Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ!

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm

Hôm qua (22/4),  một tờ báo khi đưa tin về vụ khởi tố, bắt tạm giam một số cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) đã để Sapo hiện nguyên chức danh khoa học của Giám đốc cơ quan này, đó là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm.

Những “từ khóa” như “PGS, TS” lẽ ra phải được đăng trang trọng trên những ấn phẩm khoa học nhưng tiếc thay, nó lại được nhắc đi nhắc lại trong một bản tin khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án.

“CDC” hay “kiểm soát bệnh tật” đang là những lá chắn thép trên tuyến đầu, đang là những… đóa hoa nở giữa mùa dịch. Tiếc thay, lại trở thành những “từ khóa” được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến những sai phạm từ trong… ổ dịch.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Cảm, với vai trò là Giám đốc của CDC Hà Nội cùng thuộc cấp và một số đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.

Nguy cơ bệnh tật, nguy cơ phạm tội không chừa bất kỳ ai nếu chúng ta không có sức đề kháng tốt trước cạm bẫy. Nhưng thật đau xót khi cạm bẫy ấy, sai phạm ấy lại xảy ra ở cái nơi đang thực hiện một sứ mệnh cao cả là chữa lành những vết đau.

Cạm bẫy, cám dỗ tiếc thay không phải do hoàn cảnh tạo ra, mà do chính lòng tham của những kẻ tha hóa tự tạo ra “cơ hội” để phạm tội.

Chiếc máy xét nghiệm chưa kịp tìm ra con virus Corona thì quy trình đấu thầu chính nó đã phát hiện ra những con virus có tên lòng tham.

Rồi đây, quá trình điều tra của cơ quan chức năng, chiếc máy xét nghiệm tự động ấy sẽ được trả về đúng giá trị thực của nó. Nhưng ai sẽ trả lại phẩm giá và màu trắng tinh khôi từ chiếc áo Blouse của những người như ông Nguyễn Nhật Cảm?Chiếc áo mà mấy tháng qua, dù ố vàng mồ hôi vẫn ngời lên niềm tin về lương tâm, trách nhiệm, sức mạnh và khát vọng chiến thắng kẻ thù – dịch bệnh.

Năm 2013, phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã phải lên tiếng: "Càng đi tôi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

Nỗi buồn của bà Doan từ năm 2013 cứ dài lê thê mãi khi mà những bài học về ăn đậm, nuốt không trôi vẫn có nhiều người không muốn học. “Kháng sinh” liều cao đã có nhưng các “con bệnh” dường như đã… nhờn Thu*c.

Tiếng Việt trở nên… giàu có một cách bất đắc dĩ khi các từ “chạy”“ăn” bị “biến thể” thành nhiều ngữ nghĩa, trạng huống khác nhau. Hết “ăn đất, “ăn" đường, người ta chuyển sang “ăn” cả tiền… mai táng phí… Thậm chí, ngay cả trong mùa dịch, những người chống dịch “ăn luôn” cả máy phát hiện… virus.

Ông Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và thuộc cấp của mình trang bị đầy đủ những kỹ năng nghiệp vụ để phòng vệ dịch bệnh nhưng thiếu sức đề kháng trước cám dỗ. Chính họ đã mất “kiểm soát”, tự chuyển hóa thành một thứ “dịch bệnh” ngay trong chính… ổ dịch Corona, để rồi gục ngã trước con virus có tên… lòng tham.

“Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc” xem ra không còn là chuyện chỉ để lưu giữ trong… kho tàng văn học dân gian.

Quang Duy

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/tho-may-an-gie-tho-ve-an-ho-post77488.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY