Tâm linh hôm nay

Thiền sư Hư Vân đối đáp tướng Tưởng Giới Thạch

“Phật giáo lấy việc cứu thế gian làm nhân đức. Phật học là mẹ của mọi ngành triết học. Tôn giáo tạo thành nền văn hóa và duy trì hùng khí cùng thiên tánh tự nhiên của dân tộc. Nhân dân chẳng nên không có tư tưởng tôn giáo. Nghiên cứu Phật học giúp bổ xung vào những điểm khiếm khuyết của triết học.”

Ngày nay, Phật giáo lan truyền khắp thế giới. Phật giáo tiên phong mở đường cho chủ nghĩa đại đồng. Trên thế giới, xem xét kỹ càng, nhận thấy có hai luồng tư tưởng: luận Duy Thần và luận Duy Vật. Tuy nhiên, chủ thuyết quả báo luân hồi ảnh hưởng phổ cập khắp nơi; đây là điều không thể nghĩ bàn !

Theo luận Duy Thần của đạo Cơ Đốc thì Thần thường ban an vui cho người hiền, nhưng lại trừng phạt những kẻ ác. Vì vậy mà chấp nhận sự tồn tại của thần linh và cho đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, những nhà Duy Thần đó chẳng biết giáo điều như thế, không thể khiến người đời tin sâu, nên đưa đến việc họ cùng những nhà Duy Vật tranh cãi bài bác. Do đó, đạo Cơ Đốc không thể duy trì nền hòa bình cho thế giới. Thật ra, thần tức là vật. Vật tức là tâm. Tâm cũng là thần. Tuy nhiên, thần cũng không phải thần, hay vật cũng không phải vật và tâm cũng không phải tâm. Đức Phật giải thích rõ rằng ba cõi vốn không có một pháp nào cả, mà chúng đều là vọng khởi từ chân tâm. Từ chân tâm này sanh ra muôn pháp. Tuy gọi là "Chân Tâm", nhưng thực ra vì có vật chất hư vọng đối đãi nên mới giả lập danh tự. Bàn đến lẽ cùng tột, gọi là "Chân Tâm" cũng không đúng.

Ví như trong biển cả, tâm là nước và muôn pháp (muôn sự vật) là sóng. Khi biển êm gió lặng thì gọi là nước biển. Khi gió thổi biển động thì gọi là sóng biển. Khi sóng lặng thì là nước biển. Lúc nước biển khởi dậy thì biến thành sóng biển. Giả sử không có tướng nước chảy cuồn cuộn thì không thể lập danh từ hư giả là sóng biển. Nếu không có danh từ sóng biển thì danh từ nước biển hư giả do đâu mà sanh ra ! Những danh từ hư giả này, chỉ do chúng ta tùy tiện lập ra.

Vì vậy, vật tức là tâm. Hữu vi tức là vô vi. Sắc tức là không. Vọng tức là chân. Phiền não tức là Bồ Đề. Chúng sanh tức là chư Phật. Lúc một niệm bị mê hoặc thì tâm trở thành vật; vô vi biến thành hữu vi; không biến thành sắc; chân biến thành vọng; Bồ Đề biến thành phiền não; chư Phật biến thành chúng sanh; nước biển chảy cuồn cuộn thì biến thành sóng biển. Khi có một niệm giác ngộ thì vật chẳng khác tâm; hữu vi chẳng khác vô vi; sắc chẳng khác không; vọng chẳng khác chân; phiền não chẳng khác Bồ Đề; chúng sanh chẳng khác chư Phật; sóng biển lặng thì là nước biển. Lại nữa, vì tâm khởi mê hoặc nên mới giả lập ra vật chất, hữu vi, sắc tướng, vọng không, phiền não, chúng sanh, v.v... để đối đãi với chân tâm, vô vi, chân không, Bồ Đề, chư Phật. Vì thế, dẫu gọi là duy tâm, duy vật, hữu thần, hay vô thần, tất cả đều do tâm thức phân biệt đặt để.

Có người bảo: “Nếu như thế thì Phật giáo cũng theo luận Duy Tâm!”.

Nhà Phật tuy nói duy tâm, nhưng khác hẳn với luận lý Duy Tâm của các nhà triết học. Luận Duy Tâm của triết học là nơi tâm chấp có và nơi vật chấp không. Vì vậy, Phật Thích Ca bảo rằng chúng sanh chấp tâm suy tính so đo làm tự tánh và chấp vọng tưởng sanh tử làm thật thể. Người theo chủ nghĩa duy vật, chấp vật thể là có thật và chấp tâm là hư vô.

Phật Thích Ca bảo rằng những người này thường làm những việc điên đảo, vì ngộ nhận vật chất mà cho là mình, nên mãi mãi lưu chuyển trong dòng sanh tử. Luận Duy Thần phân tách rõ ràng giữa thật thể của vật chất và thật thể của thần linh. Vì thế, luận Duy Thần và Duy Vật phân biệt thành hai thế giới riêng biệt.

Phật Thích Ca bảo rằng khi tâm thức bị mê hoặc thì nhận lầm bọt biển làm biển cả. Đó gọi là sự hiểu biết sai lầm. Hoặc vì gần gũi, thấy hình trâu mà cho là trâu thật. Hoặc nhìn sơ qua sừng trâu mà lầm nhận sừng trâu là con trâu. Hoặc do thấy đầu trâu mà cho đầu trâu là con trâu. Thật ra, chẳng phải như thế! Họ không nhìn thấy toàn thể tướng chân thật của con trâu. Phật giáo đàm luận cùng tận cội nguồn và thấu triệt chân lý qua việc chỉ rõ con trâu trắng chân thật. Nếu chỉ xem sơ qua mà chưa thật thấy toàn thể con trâu, đó là lạc vào thiên chấp của luận Duy Tâm và Duy Vật.

Biệt danh chân lý của nhà Phật là minh tâm kiến tánh, bản nhiên thanh tịnh, chân tâm thường trụ, giác tánh chân như, thật tướng pháp thân, v.v... Rời các danh tướng thì không có nơi chốn định nghĩa chân lý. Thể tánh tự giác vốn tự sáng soi và là đức tánh bổn hữu mà không có năng và sở đối đãi. Gốc vốn không có gì gọi là mười phương hay ba đời. Lại nữa, chẳng có chi gọi là đất đai, con người, thú vật, cây cỏ, ngói đá, địa ngục, thiên đường, v.v... Thật ra, chỉ vì một vọng niệm mà khởi ra pháp hữu vi.


Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài Phú Lâu Na bạch hỏi Phật: - Bạch đức Thế Tôn! Tánh giác vốn tự thanh tịnh, nhưng vì cớ sao lại đột nhiên sanh ra đất đai núi sông?


Phật đáp: - Này Phú Lâu Na! Ông hỏi rằng chân tâm đã vốn thanh tịnh, vì sao bỗng nhiên lại sanh ra núi, sông, đất liền? Vậy ông có thường nghe Như Lai chỉ dạy rằng chân tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi không?

- Bạch đức Thế Tôn! Con có thường nghe Phật dạy nghĩa ấy.

- Vậy chân tâm này, ông cho nó tự có tánh sáng suốt phân biệt chiếu soi hay là không có sáng suốt phân biệt chiếu soi?

- Bạch đức Thế Tôn! Nó sẵn có tánh sáng suốt phân biệt chiếu soi nên mới gọi là tâm. Nếu không có tánh sáng suốt phân biệt chiếu soi thì không gọi là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả.

- Ông nói rằng nếu nó không sáng suốt phân biệt chiếu soi thì không phải là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả. Vậy ông có hiểu chăng: Nếu có chiếu soi phân biệt thì không phải là chơn, còn không có chiếu soi thì chẳng phải là tâm. Nếu tâm mà không sáng suốt thì không phải là chân tâm thanh tịnh rồi.

Ông nên hiểu rằng chân tâm vẫn sáng suốt; vì ông vọng chấp cái Sáng Suốt Phân Biệt làm tâm, nên thành ra có năng phân biệt (tâm) và bị phân biệt (cảnh).


Chân tâm của ông không phải cái bị phân biệt, nhưng vì ông khởi ra cái năng phân biệt nên nó (chân tâm) trở thành cái bị phân biệt (cảnh). Đã vọng thành cái bị phân biệt thì dĩ nhiên ở nơi ông phải vọng sanh ra cái năng phân biệt.

Thế là ở nơi chân tâm của ông vẫn thanh tịnh, không có năng và sở, mà thoạt nhiên thành ra có năng và sở.

Thể tánh chân tâm vốn không khác biệt. Do vọng niệm phân biệt có năng sở và bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Do có hư không và thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi lẫn nhau nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt xấu, phải trái, v.v... Vì vậy mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới; cái không có hình tướng và yên tịnh là hư không. Khác với hư không và thế giới là chúng sanh.


Luận Duy Tâm, Duy Vật, Duy Thần chưa từng hiểu rõ nghĩa lý này, nên cùng nhau công kích đả phá. Thật ra, họ đều đúng và đều sai. Người nghiên cứu học Phật pháp, hãy nên phá vỡ những tảng băng đá này !

Đối với việc nghiên cứu bản thể vũ trụ của nhà Phật, tôi đã tường thuật rõ ràng như bên trên rồi. Ngoài ra, những việc như sự cấu tạo hay thành hoại của thế giới, hệ thống khí quản của thân người, cùng bao vấn đề khác, trong kinh Lăng Nghiêm và những bộ kinh luận khác đều đã thuyết minh, luận bàn tường tận rõ ràng. Đa số, những điều này đều phù hợp với những phát minh của các học giả, triết gia, khoa học gia trong hiện thời và tương lai.


Tuy nhiên, đối với giá trị nhân sanh, pháp tắc và hạnh nguyện của chư đại Bồ Tát, chỉ có chư thánh hiền mới biết được. Những điều này, trong kinh điển thường nhắc đến. Vì vậy, nên biết rằng Phật giáo rất thần diệu và vĩ đại. Tuy nhiên, Phật giáo tuyệt không khoe khoang những điều kỳ lạ, lại cũng không làm những việc hư dối, khiến mê hoặc quần chúng. Mỗi lời nói và hành vi đều y theo ba môn vô lậu học giới định huệ, mà thi hành thực tiễn.


Sao gọi là giới định huệ? Phòng phi chỉ ác gọi là giới. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh, tâm không tùy duyên (mà khởi) nên gọi là định. Tâm và cảnh tròn đầy như hư không, và thường giác chiếu mà không mê hoặc, đó gọi là huệ. Phòng ngừa việc xấu, và đình chỉ việc ác của ba nghiệp, khiến dòng nước tâm tự lắng đọng trong sáng, tức do giới mà sanh định. Nước tâm lắng đọng trong sáng, khiến tự tánh chiếu soi khắp xum la vạn tượng, tức do định mà sanh huệ.

Nhà nho cũng có câu: “Sau khi định tâm thì sẽ được tĩnh lặng; tĩnh lặng rồi sẽ được an lạc; an lạc rồi sẽ có khả năng suy xét quán chiếu; suy xét quán chiếu rồi sẽ có thể đắc đạo.”


Các nhà triết gia cũng thường suy gẫm về sự tướng cùng sở học của họ. Tuy nhiên, nhà nho, nhà triết học, và nhà khoa học đều dùng tâm phan duyên (phân biệt) để suy tư về vạn vật và vũ trụ. Họ nào biết đâu vũ trụ và vạn vật cũng do từ tâm phan duyên tạo thành! Năng tư sở lự đều bắt nguồn từ tâm phan duyên. Nếu muốn cầu chân lý thâm sâu phải ngồi thiền tĩnh lự. Các nhà triết học hiện nay, đối với sự nhận thức về các luận lý, thường lao xao tranh cãi, mãi không kết thúc.

Phật pháp rời ngôn từ và dứt đường tư lự (suy nghĩ), nên khiến trí huệ giác chiếu khắp vũ trụ cùng muôn vật muôn sự. Nếu ngồi xuống, ung dung tự tại mà bàn luận, thì thấy rằng Phật giáo vốn tiên tri tiên giác, và bao hàm cả triết học, khoa học, tôn giáo. Lò nào cũng cùng một xưởng.


Nhật Bổn tôn sùng Phật giáo làm quốc giáo, nên thời cận đại đạo Phật rất hưng thịnh. Những nhà duy tân và hiền sĩ anh tài xuất thân từ thiền học không ít. Đối với những việc của dân chúng, các ngài đều hiểu thấu. Nếu không dùng võ lực quân phiệt mê muội, không dùng sức mạnh bạo lực để giết chóc, và không dùng chính sách xâm lược khiến trái ngược với đạo, thì ngày nay được an ổn, đâu đến nỗi phải bị thảm bại.

Có người nghi rằng Phật giáo rất tiêu cực và mê tín, nên không xứng đáng làm quốc giáo; đây là vọng tưởng của những người chưa hiểu gì về đạo Phật. Thật ra, Phật giáo không hủy hoại tướng của thế gian, cớ sao gọi là tiêu cực? Đạo Phật dẫn dắt con người đi từng bước để bỏ mê hợp với tánh giác thì cớ sao gọi là mê tín? Suy nghiệm lại chữ Phật, theo tiếng Phạn phải nói cho đủ là Phật đà, và được dịch là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bồ Tát, tiếng Phạn gọi là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch là giác hữu tình và hữu tình giác. Bồ tát có hai hạng là xuất gia và tại gia. Bồ Tát thường phát tâm rộng lớn vì chúng sanh mà cầu đạo Bồ Đề vô thượng. Các ngài vừa tự tu hành, vừa giáo hóa tha nhân. Đó là hạnh chánh tín và tích cực của chư Bồ Tát. E rằng trên thế gian hiếm có ai phát được những hạnh nguyện này.

Phật giáo y theo hai nghĩa "chiết" và "nhiếp" mà lập nhiều môn phương tiện. Sao gọi là chiết? Chiết tức là chiết phục kẻ ác. Xưa kia, khi Thạch Lặc hỏi về giới cấm giết hại, thì ngài Phật Đồ Trừng đáp: “Ông là vua trăm họ, chớ nên giết hại chúng dân bừa bãi. Đó là nghĩa của giới cấm giết hại.

Lại nữa, chư Bồ Tát quyền thừa tại gia phải chiết phục kẻ ác để lợi sanh. Tuy cầm đao trượng, cho đến chặt đầu kẻ ác, mà không thật phạm giới cấm giết hại; ngược lại còn sanh thêm công đức. Nếu ác ý mà Gi*t người, thì biết là không thể được. Vì thiện ý mà Gi*t người, đó là thủ nhãn thiện xảo của đại Bồ Tát Kim Cang quyền thừa.”


Sao gọi là nhiếp? Nhiếp tức là nhiếp thọ người hiền. Chư Phật Bồ Tát vì lợi ích của chúng sanh, nên không quản ngại gian nan hiểm nạn. Có bốn pháp nhiếp thọ. Thứ nhất, bố thí nhiếp, tức là nếu có chúng sanh muốn tiền tài thì Bồ Tát bố thí tiền tài. Nếu chúng sanh muốn nghe pháp thì Bồ Tát bèn thuyết pháp bố thí, để khiến cho họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ hai, ái ngữ nhiếp, tức là tùy theo căn tánh của chúng sanh, Bồ Tát ban những lời khuyên nhủ, thí dụ ngọt ngào, để khiến cho họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ ba, lợi hành nhiếp, tức là thân miệng ý của Bồ Tát luôn hành thiện nghiệp, làm lợi ích chúng sanh, khiến họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ tư, đồng sự nhiếp, tức là dùng pháp nhãn mà quan sát căn tánh của chúng sanh; tùy theo sở thích của họ mà Bồ Tát phân hình thị hiện, và cùng họ làm những việc ích lợi, để họ phát tâm thọ đạo. Đó là những hạnh tích cực của chư Phật và Bồ Tát.

Sao gọi là phương tiện? Tức là các ngài tùy theo căn tánh của chúng sanh mà cứu độ bằng những phương tiện quyền xảo.


Bên trên đã bàn về bốn pháp nhiếp thọ, đó cũng là những môn phương tiện quyền xảo. Phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa thuyết:

"...Ví như trong đường hiểm

Chỉ toàn loài ác thú

Lại chẳng có cỏ nước

Nơi người thường sợ hãi.

Vô số trăm ngàn chúng

Muốn thoát đường hiểm đó.

Đường ấy rất rộng dài.

Qua năm trăm do tuần

Có một vị đạo sư

Mạnh khỏe có trí huệ

Tâm sáng suốt cương quyết

Tại đường hiểm cứu nạn.

Chúng nhân đều mỏi mệt

Mà bạch đạo sư rằng:

Chúng con đều mệt nhọc

Nơi đây muốn thối lui.

Đạo sư bèn suy nghĩ:

Bọn trẻ thật đáng thương

Sao lại muốn thối bước

Bỏ mất châu báu lớn ?

Nên nghĩ kế phương tiện

Mà thiết lực thần thông

Hóa ra thành ấp lớn

Các phòng xá nguy nga.

Chung quanh có vườn rừng

Sông ngòi cùng ao tắm

Lầu gác cao, cửa lớn,

Trai gái đều đầy đủ.

Liền hóa làm thế rồi

An ủi chúng đừng sợ.

Các ngươi hãy vào thành

An trú tùy sở thích.

Chúng nhân liền vào thành

Tâm đều mừng vô ngần

Đều sinh tưởng an vui,

Tự cho là được độ.

Đạo sư biết đã nghỉ

Hợp chúng lại bảo rằng:

Đây chỉ là hóa thành

Thấy các ông quá mệt

Giữa đường muốn thối lui

Nên quyền thiết hóa thành.

Nay đương cần tinh tấn

Phải cùng đến bảo sở..."

Xem qua bài kệ này, chúng ta biết rõ thâm ý của Phật Thích Ca phân thời lập giáo, quyền thuyết phương tiện. Thế nên, những bậc thượng thiện căn thường hợp với thiền và giáo. Người chú trọng sự phân chiết thì hợp với Duy Thức học. Pháp môn phổ cập trong quần chúng là Tịnh Độ. Người xuất gia hay kẻ tại gia, dẫu tu theo Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều vì nhiệm vụ cứu độ giáo hóa rộng khắp quần sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều thọ pháp ích lợi.

Gần đây, có những người theo lập trường vô thần, thấy các phật tử lễ bái hay trì danh niệm Phật, thì họ cho là mê tín. Họ không biết rằng lễ bái chư Phật chư Bồ Tát nào khác gì với sự cung kính các bậc trưởng thượng! Sự niệm Phật, đối với việc tu tâm, chẳng phải là công phu tu hành sao? Vả lại, trì danh niệm Phật, bất quá chỉ là một pháp môn phương tiện giản dị cho người sơ cơ. Ngoài ra, trong tông Tịnh Độ còn có các pháp môn như quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, thật tướng niệm Phật, v.v... Tông Tịnh Độ vốn rất diệu dụng vô cùng tận, mà họ tự không hiểu rõ, lại cho là mê tín.

Lại nữa, có người bảo rằng đạo Cơ Đốc cũng thoát thai từ tông Tịnh Độ. Xem xét chúa Giê Su mặc y phục cũng tương đồng với Phật. Trong kinh "Phật Thuyết A Di Đà" thường nhắc đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Tín đồ đạo Cơ Đốc cũng thường nói đến Thiên Quốc Cực Lạc. Cõi Tịnh Độ được phân thành chín phẩm. Gia giáo Lý Lâm Thiên Thần Phổ cũng nói là có chín phẩm vị thiên thần.

Trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói rằng không thể dùng chút ít nhân duyên phước đức thiện căn mà được sanh qua cõi Cực Lạc. Đạo Cơ Đốc cũng nói rằng nếu ở tại nhân gian mà không lập công bồi đức thì Thiên Chúa sẽ không rước về Thiên Quốc. Người tu theo tông Tịnh Độ, phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong sáu thời, khẩn cầu Phật tiếp dẫn. Đạo Cơ Đốc cũng bảo tín đồ rằng ngày đêm sáng tối phải thường cầu khẩn Thượng Đế gia hộ. Trong nhà Phật có pháp quán đảnh. Đạo Cơ Đốc có lễ rửa tội.


Xem xét những điều như trên, thấy rằng tông chỉ của đạo Cơ Đốc và tông Tịnh Độ thật rất tương đồng. Giê Su giáng sanh sau Phật Thích Ca hơn năm trăm năm. Ngài đã từng thọ giáo huấn của Phật Thích Ca, nên mới được kinh A Di Đà, rồi y cứ theo đó, mà sáng lập tôn giáo mới. Điều này không thể nào nghi ngờ được. Lại nữa, Giê Su đã từng qua Ấn Độ ẩn tích ba năm để tham học. Sự tuy vô căn cứ, mà dấu tích vẫn còn tồn tại.

Đạo Cơ Đốc tuy tựa như pháp môn trì danh niệm Phật của tông Tịnh Độ, nhưng rất kém xa. Tín đồ Cơ Đốc chỉ cầu tha lực. Tuy tin tha lực như thế, mà họ lại không hiểu tại sao phải tin. Gần đây, có những người miễn cưỡng trì danh niệm Phật, chỉ chú trọng vào tha lực, tự bảo là phù hợp với đạo.


Chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm viết: "...Chư Phật trong mười phương thường lân mẫn thương xót nghĩ nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ chạy lẫn trốn thì mẹ có thương nhớ cũng vô ích. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con đều không cách xa. Nếu tâm chúng sanh thường nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tiền và tương lai, tất sẽ thấy Phật, và không xa cách Phật. Không cần giả lập phương tiện, tâm vẫn tự được khai ngộ... Nhân địa của con, dùng tâm niệm Phật mà nhập vào vô sanh pháp nhẫn. Hôm nay tại nơi đây, nhiếp thọ người thường niệm Phật, quy nơi Tịnh Độ".


Có nhân thì có quả, tức là sự và lý không chướng ngại nhau. Đạo Cơ Đốc bảo rằng người hiền lương sẽ sanh qua Thiên Quốc vĩnh viễn. Giáo lý của tông Tịnh Độ bảo rằng vãng sanh Tịnh Độ thì mãi sanh nơi cõi Phật, thấy Phật nghe pháp, liễu ngộ vô sanh pháp nhẫn. Dùng diệt mà hiển thị sanh, nên có sanh diệt đối đãi. Cuối lúc diệt, sanh trong cái vô sanh, tức vốn tự vô sanh, nên không có diệt. Vì vậy, gọi là Vô Lượng Thọ.

Y theo hạnh nguyện của Bồ Tát, chẳng phải chỉ có người xuất gia mới cầu đạo vô thượng, mà người tại gia cũng hành được. Bất quá, người xuất gia chỉ sống xa quốc chủ, rời thân bằng quyến thuộc, xả bỏ ân ái gia đình, ý tại thoát ly T*nh d*c trói buộc. Người xuất gia xả bỏ tình riêng mà phát triển đồng tình Phật tánh. Xả bỏ ân ái riêng tư để trở thành bậc bác ái vĩ đại. Lấy việc cứu độ tất cả chúng sanh làm trung. Dùng sự nhiếp thọ chúng sanh làm hiếu. Đó là ý nghĩa của chủ nghĩa đại đồng. Tiên sinh Tôn Trung Sơn thường nói:

“Phật giáo lấy việc cứu thế gian làm nhân đức. Phật học là mẹ của mọi ngành triết học. Tôn giáo tạo thành nền văn hóa và duy trì hùng khí cùng thiên tánh tự nhiên của dân tộc. Nhân dân chẳng nên không có tư tưởng tôn giáo. Nghiên cứu Phật học giúp bổ xung vào những điểm khiếm khuyết của triết học.”


Hôm nay, Ngài (Tưởng Giới Thạch) đã cho phép kết hợp Phật giáo vào nền văn hóa, tức là bổ ích thêm cho tư tưởng học thuật của nước nhà. Hiện tại, Phật giáo đang lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Phật giáo luôn chủ trương khuyến tấn đại giáo đại đồng duy nhất. Đây không phải là lời trống rỗng.


Vả lại, ngày nay tự do tôn giáo, chẳng nên cưỡng ép người theo những đạo mê tín, thì mới khiến nhân tâm trung thành khâm phục mà sanh chánh tín. Nếu bỏ Phật giáo thì quy ngưỡng vào nơi nào?

Ảnh: Thiền sư Hư Vân

Thiền sư Hư Vân

Thiền sư Hư Vân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/thien-su-hu-van-doi-dap-tuong-tuong-gioi-thach-d23314.html)

Chủ đề liên quan:

đối đáp hiền sư thiền sư

Tin cùng nội dung