tố và cơ sở quan trọng để xây dựng lòng tin cho người nông dân, người tiêu dùng. Và với niềm đam mê, khát vọng và trách nhiệm, Tập đoàn Quế Lâm đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ về một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Bữa cơm trưa tại mảnh đất miền Tây Nam bộ đầy nắng và gió, cùng với nhiều thứ rau đặc sản đặc trưng nơi đây, chúng tôi được ăn món ếch đồng nướng do lão nông dân Trương Văn Chệt bắt tại bờ mương dẫn nước vào đồng lúa hữu cơ. Làm sạch, làm theo hướng hữu cơ, người hưởng lợi trực tiếp và đầu tiên chính là nông dân, tiếp đến là người tiêu dùng và xã hội. Thuận tự nhiên sẽ là hướng đi bền vững nhất. Trả về cho đất, cho cây, cho cánh đồng sự màu mỡ, hệ sinh thái tự nhiên, chúng ta sẽ có nhiều hơn cả những vụ mùa bội thu.

Trước một thực trạng xã hội đang mất niềm tin về sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng luôn sống trong sợ hãi về một ma trận thực phẩm bẩn, khi mà cái thật, cái giả luôn trong ranh giới mong manh thì đường đi của doanh nghiệp xã hội phải biết đặt giá trị xã hội cao hơn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nguyễn Hạnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/que-lam-va-cau-chuyen-danh-thuc-tiem-nang-nong-nghiep-huu-co-133892.html)
Từ khóa:

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY