Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thâm cung bí sử (239 - 1): Ý chí và sức trẻ

MangYTe - Năm 1980, Tùng tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký thi đại học. Bà Hưng hỏi con trai: Sao con không thi? Sợ trượt à?. Con mà thi trượt thì cả trường không đứa nào đỗ đâu mẹ ạ!.

"Thế sao con không thi?". "Con ở nhà một năm, làm ngôi nhà mới. Nhà mình xập xệ quá rồi, dột tứ tung. Cả làng chỉ còn nhà mình và ba nhà nữa đang ở nhà tranh thôi". "Làm nhà mới tốn nhiều tiền lắm mà nhà mình thì không có tiền". "Con sẽ làm nhà theo kiểu tay không bắt giặc". "Nghĩa là thế nào?". "Chị Hà (chị gái của Tùng) lấy chồng miền biển. Bốn năm nay chị ấy chuyên buôn cá. Con sẽ nhờ chị Hà chọn cá và mua cá cho con. Rồi con đem cá lên chợ bán. Cá biển bán ở chợ miền núi được giá hơn. Sau đó con mua chè xanh về bán ở chợ mình. Chè xanh bán chợ mình dễ hơn. Vốn ban đầu con nợ của chị Hà. Chỉ nợ một ngày thôi, sáng nợ, chiều trả". "Mua tận gốc, bán tận ngọn, con tính như thế cũng được đấy. Nhưng buôn có bạn, bán có phường, không có bạn không làm ăn được đâu". "Bạn do mình tạo ra, mẹ ạ!".

Tùng dành một ngày đi nghiên cứu chợ các thứ tại chợ. Đây là cái chợ lớn của cả một vùng, kẻ mua người bán bao giờ cũng đông. Tùng hỏi một bà chủ sạp cá biển: "Cá biển ngon nhất là chim, thu, nụ, đé, sao sạp cá của bà không có bốn loại đó?". "Đây là chợ miền núi, dân ít tiền, bốn loại cá đó ngon nhưng đắt, không bán được. Tôi chỉ bán những loại cá rất phổ biến như cá trích, cá thèn, cá lẹp, cá vỏ". "Ai giao cá cho bà?". "Có người lấy cá ở chợ đầu mối về giao cho tôi". "Thế là bà phải qua một khâu trung gian, giá cá đội lên. Cháu người miền biển. Cháu sẽ lấy cá từ thuyền chài chở lên đây giao cho bà. 4h sáng cháu lấy cá, hơn 7h bà đã có cá bán rồi. Không phải qua khâu trung gian, giá cả rất hợp lý". Bà chủ sạp cá đồng ý hợp tác với Tùng. Ngày đầu tiên, 9h sáng Tùng đã bán hết cá rồi. Sau đó Tùng đi mua chè xanh. Chẳng phải đi đâu xa, chợ này đầy chè xanh.

Người xứ Nghệ nghiện nước chè xanh và họ thích nhất là chè tại Gay. Loại chè này mọc trên đồi sỏi, lá chè chỉ bằng cái vảy ốc nhưng dày và giòn. Loại chè này nấu lên vàng màu mật ong, thơm và uống rất đã. Người ta nấu một nồi chè xanh to và mời cả xóm đến uống vào buổi tối. Bát nước chè gợi biết bao câu chuyện, giữ tình làng nghĩa xóm. Nếu nói về người xứ Nghệ mà không nói về chè xanh là một thiếu sót đáng tiếc. Ở chợ quê Tùng, chè Gay lấn át các loại chè khác. Tùng chở về bao nhiêu bà Hưng bán hết veo bấy nhiêu. Cuối ngày Tùng kiểm lại tiền và gật đầu nói với mẹ: "Buôn bán kiểu này được đấy mẹ ạ! Bây giờ con đi trả nợ cho chị Hà đây, trả hôm nay mai lại nợ tiếp". Bà Hưng mỉm cười: "Con trả tiền cho chị Hà đi, làm ăn phải giữ chữ tín".

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-239-1-y-chi-va-suc-tre-20210726193632361.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY