Chuyên ngành hôm nay

Chuyên ngành

Thấy gì từ một ca bệnh đường ruột hiếm gặp?

Hệ thống tiêu hóa biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng và hấp thu vào máu để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Ở cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe bình thường, hiếm khi mọi người chú ý đến hoạt động của hệ tiêu hóa trừ khi chúng gặp bất ổn, như trong trường hợp của bệnh viêm ruột.

Người phụ nữ 39 tuổi, ngụ TP.HCM đến bệnh viện khám trong tình trạng sức khỏe và tinh thần suy kiệt, người ốm yếu, thiếu máu nặng, không thể tự đi một mình (phải có người thân dìu). Bệnh nhân cho biết, từ đầu năm 2014, chị bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng ở vùng rốn và buồn nôn vào buổi chiều, nôn hết thức ăn rồi đến dịch mật. Những cơn đau khiến chị ăn không còn ngon miệng, chị sợ các bữa ăn và cả những món ăn mà trước đây chị rất thích. Cứ nghĩ mình bị viêm loét dạ dày hay bị đau bụng cơ năng do yếu tố thần kinh..., chị đi khám nhiều nơi nhưng bệnh chỉ khỏi vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Hơn 5 năm ròng rã, tình trạng bệnh vẫn tiến triển và ngày càng tồi tệ. Từ 56kg, chị sút còn 44kg, yếu đến nỗi chị không thể tự đi bộ quá 5m.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám lâm sàng, lắng nghe triệu chứng cũng như tiền sử, bệnh cảnh của bệnh nhân, TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM đã chỉ định bệnh nhân đi thực hiện nội soi ruột, chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính và siêu âm ổ bụng để tầm soát.

Sau khi quan sát kỹ các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị viêm ruột xuất huyết, có xơ hóa và hẹp hồi tràng. Đây là căn bệnh và rất khó phát hiện. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt đoạn hồi tràng xơ hóa và hẹp. Tuy nhiên, do thể trạng quá yếu, thiếu máu nặng nên bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực để nâng cao thể trạng trước khi phẫu thuật. Sau khi được nâng thể trạng, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, không còn đau bụng, buồn nôn hay chóng mặt. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm ruột mà không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm sang bệnh khác.

Khám bệnh đường tiêu hóa cho bệnh nhân.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây viêm ruột. Tuy nhiên, họ cho rằng các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh gồm có môi trường, chế độ ăn uống và có thể có cả yếu tố di truyền. Tại Mỹ, có trên 1 triệu người mắc bệnh viêm ruột, thường gặp ở người từ 15-30, tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh viêm ruột có các triệu chứng khá tương đồng như: đau bụng, nôn, thay đổi số lần đi đại tiện... và chúng rất dễ nhầm lẫn trong lâm sàng cũng như trong điều trị.

Viêm ruột là tình trạng viêm nhiễm hệ thống ống tiêu hóa mạn tính. Bệnh Crohn là bệnh mạn tính ở ruột gây viêm và loét. Nó có thể xảy ra bất kỳ ở vị trí nào của ruột non, dạ dày, thực quản mà đa số xuất phát từ hồi tràng (đoạn cuối của ruột non). Bệnh Crohn ảnh hưởng đến toàn bộ chiều dày của ống tiêu hóa, điều này giải thích tại sao bệnh được phát hiện khi ống tiêu hóa bị thủng hoặc gây nên áp-xe.

Triệu chứng của bệnh Crohn phụ thuộc rất nhiều vào vị trí bị viêm của đường ống tiêu hóa. Nhưng nhìn chung nó thường biểu hiện: tiêu chảy mạn tính, đau bụng âm ỉ, gầy sút cân, sốt, có thể sờ thấy u cục (thường ở phía bên phải ổ bụng).

Viêm loét đại tràng mạn tính là bệnh lý của đại tràng mà không có liên quan gì tới ruột non, dạ dày hay thực quản. Nó chỉ ảnh hưởng đến phần niêm mạc của đại tràng, có thể liên tục hoặc gián đoạn. Triệu chứng chính của viêm loét đại tràng mạn tính là: tiêu chảy, sau đó đi ngoài lẫn máu. Ở các trường hợp nặng hơn thì có sốt, đau bụng, đi ngoài ra máu số lượng nhiều.

Hội chứng ruột kích thích còn gọi bằng các tên khác như: viêm đại tràng co thắt, rối loạn tiêu hóa chức năng, bệnh tiêu chảy do thần kinh..., những rối loạn về tiêu hóa do IBS gây nên không do một nguyên nhân do tổn thương thực thể mà thường do các nguyên nhân tâm lý, chế độ ăn, Thu*c... Triệu chứng của IBS như: đau bụng (thường là đau nửa dưới của bụng), trướng hơi, tiêu chảy hay táo bón hoặc xen lẫn cả hai... Nhưng IBS không bao giờ đi ngoài phân đen và đi ngoài ra máu.

Để phân biệt hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột thì lâm sàng quan tâm tới tiền sử liên quan đến những rối loạn tiêu hóa của bạn, những triệu chứng mang tính chất do tổn thương thực thể như: sốt, đi ngoài ra máu, đi ngoài phân đen.

Và quan trọng nhất là xét nghiệm cận lâm sàng để có những bằng chứng về tổn thương thực thể của đường ống tiêu hóa như: nội soi, nội soi sinh thiết, xét nghiệm phân, CT. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sử dụng liệu pháp kháng sinh để phân biệt hai bệnh này. Trên hết, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh viêm ruột là giải phẫu bệnh đánh giá tình trạng viêm được phân loại: nhẹ, trung bình hay nặng dựa vào sự xâm nhập của tế bào viêm.

Các nhà khoa học hiện vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này. Một số người bị viêm ruột có thể có các dấu hiệu của viêm nhiễm ở các nơi khác như ở các khớp, mắt, da và gan, vùng hậu môn có thể xuất hiện các áp-xe và trĩ.

Trẻ mắc bệnh viêm ruột loét đại tràng hay bệnh Crohn có thể sẽ chậm lớn và chậm dậy thì do thiếu hấp thu dưỡng chất.

Các chuyên gia cho rằng tuy bệnh này không trực tiếp đe dọa tính mạng bệnh nhân nhưng nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Bệnh viêm ruột có thể khó chẩn đoán do không có các triệu chứng rõ ràng ngay cả khi ruột đã bị ảnh hưởng trong nhiều năm. Các triệu chứng nếu có lại không đặc hiệu, do đó gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy hiện tượng đau bụng, buồn nôn, người bệnh không nên chủ quan, cũng không nên tự ý mua Thu*c điều trị khi chưa có sự thăm khám của bác sĩ. Việc điều trị không đúng bệnh, sai nguyên nhân sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám tìm nguyên nhân. Sau khi thăm khám, dựa vào từng nguyên nhân, bệnh lý cụ thể và tình trạng sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Bệnh viêm ruột gồm hai bệnh mạn tính gây ra viêm ruột: viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Mặc dù các bệnh có một số tính năng chung, tuy nhiên chúng có một số khác biệt quan trọng: viêm loét đại tràng gây viêm đại tràng khiến niêm mạc ruột bị viêm đỏ và xuất hiện các vết loét gây đau. Khu vực dễ tổn thương nhất là trực tràng, gây tiêu chảy thường xuyên. Chất nhầy, máu thường xuất hiện trong phân. Bệnh Crohn gây viêm ở đoạn cuối ruột non - hỗng hồi tràng và một phần của ruột già. Các tổn thương này không định khu ở một chỗ và có thể lan tỏa ảnh hưởng các vị trí khác trên đường tiêu hóa. Viêm do Crohn ăn sâu vào các lớp của thành ruột và trong khi viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc của ruột.

BS. LÊ NGUYÊN

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/thay-gi-tu-mot-ca-benh-duong-ruot-hiem-gap-n160559.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY