Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 12.000 ca mắc sốt xuất huyết

(MangYTe) Chiều 16/8, tại buổi làm việc với đại diện Sở Y tế và 24 quận, huyện trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành y tế phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bỏ muối vào từng lư hương, bình cắm hoa trên các ngôi mộ ở các nghĩa trang để diệt ấu trùng bọ gậy, diệt muỗi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc kiểm tra, giám sát cấp Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân 24 quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Kết quả cho thấy dịch bệnh sốt xuất huyết tăng trong thời gian qua do một số yếu tố khách quan như mưa nhiều, có nhiều dự án đang tồn đọng, ô nhiễm môi trường...

Qua kiểm tra, 24 quận, huyện đều đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là tại hàng loạt điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt, là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống thì dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Các sở ngành, địa phương cần tập trung tổng lực với mục đích kéo giảm ca bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát, không được chủ quan trong công tác này.

Sở Y tế phải phối hợp với các sở, ngành, 24 quận, huyện triển khai các giải pháp không để dịch bệnh lây lan, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhất là ở các điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền cho các hộ gia đình tích cực diệt lăng quăng, ngủ màn, ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 24 quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nếu để tình hình dịch bệnh gia tăng và lây lan tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành sốt xuất huyết của châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện cả nước có 72.727 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam có số ca mắc bệnh cao nhất, lên đến 39.473 ca.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13/8, tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 12.291 ca, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ghi nhận, 18/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng so với cùng kỳ, trong đó Quận 12 tăng 133%, huyện Cần Giờ tăng 125%, huyện Hóc Môn tăng 83%.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao trong thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), trong đó 100% phường, xã ứng dụng GIS trong xác định vị trí ca bệnh và thời gian xuất hiện ca bệnh. Sở thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát các quận, huyện trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã xây dựng đề án mạng lưới cộng tác trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành Đoàn triển khai kế hoạch liên tịch về kiểm soát điểm nguy cơ nơi công cộng, đất trống, khu quy hoạch và chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương.

Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền tại các trường học, cơ sở giáo dục các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết; trong đó huy động thầy cô giáo và học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ lăng quăng ở các vật chứa nước tại trường học và gia đình.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo 24 Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động của đội diệt lăng quăng tại tất cả các khu phố, ấp; triển khai mô hình cộng tác viên trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết khi được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua đề án.

Về lâu dài, ngành y tế thành phố đề xuất có giải pháp đối với nơi quy hoạch treo - địa điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết; cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt tại các địa phương./.

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế nông thôn (https://kinhtenongthon.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-da-co-hon-12000-ca-mac-sot-xuat-huyet-post11280.html)

Tin cùng nội dung

  • Hiểu về những thực phẩm có tác động xấu tới tình trạng viêm loét đại tràng sẽ giúp chúng ta “dễ sống” hơn với căn bệnh này.
  • Đứng bên bờ sinh tử, nhiều ca bệnh bắt buộc phải phẫu thuật sớm, nhưng nghiệt ngã thay, các bác sĩ lại gặp khó khăn vì người nhà bệnh nhân thà đưa người thân về… chờ ch*t chứ không chịu mổ xẻ. Người thầy Thu*c phải làm sao?
  • Chú tôi được phẫu thuật tim ở TPHCM và từ nay về sau phải uống Thuốc chống đông máu. Bữa trước mưa lớn, nhà dột làm ướt toa Thuốc và tờ giấy ghi lời dặn của bác sĩ, mà chú thím tôi lớn tuổi nên không nhớ hết. Tôi muốn hỏi kỹ lại về Thuốc này và chế độ ăn uống, sinh hoạt của chú tôi thì phải hỏi ở đâu? Cảm ơn Mangyte rất nhiều! (Nguyễn Văn Thành – Cai Lậy, Tiền Giang)
  • Chào Mangyte.vn, Xin tư vấn giúp tôi, TPHCM có dịch vụ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không? Phải liên hệ ở đâu? Mong nhận được sự giúp đỡ của quý báo. Chân thành cảm ơn. (Lê Thị Phượng - Tô Ký, Quận 12, TPHCM)
  • Thư ngỏ gửi các sinh viên ngành Y - Kêu gọi góp ý cho các bài viết, share, kêu gọi bạn bè, chia sẻ know-how để kiến thức y khoa được đến với cộng đồng.
  • Đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi mạch máu bên trong hoặc gần não bị đứt làm máu tích tụ trong não gây hại cho các tế bào não.
  • Bệnh sốt xuất huyết Dengue là một loại bệnh truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) xảy ra ở những vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay vô căn là một rối loạn đông cầm máu có thể dẫn đến dễ bầm tím hoặc chảy máu (xuất huyết).
  • Chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn bao gồm liệu pháp dinh dưỡng (xem phần Điều trị triệu chứng) và/hoặc điều trị bằng Thu*c
  • Mọi người đều cần có một chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa bệnh tật. Bệnh nhân ung thư có những nhu cầu sức khỏe đặc biệt, bởi vì họ phải đối mặt với những nguy cơ liên quan đến tác dụng phụ muộn cũng như sự tái phát của căn bệnh này
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY