Câu chuyện bắt đầu vào sáng 28.7, khi khu vực 3 bệnh viện (BV) là ổ dịch Covid-19 lớn tại Đà Nẵng được phong tỏa, cũng là lúc hàng trăm bệnh nhân, người nhà tập trung ở các chốt để chờ xe cấp cứu trung chuyển vào BV. Đông đúc, nhưng trật tự. Có người bệnh nặng, bệnh nhẹ nhưng không ai tranh giành để được lên trước. Có trường hợp đứng đợi suốt 4 - 5 tiếng đồng hồ, nhưng khi thấy người bệnh đến sau biểu hiện sức khỏe không tốt thì họ liền nhường “suất”. Trong đám đông đó, tôi chú ý nhiều đến những bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Có vẻ như họ “khỏe” nhất trong số những người xếp hàng chờ, nên các nhóm bệnh nặng cứ vào trước họ, dù đến sau...
Khi kể câu chuyện này, hẳn có người nghĩ rằng, bệnh nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đến BV để chịu cảnh cách ly, còn du khách tìm mọi cách rời khỏi Đà Nẵng vì họ khỏe mạnh và mong muốn về nhà là chính đáng... Đúng là những bệnh nhân chạy thận họ không thể khai gian trên giấy tờ về sức khỏe của mình, nhưng họ cũng không khó để tự tạo ra biểu hiện xấu của sức khỏe nhằm không phải chờ đợi quá lâu. Có điều, họ đã không làm thế... Còn ước muốn được về nhà sớm của du khách không có gì sai. Cái sai chỉ nằm ở chỗ: Nhiều người mạnh ai nấy chạy, tránh cách ly, phong tỏa... như một cuộc “đào thoát”. Thậm chí, có những trường hợp trốn viện, “đào thoát” rồi còn hả hê khoe trên Facebook như một “chiến tích” đáng tự hào!
Bộ Y tế thành lập "Bộ chỉ huy tiền phương" chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng |
Cuộc chiến với “giặc Covid” sẽ còn nhiều gian nan và cần những người có tư duy vì an toàn cho cộng đồng. Mỗi người dân, mỗi du khách chỉ cần thành thật trong khai báo y tế, không gian dối tìm cách “lách” lệnh cách ly xã hội… là đã có thể góp phần nhỏ vào cuộc chiến ấy.