Tin y tế hôm nay

Tin y tế

TP HCM thiếu điều dưỡng trầm trọng

Sở Y tế TP HCM dự báo thiếu điều dưỡng viện công trong bối cảnh số người đăng ký theo học ngành này ngày càng giảm mạnh.

Cụ thể, năm nay trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận 781 đơn đăng ký học điều dưỡng, giảm 66% so với năm ngoái. Tình hình này cũng phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đã gặp gỡ các chuyên gia và lắng nghe những kiến nghị, giải pháp trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, ngày 29/9.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nói việc thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng là thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau Covid-19. "Dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số người được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp số đã nghỉ việc", ông Thượng chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ nước ta cũng rất thấp. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản đến 9-10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến hai điều dưỡng.

Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến cuối, rất áp lực. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số điều dưỡng nghỉ việc tăng cao, càng gây thêm nhiều khó khăn. Việc thiếu hụt điều dưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng, nằm thở máy trong khu hồi sức tích cực tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Lãnh đạo ngành y tế nhận định nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều điều dưỡng rời bỏ bệnh viện công do công việc vất vả, áp lực cao, nguy cơ lây nhiễm lớn, trong khi thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. Theo thống kê, khoảng 70% công việc tại bệnh viện do điều dưỡng thực hiện nhưng thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng một tháng, nhiều người nghỉ việc, tuyển dụng nhân sự khó khăn.

Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp hiện gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng khá cao, mỗi năm tiêu tốn 35-40 triệu đồng học phí, nhưng khi ra trường công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên số lượng người nộp đơn theo học càng giảm.

Về giải pháp, bà Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng TP HCM cho rằng cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề. Đồng thời các bệnh viện phải "đặt hàng" cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế đơn vị.

Hiện, tp hcm đã có những giải pháp trước mắt như hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo nghị quyết 03 của hội đồng nhân dân, cho phép ngành y tế bổ sung nhân lực chuyên môn gồm bác sĩ, điều dưỡng (đã nghỉ hưu), có nhiều kinh nghiệm và sức khỏe tốt cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế.

Bên cạnh đó, ngành y tế kiến nghị UBND có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Sở Y tế cũng đề nghị thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời, cần cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Sáu tháng đầu năm, ngành y tế tp hcm có 874 nhân viên y tế thôi việc, trong đó có gần 200 bác sĩ và gần 400 điều dưỡng. riêng năm 2021 y tế thành phố ghi nhận khủng hoảng lực lượng lao động với số người nghỉ việc tăng đột biến là 1.154.

Lê Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/tp-hcm-thieu-dieu-duong-tram-trong-4517492.html)

Tin cùng nội dung

  • Trong thời kỳ có thai, nếu người mẹ thiếu canxi, mặc dù có sự phân giải hợp chất canxi trong xương phóng thích vào máu để đáp ứng nhu cầu, nhưng sự đáp ứng này chỉ có giới hạn.
  • Cơ quan Quản lý Thu*c và thực phẩm Mỹ (FDA) vừa cảnh báo, các sản phẩm testosteron theo đơn được phê duyệt chỉ dùng điều trị cho những người đàn ông có nồng độ testosteron thấp...
  • Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virut cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân...
  • Trung Quốc đang đề nghị nên có một lệnh cấm dùng ketamine trên toàn thế giới, bởi Thu*c đang được sử dụng “lậu” phổ biến tại cộng đồng theo mục đích sai trái.
  • Trong các cơ sở khám chữa bệnh, việc sử dụng kháng sinh vẫn còn bị lạm dụng hoặc dùng chưa hợp lý,
  • Vụ tấn công nhân viên y tế tại bệnh viện Bạch Mai vừa qua hoàn toàn không có gì có thể biện bạch được.
  • Năm qua là một năm sóng gió đối với ngành y tế khiến những nhân viên y tế đàng hoàng, làm việc cật lực phải dừng tay lại ngơ ngác, hỏi chuyện gì đang xảy ra? Tôi là ai? Và tôi phải làm gì?
  • Táo Quân cuối năm sắp đến, và một câu hỏi đang đặt ra cho tất cả chúng ta là: Táo Y tế sẽ nói gì trong một năm đầy biến động? Để cung cấp một cái nhìn khách quan, tôi xin góp vài dòng phân tích những nội dung nên và không nên châm biếm.
  • Khi xảy ra sự cố, nhân viên y tế thấy mình cô đơn lạc lõng ở cái cõi đời ô trọc này, giữa một bên là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đòi một khoản tiền lớn, thật sự lớn lắm so với đồng lương còm cỏi của mình; còn một bên là lãnh đạo của mình muốn mọi chuyện nhanh chóng êm xuôi thúc ép mình b
  • Bạo hành với nhân viên y tế đang gia tăng ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Bạo hành với nhân viên y tế thường do nghiện M* t*y, thiếu hiểu biết, thiếu khoan dung và thiếu sự tôn trọng...
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY