Đầu tháng 3, VICAS Art Studio ra thông báo: “Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, VICAS Art Studio rất tiếc phải thông báo tạm dừng mọi hoạt động tại Trung tâm trong thời gian tới. Sự kiện Triển lãm mỹ thuật Rumani - Việt Nam dự kiến diễn ra ngày 10/3/2020 cũng sẽ được hoãn cho tới khi có thông báo mới! Kính mong nhận được sự thông cảm từ mọi người. Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch”.
Không chỉ VICAS, hàng loạt các địa điểm, trung tâm văn hóa nghệ thuật khác cũng phải dừng các hoạt động thường xuyên. Phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm – điểm tập trung sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của Hà Nội mỗi cuối tuần đã dừng triển khai từ sau tết âm lịch năm con Chuột, các hoạt động khai mạc lễ hội cũng dừng vô thời hạn đến khi có thông báo mới.
Sau Tết Âm lịch, Viện Goethe – Trung tâm Văn hóa Đức tại Hà Nội đã lên lịch tổ chức hàng loạt các chương trình văn hóa như: Giới thiệu sách và chiếu phim Hannah Arendt; Chương trình chiếu phim Ảo ảnh của đạo diễn Magarthe von Trotta, nhân ngày Phụ nữ 8/3... cũng phải dừng lại. Những người yêu thích văn hóa Đức đành phải chờ đợi thông báo mới “vào thời điểm phù hợp”.
Một sự kiện được nhiều người chờ đợi là cuộc trò chuyện về Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân do Hanoi Grapevine, AGO Hub và Mạng lưới khán giả tích cực PAN - Hanoi Grapevine đồng chủ trì, dự định diễn ra vào 15/3/2020 cũng đã phải tạm dừng.
Ngành sân khấu cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều sân khấu tạm ngưng hoạt động hoặc giảm suất diễn. Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần hủy ba suất diễn liên tiếp vào các ngày 13,14,15/3. Lớp học đào tạo diễn viên của nghệ sĩ Hồng Vân dự kiến khai giảng ngày 2/4 tới sẽ tạm hoãn. Hai sân khấu của Hồng Vân là Phú Nhuận và Chợ Lớn cũng hủy các lịch diễn.
Nhà hát Kịch Việt Nam tạm ngưng biểu diễn ở sân khấu chính số 1 Tràng Tiền; Thậm chí, chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát này tại địa phương cũng bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, trong tháng 3 và 4/2020, tại Bắc Giang, Nhà hát kịch Việt Nam sẽ tổ chức biểu diễn các vở “Điều còn lại” của tác giả Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Minh Hiếu; vở diễn “Nghêu Sò Ốc Hến”, biên tập và đạo diễn NSƯT Lâm Tùng; vở diễn “Nguồn sáng trong đời” của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Hoàng Dũng. Thế nhưng, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đồng ý cho Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức biểu diễn trên địa bàn tỉnh khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, đảm bảo an toàn cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập trung đông người.
Các nghệ sĩ cũng bắt đầu “ngấm đòn” vì dịch bệnh. Nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa (Nhà hát Kịch Việt Nam) cho biết cô được “nghỉ diễn từ tết tới giờ”; Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền phải dời lại tới cuối năm; nghệ sĩ trống Trần Xuân Hòa cho biết việc hủy các sự kiện văn hóa sau tết âm lịch tới nay đã khiến anh “thiệt hại cả trăm triệu đồng”...
Diễn biến này không chỉ diễn ra đối với riêng Việt Nam mà với cả ngành văn hóa, giải trí toàn thế giới. Ở Hàn Quốc, các tên tuổi lớn như Taeyeon, NCT Dream, Lisa (Black Pink), Twice, Nam Joo Hyuk, Ren (NU’EST), Pentagon, Momoland, Jun So Min… đã phải hủy bỏ lịch trình vì lo ngại bệnh COVID-19.
Hàng nghìn nghệ sĩ tại Pháp có nguy cơ thất nghiệp. Hàng loạt các sự kiện đình đám tầm cỡ thế giới như Hội chợ sách quốc tế Paris, Liên hoan phim Series Mania dành cho thể loại phim nhiều tập tại thành phố Lille, Festival trò chơi điện tử Retro Gaming Play tại Meaux... thường tổ chức vào khoảng tháng 3,4 hằng năm đã bị hủy bỏ. Trong một tương lai rất gần, Liên hoan phim quốc tế Cannes, dự kiến tổ chức từ 12 – 23/05/2020 có thể cũng sẽ không thể diễn ra như đã định.
Những người hâm mộ cũng buộc phải chờ đợi các siêu phẩm bom tấn. Phần mới nhất của “bom tấn” James Bond mang tên “No Time to Die” đã phải dừng phát hành trên toàn thế giới. Chiến dịch quảng cáo cho bộ phim tại các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bị đình chỉ. Theo AP, bộ phim này sẽ ra rạp chiếu mở màn tại Anh vào ngày 12/11/2020 và ra toàn thế giới vào ngày 25/11/2020. Một tin buồn khác là “Fast & Furious 9” phải tới 2/4/2021 mới ra rạp, còn “A Quiet Place 2” thì chưa có lịch mới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai tháng đầu năm, thiệt hại của ngành giải trí Trung Quốc là khoảng 2 tỷ đô la khi 70 nghìn rạp chiếu phim phải đóng cửa. Hollywood mặc dù có doanh thu khá nhưng cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu về sự tổn hại do dịch bệnh. Các chuỗi nhà hát và rạp chiếu phim lớn nhất thế giới là Regal, AMC đã ra tuyên bố rằng họ sẽ hoạt động với 50% công suất cho đến hết tháng 3. Nhà phê bình Jeff Bock thì nhận định: “Các rạp chiếu phim đang phải đối mặt với tình huống chưa từng có, kể cả thời kỳ Thế chiến chứ 2 hay sau sự kiện ngày 11/9”.
Ngành giải trí lao đao thì những nghệ sĩ sẽ bị những ảnh hưởng đầu tiên. Nhưng khủng hoảng không thể dập tắt hy vọng. Đây là lúc để các nghệ sĩ dùng tới danh tiếng và ảnh hưởng của mình để chung tay góp sức vào việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.
Người đầu tiên trong danh sách nghệ sĩ Việt Nam ra tay hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19 là ca sĩ Hà Anh Tuấn. Nam ca sĩ cùng đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhà sản xuất Minh Hoàng đã tài trợ thiết bị máy móc để thiết lập 3 phòng điều trị cách ly áp lực âm tại TP.HCM, Hà Nội và Quảng Ninh. Giá trị của 3 phòng điều trị cách ly này tương đương gần 2 tỷ đồng.
Nghệ sĩ Chi Pu đã bỏ tiền túi, ủng hộ 5.000 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch cho bác sĩ và nhân viên y tế. Cô còn ủng hộ 1 tỷ đồng, chi cho việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và chi phí lắp đặt một phòng cách ly áp lực âm được đặt tại Hà Nội. Nói về hành động của mình, Chi Pu viết: “Phần đóng góp tuy nhỏ bé nhưng Chi hy vọng không chỉ có mình mà còn nhiều người hơn nữa sẽ cùng góp sức để tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam, vì một cộng đồng luôn khoẻ mạnh. Chi tin rằng nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ thành công”.
Nhiều ngôi sao khác cũng tham gia cùng Chính phủ trong khủng hoảng như Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương, Hoàng Thùy Linh, Tóc Tiên, Min v.v... ủng hộ bằng tiền, bằng hiện vật có ích trực tiếp cho công cuộc chống dịch COVID-19.
Chắc chắn danh sách sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới. Danh vọng của nghệ sĩ có được là nhờ công chúng. Những hành động tích cực và thiết thực của nghệ sĩ vừa là chung tay cùng Chính phủ trong giai đoạn khó khăn, vừa chính là để tri ân cuộc đời và hy vọng vào một tương lai ổn định và tốt đẹp hơn.