Trong tháng năm vừa qua, ByteDance, công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, đã vượt lên trên và bỏ xa các công ty “kỳ lân” công nghệ khác. Công ty này được định giá 140 tỷ đô la trên thị trường thứ cấp, tăng gần một nửa so với vòng tài trợ vào mùa xuân.
Lý do? TikTok, một ứng dụng video ngắn, đã có 2 tỷ lượt tải xuống.
TikTok thường được biết đến nhờ nội dung vui nhộn do người dùng tạo nên, là hiện tượng Internet toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc.
Đối với người sáng lập 37 tuổi của ByteDance, Trương Nhất Minh, đó là một phần trong tham vọng xây dựng gã khổng lồ phần mềm toàn cầu.
Hiện tại tham vọng đó đang có nguy cơ bị phá hủy.
Vào ngày 29/6, Ấn Độ đã cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc, sau các cuộc đụng độ gây ch*t người giữa những người lính Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy núi Himalaya.
Cùng tháng đó, các luật sư người Mỹ của ByteDance đã nói với họ rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump có mối quan ngại về quyền sở hữu TikTok của Trung Quốc.
Mỹ hiện đang đe dọa sẽ cấm hoàn toàn ứng dụng này. Những lo ngại của chính quyền Trump về TikTok đã tăng lên cùng với sự nổi tiếng của nó.
Ước tính có khoảng 70 triệu người dùng Mỹ sử dụng TikTok, số lượng đông đảo ngang với ứng dụng tin nhắn hình ảnh Snapchat.
Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, trong quý đầu tiên, đã có 315 triệu lượt tải ứng dụng này trên toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ ứng dụng nào trong ba tháng.
Ở Mỹ và Anh, TikTok trở thành đối thủ cạnh tranh của YouTube về việc thu hút sự chú ý của người dùng - và không chỉ trong giới trẻ, những người sử dụng đầu tiên.
Vanessa Pappas, tổng giám đốc tại chi nhánh ở Mỹ của ứng dụng này, cho biết “TikTok hiện giờ là nơi dành cho tất cả mọi người”.
ByteDance giữ kín các con số của mình, nhưng các nhà đầu tư nói rằng công ty đang trên đà thu về 30 tỷ đô la doanh thu vào năm 2020, tăng từ 15 - 20 tỷ đô la vào năm 2019. Lợi nhuận ròng có thể tăng hơn gấp đôi, lên tới 7 tỷ đô la.
Phần lớn lợi nhuận đến từ nhánh kinh doanh tại Trung Quốc, Douyin, một phiên bản của TikTok và Toutiao, một ứng dụng đọc tin tức.
TikTok vẫn chưa làm ra tiền, nhưng ByteDance cho rằng khi đến thời điểm, nó có thể làm lu mờ tất cả các doanh nghiệp khác của mình ở Trung Quốc, bằng cách khai thác tốt thị trường quảng cáo rộng lớn của Mỹ.
Ứng dụng này đã chuẩn bị sẵn các công cụ cho các nhà quảng cáo.
Phần lớn những nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ của ByteDance tin rằng điều này, cộng thêm mức tăng trưởng ở Trung Quốc, có thể nâng mức định giá của công ty lên 500 tỷ đô la.
Giới quan chức Mỹ có 2 mối lo ngại. Đầu tiên là công tác kiểm duyệt và vấn đề tuyên truyền.
Trong quá khứ, TikTok đã từng chặn cuộc thảo luận về các chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc, như Tây Tạng, Quảng trường Thiên An Môn hay cuộc đàn áp ở tỉnh Tân Cương.
Mối lo ngại thứ hai là với tư cách là một doanh nghiệp của Trung Quốc, ByteDance phải tuân theo các điều luật yêu cầu doanh nghiệp phải làm việc với chính quyền Trung Quốc.
TikTok nói rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào về dữ liệu từ Trung Quốc và sẽ từ chối cung cấp thông tin về người dùng không phải người Trung Quốc.
Nhưng Alex Stamos, cựu giám đốc an ninh tại Facebook, hiện đang tư vấn cho Zoom, một dịch vụ cung cấp nền tảng hội nghị qua video hoạt động tại Trung Quốc, nói rằng ngay cả khi TikTok có thể kháng cự lại các yêu cầu của chính phủ, thì “câu hỏi đặt ra là có những phương thức ngoài vòng pháp lý nào tồn tại để lấy được dữ liệu từ TikTok.”
Ông nói rằng, nếu các kỹ sư tại Bắc Kinh có quyền truy cập vào các máy chủ TikTok bất cứ nơi nào trên thế giới, chính phủ có thể buộc họ phải bàn giao dữ liệu được lưu trữ ở đó.
TikTok cho biết họ thu thập ít dữ liệu hơn so với nhiều mạng xã hội, nhưng tự động ghi lại vị trí GPS, địa chỉ internet và lịch sử duyệt và tìm trên ứng dụng của người dùng.
Người dùng cũng có thể lựa chọn chia sẻ danh bạ của mình. ByteDance đã cố gắng ngăn chặn những mối lo ngại này.
Khi lượng người dùng TikTok bùng nổ ở phương Tây, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều biện pháp để 'Mỹ hóa' quá trình hoạt động và phương thức quản lý.
Sau sự chậm trễ liên quan đến dịch Covid-19, “trung tâm minh bạch” của TikTok ở Los Angeles, nơi các chuyên gia có thể kiểm tra mã code của ứng dụng, theo kế hoạch sẽ mở vào mùa hè này.
TikTok đã thuê một giám đốc điều hành mới, Kevin Mayer của Disney. Vào tháng Ba ByteDance cũng đã đưa ra một kế hoạch có tính triệt để hơn.
Kế hoạch này có thể di dời tất cả các doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc của ByteDance, bao gồm cả TikTok, và cung cấp cho họ một trụ sở toàn cầu ở London, cùng với khối văn phòng đặt tại Ireland (nơi áp dụng các quy định bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt của Châu Âu).
Về mặt vận hành, công ty sẽ chia thành nhóm “ByteDance Trung Quốc” và “ByteDance Toàn Cầu”.
Công ty này đã thảo luận với chính phủ Anh về ý tưởng trên vào tháng Hai. Các cuộc thảo luận này đã dừng lại ngay khi Nhà Trắng đưa ra khả năng sẽ cấm ứng dụng TikTok.
Một số người có liên quan hiện giờ cho rằng khả năng xảy việc ban hành lệnh cấm là khá cao.
Ưu tiên của ByteDance là tránh khỏi hậu quả này, trong khi vẫn nắm giữ được một phần có ý nghĩa mang giá trị kinh tế của TikTok.
Sự lựa chọn được công ty này ưa thích hơn là kế hoạch “ByteDance Toàn Cầu”.
ByteDance đã sẵn sàng để thay đổi cấu trúc vốn của mình và thành lập chi nhánh toàn cầu, giữ tỷ lệ cổ phần từ 35% đến 49%.
Ông Trường sẽ bổ nhiệm một nhóm nhỏ thành viên hội đồng quản trị. Từ đó, ByteDance Toàn cầu có thể duy trì chi nhánh TikTok ở Mỹ xa hơn nữa khỏi Trung Quốc.
Một lựa chọn khác trong vòng thảo luận, theo lời thuật lại, là các nhà đầu tư hiện tại của ByteDance mua phần lớn cổ phần của TikTok, có thể để cho ByteDance nắm giữ một phần nhỏ.
Liệu điều này có xoa dịu chú Sam (ý chỉ chính quyền Mỹ) hay không thì còn chưa rõ.
Điều mà ByteDance lo ngại nhất là việc bán cưỡng chế 90 - 100% cổ phần của TikTok toàn cầu cho các nhà đầu tư của Mỹ hoặc một gã khổng lồ công nghệ.
Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của ông Trump, cho biết ông nghĩ TikTok sẽ trở thành một doanh nghiệp Mỹ tách biệt với công ty mẹ ở Trung Quốc.
Công ty cho rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chấp nhận một trụ sở toàn cầu mới ở châu Âu cho ByteDance.
Nhưng việc trao TikTok toàn cầu cho người Mỹ cũng giống như hành vi mang tính chiếm đoạt.
Một người ở Trung Quốc có liên quan đến vấn đề trên lưu ý rằng “Mỹ sẽ có thêm một nền tảng công nghệ toàn cầu khác”.
Từ bỏ một phần hoặc toàn bộ TikTok sẽ là một đòn tài chính đối với ByteDance.
Không có TikTok ở Mỹ, giá trị tiềm năng của công ty sẽ giảm từ 500 tỷ đô-la xuống còn khoảng 300 tỷ, một nhà đầu tư lớn nhận định.
Đánh mất TikTok toàn cầu sẽ còn đau đớn hơn nữa.
Sự chia cắt cũng có thể kìm hãm sự phát triển của ứng dụng trong tương lai, khi mà sự phổ biến của nó vốn được thúc đẩy bởi các thuật toán của ByteDance, cái đã được mài giũa trong quá trình phát triển Douyin và Toutiao.
Niềm đau của TikTok mở ra khởi đầu cho các nền tảng khác.
Ở Ấn Độ, nơi 200 triệu người dùng bị mất quyền truy cập chỉ qua một đêm, một đối thủ địa phương, Roposo, đã nhận được 22 triệu đăng ký trong 48 giờ.
Ở Mỹ, Facebook ra mắt Instagram “Reels”, một bản sao của TikTok và YouTube sẽ sớm tung ra “Shorts”.
Tuy nhiên có thể Nhà Trắng sẽ cân nhắc lại về việc cấm một ứng dụng mà quá nhiều người Mỹ mê đắm như vậy.
Cấu trúc công ty có thể thay đổi. Song bà Pappas quả quyết rằng “TikTok sẽ không biến mất.”