Viện Robert Koch (RKI) về Các bệnh Truyền nhiễm báo cáo hơn 985 ca mắc mới trong ngày 7/7, nâng tổng số bệnh nhân ở Đức lên 3,73 triệu. Số ca Tu vong hiện là 91.000 người.
Biến thể Delta dễ lây lan chiếm 59% số ca nhiễm trong hai tháng gần đây, dự kiến sẽ trở thành chủng trội vào cuối tháng 7. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn chưa quyết định thời gian nới giãn cách xã hội, cho biết quyết định mới sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng.
Kể từ tháng 4, nước này nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường bằng chương trình tiêm chủng và xét nghiệm kháng nguyên. Các điểm xét nghiệm được dựng lên trong quán cà phê, quán bar bỏ hoang, lều đám cưới, thậm chí đằng sau một chiếc taxi xe đạp vốn để chở khách du lịch.
Tỷ lệ tiêm chủng ở người trên 60 tuổi tại Đức sẽ sớm đạt 90%. Tuy nhiên ở nhóm dân số trẻ hơn, chính phủ cần có nhiều biện pháp tuyên truyền để đảm bảo 85% tiêm vaccine.
"Nếu hoàn thành mục tiêu đó vào tháng 7, chúng ta sẽ có một mùa thu đông sáng sủa, với ít biện pháp hạn chế hơn nhiều", ông Spahn nói.
Người dân xếp hàng tại một sân vận động để tiêm vaccine Covid-19, ngày 14/5. Ảnh: Reuters
Trước đó, giới chức thông báo lượng lớn người dân không đến tiêm chủng dù đã đăng ký. Mario Czaja, người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Berlin, cho biết 5-10% bỏ lịch hẹn tại các trung tâm vaccine thành phố, tăng mạnh so với tỷ lệ 0,5% hồi đầu năm.
Theo Christian Fuellers, giám đốc y tế của một trung tâm tiêm phòng ở North Rhine-Westphalia, nhiều người bỏ tiêm liều thứ hai vì đang đi nghỉ hoặc đã nhận vaccine từ bác sĩ gia đình. Điều này khiến giới chức đau đầu trong kế hoạch tăng tốc tiêm chủng để đón đầu biến thể Delta.
Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas cho rằng Đức dỡ hoàn toàn giãn cách khi tất cả mọi người được tiêm vaccine. Hiện khoảng 57% dân số nước này tiêm chủng ít nhất một liều, 39% đã tiêm đầy đủ.