Hôm qua tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Iwamura Yasutsugu - Tổng Giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam, VGP đưa tin.
Tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác sâu rộng với Tập đoàn Aeon, thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ hàng hóa trực tiếp thông qua Aeon. Điều này có lợi cho cả Aeon và Việt Nam.
Trình bày về các dự án đầu tư của Aeon tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Iwamura Yasutsugu cho biết tập đoàn mong muốn thúc đẩy và triển khai nhanh việc đầu tư các trung tâm thương mại ở Việt Nam, nhất là Hà Nội. Dự kiến đến năm 2025, Tập đoàn sẽ nỗ lực vận hành 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam, do đó Aeon đã chuẩn bị nguồn vốn 2 tỉ USD để đầu tư.
Năm 2020, Aeon phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khoảng 500 triệu USD, đến năm 2025 sẽ là 1 tỉ USD sang Nhật Bản và các nước có chuỗi tiêu thụ của Aeon. Ở Việt Nam có rất nhiều sản phẩm phù hợp để đạt mục tiêu này.
Aeon cũng sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ trong hệ thống phân phối của Tập đoàn tại Việt Nam, Nhật Bản cũng như các thị trường khác; hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương Việt Nam tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật Bản và các nước khác mà Tập đoàn có hệ thống trung tâm thương mại.
Thủ tướng đề nghị Aeon đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chứ không chỉ dừng ở con số 500 triệu USD...; đồng thời tăng cường hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam để cùng làm ăn thành công, nhất là đi sâu vào các lĩnh vực chế biến nông sản, theo tin từ VGP.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, trao đổi với báo chí vào trung tuần tháng 2 vừa qua (theo báo Công Thương), Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) văn phòng Hà Nội - ông Takeo Nakajima cho biết, hiện có những phát sinh đối với doanh nghiệp Nhật Bản như phải gia tăng biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động… Về hoạt động sản xuất, hầu hết vẫn duy trì bình thường do vẫn còn nguồn hàng lớn đang tồn kho.
Hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và chỉ 10% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên việc tạm dừng hay hạn chế các hoạt động giao thương là chưa thể đánh giá được tác động cụ thể vì không nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 kéo dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất, nhất là các nguyên phụ liệu thu mua từ Trung Quốc. Khi doanh nghiệp Trung Quốc bị ngừng trệ hoạt động, sản xuất do thiếu lao động thì chắc chắn là sẽ tác động dài hạn.
Hiện nhiều doanh nghiệp Nhật còn khá lo ngại khi nhà máy bị đóng cửa, hàng hóa không dịch chuyển được, lao động tạm thời ngừng cấp phép làm việc v.v.
Dựa trên thực tế đó, Jetro sẽ kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam xem xét cách thức, giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho doanh nghiệp theo quy định (như triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại với cách thức thay đổi phù hợp với tình hình nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp).
Đại diện Jetro cũng cho biết đã được thông tin về các kịch bản tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam từ Bộ KH-ĐT. Theo suy đoán, dịch bệnh này có thể làm trì trệ hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản trong ngắn hạn.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp Nhật Bản rất yên tâm với các chính sách của Việt Nam nhằm kiểm soát nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc người dân và du khách hạn chế đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi dịch kéo dài, phức tạp hơn thì Chính phủ Việt Nam cần đưa ra giải pháp khoa học, hỗ trợ kịp thời, phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
Chủ đề liên quan:
Aeon Covid 19 đầu tư vào Việt Nam Doanh nghiệp Nhật Bản hàng hóa mong muốn thủ tướng việt nam xuất khẩu xuất khẩu hàng hóa