Phóng sự hôm nay

Sống thấp thỏm trong nhà không phép

Bên cạnh nhiều khu phố sầm uất, những khu vui chơi - giải trí nhộn nhịp hút khách khắp nơi túa về là hàng loạt khu nhà không phép treo leo trên vách núi, bám giữa lưng đồi hay dựng tạm bợ nơi dốc thẳm đang là nơi sinh sống của hàng ngàn gia đình nghèo ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Có xóm, khăn tang từng phủ kín ngõ nhỏ, sự hiểm nguy luôn lơ lửng trên đầu, T*i n*n xảy ra liên tục, đời sống đảo lộn, người nọ phải canh giấc ngủ cho người kia. Nhưng rồi, nghề nghiệp bấp bênh, thu nhập thấp, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, họ đành phải tồn tại trong lo âu với một khẩn cầu mong manh là tai họa nếu đến hãy chừa mình ra.

Những ngày đầu tháng 5, nắng sạm da người, nhiều gia đình ở “xóm nhà không phép” cuối phường Vĩnh Trường (TP.Nha Trang) vẫn tất bật tu sửa lại nơi ở sập xệ của mình. Xòe bàn tay chi chít sẹo, ông Trần Văn Bần ngậm ngùi: Tranh thủ lúc còn nhàn rỗi bà con bảo nhau gia cố lại. Vài tháng nữa mưa gió có ập đến đỡ phải hốt hoảng, ch*t chóc. Phường này có mấy xóm nhà (còn gọi là xóm núi). Ai cũng nghèo và nhiều lần gánh đau thương cả thể xác lẫn tinh thần từ nhẹ đến nặng.

Các xóm nhà không phép mọc lên cheo leo ở vách núi thuộc phường Vĩnh Trường (Nha Trang).

Quay cuồng, vật vã mãi rồi buồn đau cũng phải nén vào trong, bà Lê Thị Thiêm thổn thức: Mấy lần có con sẩy chân xuống vách núi, dập xương, cả nhà đi làm thuê mấy tháng mới đủ tiền Thu*c thang. Cũng may có các bác sĩ tận tình chăm sóc và giúp đỡ thêm, nếu không khó bề thoát cảnh tàn tật. Hàng trăm căn nhà ở đây, gió bão mạnh là có thể sập còn trẻ con ra khỏi nhà sơ ý là rơi xuống vách đá, sứt trán, gãy chân. Người lớn còn bị suốt, nhất là những cư dân mới đến định cư ở xóm. Ám ảnh nhất là ngày, các xóm nhà không phép kéo nhau đến lặng buồn tiễn đưa Võ Thị Kim Yến, Trần Thị Kim Hồng, Phạm Thị Ngọc Thảo về nơi yên nghỉ cuối cùng cách đây mấy tháng. Họ đều Tu vong do lở núi vì mưa gió, nhà bẹp rúm.

Suýt ch*t vì bị đá đè cách đây vài tuần, anh Nguyễn Tùng và nhiều người khác ở Vĩnh Trường vẫn chưa hết run rẩy, bộc bạch: Nhà không phép hầu hết là xây trộm, xây lén, xây ban đêm. Sửa chữa cũng tranh thủ làm chớp nhoáng là chính. Biết rõ là mình đang ở trong hiểm nguy đấy, cũng đau đớn nhiều rồi đấy nhưng phải liều thôi không thì lấy đâu ra chỗ mà tá túc.

Cuối năm 2018, đại tang phủ cả xóm nhà không phép (còn gọi là xóm Núi ở xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) khi có hơn chục người Tu vong bởi lở núi, sập nhà nhưng những ngày này, nhiều người vẫn phải nén nước mắt quay về nơi ở cũ. Vài lần từng gãy chân, ông Nguyễn Thứ cố gượng dậy cùng người thân khuân từng viên gạch nát dựng lại nhà. Ông Thứ chua chát: Chính quyền bảo đi đi rồi hỗ trợ cho mấy triệu. Đi đi, ở đây thì nguy. Nhận mấy triệu ấy rồi biết sống ở đâu. Có gia đình hàng chục nhân khẩu, đi thuê cái chỗ ngủ mỗi tháng cũng mất tiền triệu. Có nhà đã sống mấy chục năm rồi, người thì làm biển, người phụ hồ, người vá lưới thuê... đắp đổi đủ sống qua ngày thôi. Nhiều gia đình chưa đủ tiền mua cát, xi măng còn cam chịu quây bạt để sống. Những căn nhà sắp sập thì chặt cây, xin gỗ về chống bên này, chằng bên kia.

Có mặt ở những dãy đồi, vách núi thuộc thôn Ngọc Sơn (phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) những ngày giữa tháng 4 , chúng tôi cũng ghi nhận cảnh nhiều người đang tấp nập san đất rừng, bạt núi để đào móng xây nhà trái phép mặc dù biết rõ đó là hành vi bị cấm. Nhiều người sống trong nhà không phép ở đây, thú thực: Vài trăm triệu lên núi là mua được miếng đất với mảnh giấy viết tay. Núi mà lở đè bẹp lúc nào không biết. Nhưng lấy đâu ra mấy tỷ mà mua đất có sổ đỏ. Cứ xây nhà không phép thành xóm rồi là chính quyền sẽ khó đuổi hay cưỡng chế.

Sống gần nửa đời người ở xóm Núi (xã Phước Đồng), nhiều người già vẫn chưa một ngày được thụ hưởng “chất lượng đô thị” mà chỉ quẩn quanh với những lo toan cơm áo và... canh thời tiết.

Ngước nhìn những căn nhà không phép nứt nẻ, bao gia đình đang lui cui trong ánh điện leo lét, ông Nguyễn Tùng suýt xoa: Đạm bạc nhưng yên bình thế này cũng là khoảnh khắc hiếm hoi với xóm Núi rồi chứ dạo này thời tiết cực đoan lắm, mưa nắng thất thường. Lao động chính thì lo bươn trải những người già như chúng tôi bảo nhau theo dõi sát sao thời tiết, canh hiểm nguy cho nhau, có gì còn chuẩn bị mà ứng phó chứ không để sập nhà hàng loạt, ch*t lia lịa như năm ngoái thì đau quá.

Nhiều căn nhà không phép ở Phước Đồng bị đè nát sau trận mưa lớn cuối năm 2018.

“Xa xỉ” lắm mỗi tháng gia đình anh Lê Văn Toản và một số gia đình xóm Núi mới dám đưa gia đình về trung tâm thành phố Nha Trang ăn một bữa cơm bình dân để ngắm không gian sôi động của đô thị. Toản chia sẻ: Mình thế là oách rồi chứ ở xóm Núi có nhà cả năm chỉ quẩn quanh ở xóm, ở xã thôi. Chỉ cách mấy ki-lô-mét nhưng họ không đi vì đi rồi lại thêm tủi phận. Hầu hết trẻ em ở các xóm nhà không phép thạo được con chữ rồi bỏ để đi làm đủ thứ nghề, ít đứa học lên cao. Rút kinh nghiệm từ các lần trước, giờ cứ thấy gió mạnh, mưa giông là trẻ con cũng chạy túa đến những căn nhà vững chắc để xin trú nhờ.

Cảm nhận rõ những ẩn họa khi nhà treo trên vách núi, anh Nguyễn Thành Tuấn ở Vĩnh Trường (Nha Trang) vận động hàng xóm mua đài radio và luôn đeo bên mình để tiện theo dõi thông tin thời tiết. Vài năm trước, hàng chục hộ gia đình ở đây, muốn tương lai con em tốt hơn, tích cóp được ít tiền quyết tâm chuyển đi nơi khác cho an toàn nhưng nhà ở xã hội cho người nghèo giá cũng cao chót vót nên họ lại quay về để sống trong lo sợ. Anh Tuấn phân trần: Chung cư cho người nghèo cũng tiền tỷ mà chen chân vào rất khó, thủ tục nhiêu khê. Để đăng ký mua cần có hộ khẩu, công việc tốt, thu nhập ổn định... Mà mấy thứ đó, dân ở đây làm sao đáp ứng được.

Dân lao động trong các xóm nhà không phép mỗi năm tiết kiệm được vài chục triệu, không may nhà sập lại thành trắng tay. Có người vừa đi lao động vừa ngó nhìn trời coi có gió mạnh ập đến không còn chạy về lo sơ tán, rất cơ cực.

Hàng chục gia đình nghèo ở Nha Trang còn bức xúc cho biết: Không dám ở trong nhà không phép nên tích cóp mua nhà xã hội Hoàng Quân nhưng hết lần này đến lần khác chủ đầu tư hứa giao nhà rồi lại thất hứa. Mấy năm rồi, người dân phải chờ dài cổ. Có người không có chỗ ở phải đến vạ vật ở trụ sở công ty này. Quá nóng ruột, nhiều người nghèo còn căng băng rôn cầu cứu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhưng đến ngày 4/5, vẫn phải tiếp tục chờ.

Bạt núi, ủi đất rừng để làm công trình không phép ở Ngọc Sơn (Ngọc Hiệp) diễn ra tháng 4/2019.

Từ hình ảnh ủi núi, bạt đất rừng ở thôn Ngọc Sơn (phường Ngọc Hiệp) để xây nhà trái phép, ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch phường này lý giải: Họ làm lén lút, không ai cho cả. Giờ được phản ánh thì gấp rút kiểm tra, đình chỉ, đất núi rừng xây nhà rất nguy hiểm. Các khu không phép khác thì hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau nên mỗi khi thời tiết bất thường chính quyền vẫn đến cảnh báo. Cách lý giải của ông Chinh cũng trùng khớp với câu trả lời của nhiều chủ tịch xã, phường trên địa bàn Nha Trang - Nơi có nhà không phép xây tràn lan khi trao đổi cùng chúng tôi.

Theo báo cáo của UBND TP.Nha Trang, chỉ riêng 2 năm 2017-2018, trên địa bàn có 1.777 trường hợp xây dựng trái phép. Khi phát hiện, các cấp cũng đã lập đoàn kiểm tra để tiến hành xử phạt tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Nhà không phép tập chung chủ yếu ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa, Ngọc Hiệp... Riêng tại xã Phước Đồng có đến 348 hộ dân và hơn 1.300 nhân khẩu ở nhà không phép.

Trước thực trạng các xóm nhà không phép mọc lên tràn lan, diễn biến phức tạp, trong cuộc họp bất thường của HĐND tỉnh Khánh Hòa trong tháng 4/2019, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận: Chính quyền nhiều nơi trong tỉnh đã buông lỏng quản lý từ xây dựng, cư trú đến điện, nước dẫn đến hình thành các xóm nhà không phép, các khu dân cư tự phát trên các sườn đồi, vách núi tiềm ẩn nguy cơ ch*t người. Đã kỷ luật nhiều cán bộ xã, phường. Cấp xã, phường không quản lý tốt dẫn đến huyện, thành phố không làm triệt để. Giải pháp được tỉnh Khánh Hòa đưa ra là khẩn trương xử lý các đối tượng xây dựng không phép. Tăng cường rà soát, kiểm tra, phân loại những gia đình đang ở nhà không phép để có chính sách phù hợp cho người dân di dời khỏi những vách núi, nơi nguy hiểm đến tính mạng.

Giải pháp của tỉnh Khánh Hòa vạch ra là vậy nhưng nhiều hộ dân đang ở nhà không phép cho biết, nếu đuổi chỗ này thì họ lại lận đận tá túc chỗ khác. Vậy nên, khát cháy bỏng nhất của họ là được hỗ trợ dạy nghề, hỗ trợ sinh kế, tạo cầu nối đến các khu công nghiệp, các nhà máy... để họ có nguồn sống ổn định, có cơ hội tiếp cận nhà ở dành cho người nghèo. Đó mới giải pháp an sinh căn cơ, bền vững.

Bài và ảnh Hà Văn Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/song-thap-thom-trong-nha-khong-phep-n157643.html)

Chủ đề liên quan:

không phép trong nhà

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY