Theo thông tin PV báo Nhà báo & Công luận (NB&CL) nhận được, trong những ngày sau Tết Nguyên đán năm 2020, quản lý khu Bảo tàng huyện Hoằng Hoá đã tự ý đốn hạ 2 cây sưa gần trăm tuổi rồi đem đi bán mà không xin phép cấp trên, cũng không thông qua đấu giá...
Để làm rõ sự việc, ngày 13/2, PV báo NB&CL đã tới hiện trường để ghi nhận cho thấy, phía trong khuôn viên Bảo tàng huyện Hoằng Hoá có rất nhiều cành, nhánh sưa đang vứt ngổn ngang, bên cạnh là hai hố sâu có đường kính gần hai mét.
Theo một số người dân địa phương, hai hố sâu đó là phần gốc, rễ của cây sưa cũng đã được các đối tượng dùng máy móc đào bới để đem bán, chỉ còn lại cành nhánh. Đây là loài sưa đỏ thuộc diện quý hiếm cấm khai thác, buôn bán.
Được biết, hai cây sưa này có từ trước khi xây dựng khu Bảo tàng huyện Hoằng Hoá, mốc thời gian cũng trên 50 năm. Các cây sưa trên vẫn đang sống bình thường, cành lá xum xêu và được bảo vệ rất nghiêm ngặt, vì đây là thuộc loại cây gỗ quý, hiếm cấm khai thác.
Để làm rõ vấn đề trên phóng viên đã liên lạc với ông Phạm Ngọc Nam, Giám đốc Trung tâm văn hoá huyện Hoằng Hoá, thật bất ngờ, ông Nam cho biết, "Đây là hai cây sưa "nhỏ téo teo", chỉ to bằng cổ chân và đã được Phòng Tài chính tổ chức bán. Số tiền bán được và bán cho ai thì đến thời điểm hiện tại ông Nam cũng không biết... vì không quan tâm. Đề nghị phóng viên muốn biết thêm thông tin thì hỏi ông Duy Phòng tài chính."
Làm rõ thêm sự việc, phóng viên trong vai doanh nghiệp liên hệ với ông Lê Trọng Trường, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá để mua hai cây sưa thì được biết, hai cây này đã bị chặt và được vứt ở trong kho đang thanh lý gỗ. Ông Trường cũng không biết đã được bán hay chưa, đề nghị liên hệ với ông Hoàng Văn Duy - Phòng Tài chính.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Hoàng Văn Duy hiện là Phó phòng Tài chính – Kế hoạch, huyện Hoằng Hoá, ông Duy cho biết, "Hai cây sưa nói trên đã được bán từ hôm mùng 10 Tết Âm lịch cho một hộ kinh doanh cá thể với giá 52.500.000 đồng, bán theo giá niêm yết. Hồ sơ này do chuyên viên làm".
Nhìn nhận về vụ việc, một cán bộ Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sưa là loại gỗ quý hiếm, thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác vì mục đích thương mại từ năm 1994. Đây là loại gỗ chịu mưa nắng tốt. Hai cây gỗ Sưa trên gỗ có màu đỏ, vàng, vân rất đẹp, đây là loại Sưa đỏ.
“Nếu đơn vị họ muốn khai thác thì phải có báo cáo hay tờ trình về lý do khai thác. Khi đầy đủ các hồ sơ pháp lý thì họ mới được khai thác. Còn khi đã khai thác xong thì phải có hội đồng định giá về tài sản đó, rồi có đấu giá thì cũng phải thông báo. Vì đây là tài sản công chứ không phải của cá nhân ai cả”- vị cán bộ Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Xác nhận với phóng viên, ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện uỷ Hoằng Hoá cho biết: “Đúng là có hai cây sưa ở Bảo tàng huyện Hoằng Hoá vừa rồi anh em nó mang đi bán, nhưng bị phát hiện ra và đang tạm giữ ở Uỷ ban nhân dân huyện Hoằng Hoá”.
Trước sự việc này dư luận địa phương hiện rất bức xúc, cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tại Bảo tàng huyện Hoằng Hoá. Nhất là những cán bộ được giao trách nhiệm trông giữ tài sản công lại lợi dụng điều đó để thực hành những hành vi trái với quy định của pháp luật. Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm củ lãnh đạo Bảo tàng huyện Hoằng Hóa khi được hỏi về thực trạng lại không hay biết, điều này cho thấy có việc buông lỏng quản lý và nhiều dấu hiệu bất thường cần được làm rõ.