Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Tại sao trời càng nóng trẻ càng dễ bị cảm lạnh? Cha mẹ làm tốt những điều này, 90% trẻ sẽ có hệ miễn dịch khỏe mạnh

Trẻ bị cảm lạnh vào mùa hè là điều khiến nhiều cha mẹ quan tâm, nó không chỉ liên quan tới yếu tố nhiệt độ môi trường mà cả trong vấn đề ăn uống, vận động của trẻ.

Thời tiết mùa hè thực sự rất khó chịu, trẻ thường nghịch ngợm, quậy phá nên cơ thể thường đổ mồ hôi nhiều. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm mà trẻ thường mắc các bệnh cảm vặt, thường bị sổ mũi, hắt hơi, khiến cho một số cha mẹ dù có nóng cũng không dám bật điều hòa nhiều, thực sự khổ sở vô cùng.

Rất nhiều người mẹ cảm thấy khó hiểu tại sao trời nóng lại khiến trẻ dễ bị cảm lạnh hơn, điều này có liên quan tới thời tiết hay là do nhiễm virus? trên thực tế, khi một đứa trẻ bị cảm lạnh vào mùa hè, nó thường có liên quan tới 3 yếu tố.

1. Thay đổi nhiệt độ đột ngột

Dù là mùa đông hay mùa hè, sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột rất dễ khiến cho người có sức đề kháng yếu và trẻ nhỏ bị bệnh. Vào mùa hè, phần lớn những gia đình sống ở thành phố đều sử dụng điều hòa. Trẻ em thường hoạt động nhiều, ra mồ hôi liên tục, người lớn lo sợ con cái nóng nực nên hạ nhiệt độ xuống mức thấp.

Trong một số trường hợp như trẻ vận động nhiều bên ngoài, chạy nhảy khiến mồ hôi nhễ nhại, khi trở vào nhà thường kêu cha mẹ hạ nhiệt độ điều hòa để nhanh mát mẻ. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột như vậy nếu thường xuyên xảy ra, việc bị cảm lạnh đương nhiên là điều không thể tránh khỏi.

Trẻ bị cảm lạnh vào mùa hè do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. (Ảnh minh họa)

Lý giải cho điều này rất đơn giản, sau khi vận động liên tục, các tuyến mồ hôi tiết ra nhiều, nếu đột ngột bước vào một nơi có nhiệt độ thấp, các mạch máu dưới da sẽ nhanh chóng bị co lại, lỗ chân lông đóng lại gấp, nhu động đường tiêu hóa bị suy yếu… Tất cả những điều này tạo điều kiện dễ dàng cho các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, dẫn tới tình trạng nghẹt mũi, dần dần chuyển sang đau họng, cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy…

Để tránh trường hợp như thế này xảy ra, điều quan trọng là cha mẹ nên giữ điều hòa trong phòng ở nhiệt độ thích hợp để tránh gây tình trạng sốc nhiệt đối với trẻ. Những điều bố mẹ cần lưu ý là:

- Trẻ cần có thời gian thích ứng 10-15 phút trước khi bước vào phòng đang bật điều hòa.

- Chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời trong giới hạn khoảng 5 độ C. Gia đình có trẻ nhỏ nên duy trì nhiệt độ ở mức 26-28 độ C, không hạ quá thấp.

- Nếu trẻ đang tiết mồ hôi nhiều, không được hạ nhiệt độ xuống quá thấp mà để cơ thể trẻ tự điều chỉnh thân nhiệt trước.

- Không nên để trẻ ở quá lâu trong phòng điều hòa kín, chú ý sự thông gió. Nếu không khí trong nhà không được lưu thông, vi khuẩn và virus sẽ gia tăng, nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Cha mẹ có thể mở cửa thông gió 2-3 tiếng/lần, mỗi lần 20 phút.

- Không để trẻ đứng trực tiếp luồng gió điều hòa phả ra hoặc máy quạt chĩa thẳng vào mặt.

2. Vấn đề vệ sinh

Mùa hè là thời điểm mà độ ẩm trong không khí rất cao, tốc độ sản sinh ra virus và vi khuẩn tăng nhanh. So với mùa đông thì mùa hè khiến tay chân của trẻ dễ đổ mồ hôi hơn, dễ bị bám bẩn. Nếu trẻ không có thói quen thường xuyên rửa tay, hoặc thích trực tiếp dùng tay bốc thức ăn thì rất dễ dàng đưa vi khuẩn vào cơ thể, từ đó có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa.

Việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo thường xuyên có thể giúp trẻ tránh được nhiều bệnh tật vào mùa hè.

3. Sức đề kháng giảm

Thời tiết nóng nực khiến cả người lớn và trẻ em đều cảm thấy khó chịu, sức ăn, giấc ngủ và vận động đều bị ảnh hưởng. Lúc này, trẻ thường có xu hướng lười ăn, dẫn đến việc thiếu hụt các vitamin và chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và hệ miễn dịch. Vi khuẩn và virus sẽ lợi dụng điểm yếu này để sinh sôi và phát triển nhanh.

Mùa hè, trẻ dễ lười ăn do nắng nóng. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, nếu muốn trẻ ít bị ốm vặt vào mùa hè, cha mẹ cần chú ý 2 điểm: Chế độ dinh dưỡng và vận động.

- Chế độ dinh dưỡng

Tăng cường trái cây, rau xanh vào thực đơn của trẻ. Rau củ quả rất giàu vitamin và nước, có thể bổ sung lượng nước bị mất do tiết mồ hôi quá nhiều.

Hạn chế cho trẻ tiêu thụ đồ ăn, thức uống lạnh như nước ngọt và kem. Khả năng miễn dịch của trẻ vào mùa hè tương đối kém, nếu ăn nhiều đồ lạnh sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng…

- Vận động

Do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên trẻ bị hạn chế ra ngoài mà phải ở trong nhà nhiều hơn. Lúc này, một số gia đình có thể bật điều hòa thường xuyên, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.

Mặc dù ở trong nhà nhưng cha mẹ có thể cho trẻ chơi đùa, vận động với những trò chơi phù hợp, tránh đổ mồ hôi quá nhiều và lạm dụng điều hòa, quạt để làm mát cơ thể.

Sau khi vận động, trẻ có thể sẽ ra nhiều mồ hôi. Lúc này, không nên tắm ngay cho trẻ mà có thể lau người bằng nước ấm, thay quần áo sạch. Nếu hạ nhiệt cơ thể quá nhanh trong khi các mao mạch dưới da đang giãn nở, thân nhiệt cơ thể bị mất kiểm soát, dễ dẫn tới một số bệnh phát sinh.

Nguồn: QQ, Sohu, Sandingtv

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/tai-sao-troi-cang-nong-tre-cang-de-bi-cam-lanh-cha-me-lam-tot-nhung-dieu-nay-90-tre-se-co-he-mien-dich-khoe-manh-20210720130746547.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY