Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Rụng tóc, tăng cân… kỷ nguyên Covid đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta như thế nào?

Đau mỏi, mắt mờ, sâu răng, bàn chân bè - những năm tháng kỳ lạ, khó khăn của kỷ nguyên Covid đã gây ra những ảnh hưởng không ngờ đến sức khỏe chung của chúng ta.

Năm nay, không hiểu sao gót chân trái của tôi bắt đầu bị đau. Tôi tự hỏi liệu đó có phải là dấu hiệu của tình trạng thoái hóa?.

Tóm lại, thời kỳ này đã gây ra những hậu quả đáng ngạc nhiên về sức khỏe - ngay cả đối với những người chưa từng mắc Covid. Ví dụ, gần đây có một hiện tượng nổi lên đó là "rụng tóc toàn cầu" - một biểu hiện rõ ràng của sự căng thẳng mà hầu hết mọi người đã trải qua. Những điều chưa từng có tiền lệ này đã ảnh hưởng gì đối với cơ thể chúng ta?

Tóc rụng

Khi Viện Trichologists (IoT) của Vương quốc Anh - một hiệp hội chuyên nghiệp dành cho những người điều trị các chứng rối loạn về tóc và da đầu - khảo sát các thành viên của mình vào mùa hè năm nay, 79% cho biết họ đã gặp các trường hợp "rụng tóc hậu Covid" tại phòng khám của họ.

Eva Proudman, nhà tư vấn tóc và da đầu và là chủ tịch của IoT cho rằng: Hiện tượng này có liên quan đến tình trạng chán ăn và sốt cao khi nhiễm Covid: "Cả hai yếu tố này đều thể hiện qua mái tóc, thường là từ bốn đến sáu tuần sau khi virus bắt đầu phân giải, tóc sẽ bắt đầu rụng rất nhiều".

Nhưng chỉ riêng việc căng thẳng về tinh thần cũng có thể dẫn đến rụng tóc. Richard Spencer, một nhà nghiên cứu về tóc và da đầu làm việc tại trung tâm London cho biết: "Những lý do khác khiến tóc rụng nhiều có thể là do sự lo lắng khi nhiễm bệnh và khi không biết mình có bị nhiễm bệnh hay không, cũng như là những căng thẳng khi bị phong tỏa. Tình trạng này xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ, nhưng ở phụ nữ biểu hiện rõ ràng hơn vì phụ nữ có xu hướng để tóc dài hơn và bạn sẽ thấy lượng tóc rụng nhiều hơn khi đi tắm hay khi chải đầu".

Proudman cho biết: Rụng tóc do đại dịch gây ra là một tình trạng được gọi là "Rụng tóc Telogen - sự gián đoạn trong chu kỳ phát triển và rụng bình thường của tóc". Nó khiến tóc mọc ít hơn trong giai đoạn mọc và nhiều hơn ở giai đoạn giữa và rụng. Tuy nhiên, Spencer cho biết một tin tốt là cho dù tóc rụng là do căng thẳng về thể chất hay cảm xúc, thì "hầu hết hoặc tất cả tóc đều có thể phục hồi được". Proudman nói thêm: "Trong một số trường hợp, cơ thể sẽ tự phục hồi sau sự gián đoạn này. Trong những trường hợp khác, chúng tôi có thể cần sự trợ giúp như thay đổi chế độ ăn uống, các biện pháp bổ sung hoặc điều trị về tóc".

Khô và tổn thương mắt

Thành thật mà nói những đôi mắt trong đại dịch đều bị khô và bị tổn thương bởi thời gian sử dụng màn hình quá nhiều. Điều này làm cho mắt dễ bị xước, đau và nhòe, do một số tác động không tốt của màn hình, chẳng hạn như ánh sáng xanh.

Trong một nghiên cứu ở Trung Quốc cũng cho thấy có sự gia tăng đáng kể của bệnh cận thị ở trẻ em do trẻ phải sử dụng màn hình nhiều (và thời gian ở trong nhà, không có khung cảnh xa cho mắt tập luyện) trong thời gian phong tỏa.

Kính ngăn ánh sáng xanh dường như không phải là giải pháp. Không có bằng chứng nào cho thấy màn hình tự gây hại cho mắt. Cận thị là do tập trung liên tục vào vật gì đó ở khoảng cách quá gần (trẻ em thường có xu hướng nhìn sát vào màn hình nhiều hơn là với sách).

Và không phải ánh sáng chói của màn hình làm khô mắt của chúng ta. Khi làm việc qua màn hình, xu hướng tự nhiên của chúng ta là chớp mắt ít thường xuyên hơn năm lần (hoặc 1 lần nữa khi đọc sách) và chớp mắt không hoàn toàn, điều này làm cho mắt của chúng ta trở nên khô hơn.

Khô mắt mùa đại dịch - nhưng màn hình có phải là nguyên nhân? Minh họa: Jango Jim / The Guardian

Răng

Theo Hiệp hội Nha khoa Anh (BDA), để đảm bảo tiếp xúc an toàn kể từ khi dịch Covid xảy ra thì hơn 35 triệu cuộc hẹn đã bị hoãn lại trên khắp nước Anh. Sâu răng đã từng là nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất ở trẻ em (vì nhiều bé còn quá nhỏ để điều trị mà không cần Thu*c gây mê).

Mick Armstrong là chủ tịch ủy ban khoa học và sức khỏe của BDA, ông đã xin nghỉ hưu để giúp giải quyết vấn đề này ở West Yorkshire, ông cho biết: "Tôi đã xử lý một chiếc răng vào ngày hôm trước và nó cần phải điều trị tủy. Nếu tôi đi khám sớm hơn 6 tháng, mọi chuyện đã có thể cứu vãn được chiếc răng". Ông nói rằng đã có một cuộc khủng hoảng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc răng miệng của NHS, và đây là một trong nhiều lĩnh vực mà sự bất bình đẳng về sức khỏe đã trở nên trầm trọng hơn bởi dịch Covid-19.

Nếu răng của bạn vẫn chưa bị mục, có thể bạn đã "nghiến" chúng thành những mảnh vụn. Minh họa: Jango Jim / The Guardian

Khi Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khảo sát các thành viên của mình vào tháng hai, họ phát hiện ra rằng 71% trong số gần 2.300 nha sĩ trên khắp đất nước cho biết đã thấy sự gia tăng của chứng nghiến răng ở các bệnh nhân của họ trong đại dịch. Điều này cũng có thể dẫn đến rối loạn thái dương hàm. Hơn 60% nha sĩ cũng thấy tình trạng này tăng lên, với các triệu chứng bao gồm đau và nhức hàm, và đau đầu xung quanh thái dương. Cũng có sự gia tăng tương tự cho các vấn đề về răng như bị nứt và sứt mẻ, nguyên nhân có thể là do nghiến răng.

Tim mạch

Sonya Babu-Narayan, phó giám đốc y tế tại British Heart Foundation, cho biết các bác sĩ tim mạch đã nhận thấy sự gia tăng của các bệnh tim mãn tính trong đại dịch. Đối với một số người, chế độ ăn kiêng và tập thể dục đã bị ảnh hưởng (sau này sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn), trong khi việc tiếp cận sự trợ giúp y tế ngày càng trở nên khó khăn: "Mỗi lần trì hoãn sẽ làm tăng thêm hiệu ứng "hòn tuyết lăn", điều này cuối cùng khiến tính mạng của bạn gặp rủi ro. Các cuộc hẹn khám bệnh bị trễ và danh sách chờ ngày càng tăng có khả năng đã góp phần vào hàng nghìn ca T* vong do đau tim và đột quỵ trong đại dịch".

Dạ dày

Philip Smith, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại bệnh viện Royal Liverpool và người được ủy thác của tổ chức từ thiện Guts UK, đã nhận thấy rằng các đợt bùng phát hội chứng ruột kích thích (IBS) ngày càng phổ biến. Ông nói: "Chúng tôi đã thấy sự gia tăng các rối loạn có thể liên quan đến căng thẳng và lo lắng, chẳng hạn như IBS. Bộ não và ruột thường tương tác với nhau rất chặt chẽ".

Ông cho biết: "Toàn bộ công việc của tôi thường được coi là "những cơ thể đáng xấu hổ". Mọi người không muốn nói về chuyện trúng gió và tiêu chảy và có rất nhiều sự kỳ thị đối với các tình trạng mà tôi đang chăm sóc. Phong tỏa đã làm cho việc tìm kiếm sự trợ giúp trở nên khó khăn hơn, đối với các tình trạng như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và bệnh viêm ruột. Và khi mọi người thực sự được chẩn đoán và điều trị thì bệnh của họ đã ở trong tình trạng nghiêm trọng hơn rất nhiều mà lẽ ra chỉ là những trường hợp rất bình thường".

Gan

Ông Smith cho biết số ca nhập viện liên quan đến rượu đã giảm trong những năm trước đại dịch, nhưng kể từ khi Covid xảy ra, các ca bệnh "đã tăng vọt một cách mạnh mẽ". Họ có thể biểu hiện với bệnh viêm gan do rượu và vàng da, có thể xuất hiện kèm theo sụt cân hoặc các triệu chứng cai nghiện như run rẩy, đổ mồ hôi và kích động.

Chúng có thể xuất hiện cùng với xuất huyết tiêu hóa, bởi vì khi bạn bị xơ gan, các mạch máu trong ruột của bạn sẽ sưng lên". Trong thực tế thì không phải ai cũng uống nhiều hơn, 1/3 trong số những người được tổ chức từ thiện Alcohol Change UK khảo sát vào năm 2020 cho biết họ đã ngừng hoặc giảm uống rượu. Tuy nhiên, 1/5 - ước tính khoảng 8,6 triệu người lớn - đã uống nhiều hơn.

Da

Emma Craythorne, bác sĩ tư vấn da liễu tại bệnh viện Guy's and St Thomas ở London, cho biết, các tình trạng viêm da như bệnh rosacea, eczema và bệnh vẩy nến đang trở nên tồi tệ hơn trong thời gian căng thẳng này, bởi vì căng thẳng tương đương với các cơn bùng phát và việc rửa tay thường xuyên có thể ảnh hưởng đến làn da của bất kỳ ai.

Trên thực tế, văn phòng của Craythorne đã phải thiết lập một phòng khám cho nhân viên tại bệnh viện vì như cô ấy nói, các bác sĩ phải rửa tay khoảng 100 lần một ngày. "Khi bạn làm sạch tay, ngay lập tức, lớp bên ngoài bắt đầu mất nước vì bạn đã phá vỡ khả năng bảo vệ của nó. Nếu sau đó bạn không dưỡng ẩm hoặc sử dụng dụng cụ rửa tay có bổ sung chất dưỡng ẩm như glycerin, thì tình trạng khô da sẽ xảy ra liên tục, bắt đầu gây ra các vết nứt trên da. Và khi đó vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập và gây viêm nhiễm", cô nói.

Thuật ngữ "maskne" đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong đại dịch - đề cập đến các vấn đề về da do đeo khẩu trang - nhưng Craythorne không coi đây là một vấn đề lớn. Một số người có thể phát triển viêm da quanh miệng, một tình trạng mà lớp bên ngoài của da không hoạt động tốt và bạn sẽ xuất hiện những nốt mụn nhỏ quanh miệng có thể gây ngứa - mọi người thường nhầm lẫn nó với mụn trứng cá, nhưng không phải vậy.

Mặc dù việc đeo khẩu trang có thể làm thay đổi môi trường ở khu vực quanh miệng và gây ra ra tình trạng trên nhưng Craythorne nghi ngờ rằng nguyên nhân có thể nằm ở các loại axit chăm sóc da chuyên biệt.

Bàn chân

Theo Emma McConnachie, phát ngôn viên của Đại học Hoàng gia Podiatry, người đang thực tập ở Stirling cho biết: "Gót chân của tôi cũng có thể liên quan đến đại dịch. Chúng tôi đã chứng kiến các bệnh biến dạng gân và đau gót chân như viêm cân gan chân. Một nguyên nhân giả thuyết có thể là trong khi chúng ta làm việc ở nhà, đôi chân không được mang giày dép hỗ trợ thông thường. Không phải tất cả các loại chân đều thích ứng tốt với việc đi chân trần hoặc đi giày dép mỏng manh. Một số người cũng báo cáo rằng bàn chân của họ bị "bè ra" và giày của họ không còn vừa nữa. Mặc dù vậy, có thể lập luận rằng đôi giày của họ có thể không vừa từ trước đó và họ nhận ra điều này rõ hơn sau thời gian không sử dụng chúng. Giống như khi bạn lần đầu tiên mặc quần jean sau khi phải trải qua thời gian dài tập chạy bộ".

Cô cho biết các bác sĩ chuyên khoa chân cũng đang thấy sự gia tăng ở các vùng vòm bị đau, mắt cá chân và vùng đau nhức ở mặt sau của mắt cá chân. Giả định là nhiều chấn thương trong số này là do "thay đổi loại hoạt động hoặc tham gia các hoạt động mới, chẳng hạn như chạy". Nếu bạn đã bị đau ở bàn chân của mình hơn hai tuần mà không cải thiện, cô ấy khuyên, "tốt nhất bạn nên đi khám chuyên môn để chẩn đoán và điều trị".

Chế độ ăn uống và tập thể dục

Tim Spector tại Đại học King's College London, người tạo ra ứng dụng Zoe Covid Symptom Study, ứng dụng từng là mỏ dữ liệu dịch tễ học trong suốt đại dịch, nói rằng cuộc khảo sát của ứng dụng về chế độ ăn uống và tập thể dục nhìn chung cho thấy rất ít thay đổi về cân nặng và thể chất của quốc gia. Tuy nhiên, đằng sau những mức trung bình này, ông nói, "khá nhiều người đã thay đổi hành vi của họ. Họ hoặc trở nên khỏe mạnh hơn, hoặc họ kém khỏe mạnh hơn nhiều, nhưng trung bình, họ sẽ cân bằng lại". Dữ liệu này đã được công bố trong năm nay trên tạp chí Nature Food.

Trong khi cuộc khảo sát cho thấy tổng thể, mức tăng cân trung bình chỉ ở mức 0,8kg (1lb 12oz), thì một nghiên cứu của NHS năm nay cho thấy những người tìm kiếm sự trợ giúp giảm cân trung bình nặng hơn 2,3kg so với những người trong ba năm trước đó.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của Zoe cho thấy rằng, trong khi chỉ hơn 1/4 số người ít tập thể dục hơn vì đại dịch, một tỷ lệ lớn hơn một chút lại trở nên tích cực hơn. Và, khi nói đến chế độ ăn kiêng, Spector nói, khoảng một phần ba đã tìm hiểu kỹ hơn về nấu nướng và ăn uống lành mạnh hơn, trong khi một phần ba khác làm ngược lại và một phần ba cuối cùng không có thay đổi gì. Spector đã đặt ra câu hỏi: "Họ sẽ trở lại như thế nào? Họ sẽ nhớ KFC - hay là món salad hạt diêm mạch?".

Theo Guardian

Tiếp theo

Vắc xin COVID-19 được cập nhật để đối phó biến thể Omicron như thế nào? 5 câu hỏi được một nhà nghiên cứu trả lời

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/rung-toc-tang-can-ky-nguyen-covid-da-anh-huong-den-suc-khoe-cua-chung-ta-nhu-the-nao-2021120321230814.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY