Dinh dưỡng hôm nay

Rửa rau cũng phải học

(SKGĐ) Đa số chúng ta thường quan tâm đến liệu rau củ quả có bị phun thuốc trừ sâu, ngâm hóa chất bảo quản… hay không mà ít để ý đến bụi bẩn trên bề mặt rau quả.

Tiến sĩ Andrew Wadge, giám đốc khoa học của Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) cho rằng thật sai lầm khi nghĩ rằng những bụi bẩn đó không đem lại bất kỳ tác hại nào. Bởi đất bám trên rau củ quả có thể mang vi khuẩn có hại.

Những rủi ro này đã được nhấn mạnh trong năm 2011 khi Escherichia coli (E.coli) bùng phát mạnh mẽ ở Anh. Đất bị mắc kẹt trên tỏi tây và khoai tây được cho là nguồn gốc của các ổ dịch, trong đó bao gồm 250 trường hợp nhiễm E.coli.

Chà xát bằng tay để loại bỏ bùn đất

Ngay cả đối với các loại quả hữu cơ (không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất) bạn cũng cần phải rửa sạch trước khi ăn. Rửa sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, bao gồm cả khuẩn E.coli từ bề mặt của trái cây và rau quả.

Hầu hết các vi khuẩn sẽ có trong đất và bụi bẩn đi liền với các loại củ quả. Rửa để loại bỏ đất và bụi bẩn trong các loại rau củ là đặc biệt quan trọng.

Khi rửa hoa quả bạn cần dùng tay chà xát vào thân của chúng để làm sạch những vết bẩn bám trên bề mặt.

Rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống

Bạn cần nhớ nguyên tắc luôn luôn rửa tay trước và sau khi xử lý thực phẩm tươi sống, bao gồm cả các loại rau. Trong quá trình chế biến, nhớ tách thực phẩm tươi sống, kể cả rau quả với các loại thực phẩm chín có thể sẵn sàng để ăn luôn.

Cần dùng thớt, dao và các dụng cụ làm bếp khác một cách riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín. Đồng thời bạn cũng nên ửa sạch chúng ngay sau khi sử dụng để vừa sạch sẽ vừa để bếp không thành “bãi chiến trường” khi bạn nấu ăn xong.

Rửa bằng chậu để tránh lây nhiễm chéo

Bạn nên chà xát trái cây và rau quả trong một chậu nước, thay vì dưới vòi nước đang chảy. Bởi vì khi rửa dưới vòi nước, các vi khuẩn theo nước bắn tung tóe có thể phát tán vào các thực phẩm bên cạnh. Bạn có thể chà sạch bùn đất dính vào rau củ khi chúng đang còn khô. Điều này vừa giúp bạn rửa nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm nước hơn nữa.

Ngoài ra, việc làm sạch thớt, dao và các đồ dùng khác sau khi chuẩn bị rau quả cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Có nên dùng muối hay dấm để rửa rau và trái cây?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng đối với việc rửa sạch rau và trái cây, so với nước sinh hoạt (nước máy dùng để uống được hoặc nước đã qua máy lọc) thì dấm không có tác dụng bằng, thậm chí còn để lại các chất tồn dư khác trên sản phẩm.

Vì vậy, mà chỉ cần sử dụng một lượng nước sinh hoạt (nước máy uống được) vừa đủ để rửa chất bẩn và vi khuẩn bám dính trên rau quả. Đối với các loại rau rậm rạp như súp lơ thì chúng ta có thể ngâm chúng vào nước muối trước khi rửa đề phòng trường hợp là có côn trùng trong các nhánh rau.

Rau nào rửa cách đó

Rau ăn được chia làm 4 loại: lá, quả, củ và hoa. Mỗi loại sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn, ô nhiễm nguồn nước khác nhau nên khi rửa cần phân loại để làm sạch.

Rau ăn lá: Rau ăn lá được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất và nguy cơ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella từ việc tưới phân tươi trực tiếp lên lá. Vì thế, khi mua về, nên nhặt sạch rau, ngâm qua nước và bắt đầu rửa sạch từng lá. Các cành rau nhỏ như rau muống phải rửa làm nhiều lần, sau đó rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước. Cách tốt nhất hiện nay để loại bỏ các khuẩn tả là ngâm qua nước. Một chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê (một thìa nhỏ) muối ngâm trong vòng 5 phút.

Rau ăn quả: Rau ăn quả thường ít ô nhiễm hơn rau ăn lá bởi quả chủ yếu leo giàn nên khi tưới ít bị dính phân. Nhưng rau ăn quả dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do thu hoạch quá sớm chưa hết hạn cách li thuốc hay ô nhiễm khi bảo quản. Các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối. Tránh ngâm nước muối rồi cho vào tủ lạnh để cách ngày vì quả dễ bị hỏng.

Rau ăn củ: Rau ăn củ nói chung đảm bảo an toàn hơn nên không cần ngâm nước muối hay thuốc tím. Khi chế biến rau củ nên rửa sạch vỏ sau đó gọt và rửa lại lần nữa. Cách này hạn chế các chất bẩn dính ngoài vỏ củ vào phần thịt củ đã gọt.

Rau ăn hoa: Đây là loại rau được xem là đảm bảo vệ sinh nhất. Hoa thường ở trên cao và rất kỵ với các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân phun trực tiếp vào, rất khó dính bẩn. Khi phun người trồng phải dùng lá đậy mặt hoa nên chế biến chỉ cần rửa hoa sạch dưới vòi nước là đảm bảo an toàn.

Thu Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/rua-rau-cung-phai-hoc-19912/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY