Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Rồi ai cũng mắc Covid-19 cả thôi, thà thành F0 sớm còn hơn sống cảnh F1, bác sĩ lên tiếng

Những ngày qua, khi số ca F0 ở Hà Nội tăng cao nhiều người than thở rằng, 'rồi ai cũng là F0 cả thôi', có những người còn nghĩ thà thành F0 sớm còn hơn sống trong hoàn cảnh F1.

Những ngày qua, trên mạng xã hội nhiều người thông báo mình là F0 và nghĩ rằng rồi ai cũng đến lượt cả thôi. Nhiều người còn tự hào khoe mình đã “hai vạch” và đến sớm, nhận sớm còn hơn suốt ngày là F1.
 
Vừa lên Hà Nội đi làm được 2 ngày, chị Hằng được thông báo là F1 tiếp xúc gần vì đồng nghiệp ngồi cạnh đã là F0. Công ty cho chị Hằng nghỉ, việc nghỉ này đồng nghĩa chị bị cắt lương. Những ngày ở nhà theo dõi, chị Hằng test nhanh âm tính và hết 7 ngày đi làm trở lại.

Vừa đi làm trở lại được 1 hôm thì nhận được thông báo của nhà trường con trai chị là F1 và chỉ sau 1 ngày bé dương tính. Chị Hằng lại ở nhà trông con và cả gia đình bước vào những ngày tháng ăn, ngủ, xông hơi.
Hai vợ chồng chị Hằng vẫn không dương tính.

Ngày 20/2, con trai đã âm tính nhưng công ty thông báo chị vẫn ở nhà theo dõi thêm 3 ngày. Chồng chị Hằng cũng tương tự. Anh làm sửa chữa máy công nghiệp cho 1 xưởng may. Vì vậy khi thành F1 anh cũng được khuyến cáo ở nhà tự theo dõi. Suốt ngày làm F1 khiến chị Hằng mệt mỏi thậm chí có lúc còn nghĩ sao không làm F0 cho nhanh để còn âm tính đi làm bình thường.
 
Từng được coi là 'thánh' F1, từ khi mở cửa trở lại chị Nguyễn Thị Hà, Ba Đình, Hà Nội liên tục là F1, có lúc phải ngoáy mũi cả hai bên vì là F1 tiếp xúc quá gần. Chị Hà cảm thấy vô cùng mệt mỏi và đã nghĩ thôi đằng nào cũng mắc một lần, làm F0 nhanh cho đỡ mệt.
 
Tuy nhiên, vào 8/2, chị phát hiện dương tính do tiếp xúc với đồng nghiệp. Khi bị dương tính, nhà có cha mẹ già nên chị Hà xin đến ở nhà của bạn có phòng riêng. Dù khoẻ, đã tiêm 3 mũi vắc xin nhưng đến ngày thứ 5, chị Hà sốc vì bị tụt oxy máu. Chị với vội máy đo Spo2 để đo thì nồng độ oxy máu chỉ còn 93%. Cảm giác vô cùng khó thở, hít oxy cũng khó. 

Ảnh minh hoạ. 

 
Chị Hà nhanh chóng gọi cho người thân và đưa vào 1 bệnh viện tư cấp cứu. Tại bệnh viện, chứng kiến rất nhiều người trong phòng phải thở oxy, cố gắng hít lấy hít để. Có nhiều người cũng giống chị mới 30 tuổi, đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin đều bị khó thở. Chị Hà thấy rằng F0 không hề nhẹ nhàng như nhiều người nghĩ. Nếu không tiêm vắc xin thì chị không biết mình sẽ như thế nào?
 
Theo PGS Hoàng Bùi Hải – Phó Giám đốc BV Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng mọi người suy nghĩ F0 rồi ai cũng đến là điều đương nhiên khi xung quanh mình toàn F0. Tuy nhiên, BS Hải cho biết chúng ta vẫn phải tuân thủ phòng dịch tốt nhất có thể, không thể chủ quan vì thực tế nếu để lây nhiễm thì chưa thể khẳng định ai cũng không có triệu chứng, ai cũng lướt nhanh qua Covid-19.

Khi nhiễm bệnh tuỳ vào thể trạng của từng người. Có những người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn có nguy cơ trở nặng, vì vậy, PGS Hải khuyến cáo mọi người vẫn cố gắng phòng dịch tốt nhất có thể.
 
Trước sau gì cũng thành F0, đến sớm xong sớm, tâm lý này đang phổ biến hiện nay nhưng, theo PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM nếu chúng ta vẫn không làm chậm quá trình lây nhiễm thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện tỷ lệ bao phủ vắc xin đã tốt hơn trước nhưng nếu mỗi ngày có cả trăm nghìn ca nhiễm, trong số đó chỉ 1% bệnh nhân nặng cần thở máy tương đương 1000 ca thì ngành y tế không thể đáp ứng.
 
PGS Dũng cho rằng chưa kể đến nguy cơ tổn hại sức khoẻ nếu không may dính phải hậu Covid-19. Nhiều người F0 khoẻ mạnh nhưng vẫn có thể có các vấn đề liên quan tới hậu Covid-19. 'Số ca mắc tăng cao là khó tránh khỏi khi chúng ta mở cửa giao lưu đi lại nhưng vẫn tuân thủ phòng bệnh tốt nhất có thể để bảo vệ sức khoẻ của mình và gia đình, cộng đồng', PGS Dũng cho biết.

Khánh Chi 

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/roi-ai-cung-mac-covid-19-ca-thoi-tha-thanh-f0-som-con-hon-song-canh-f1-bac-si-len-tieng-405056.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY