BNEWS Công điện yêu cầu theo dõi chặt diễn biến của vùng áp thấp, chủ động liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện hoạt động trên biển để thông tin, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra...
bnews công điện yêu cầu theo dõi chặt diễn biến của vùng áp thấp, chủ động liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện hoạt động trên biển để thông tin, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra...
Các địa phương cần ứng phó với vùng áp thấp có khả năng thành bão. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 18/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 40 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang; các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão.
Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai một số nội dung như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, chủ động liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện hoạt động trên biển để thông tin, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng, tránh; chuẩn bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật về diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão; bố trí thời lượng phát sóng, truyền tin phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.