Tâm linh hôm nay

Tô Hiến Thành: Gương chính trực ngàn năm còn sáng mãi

Tô Hiến Thành: Gương chính trực ngàn năm còn sáng mãi

Tô Hiến Thành (蘇憲誠, 1102-1179), quê làng Hạ Mỗ nay là xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội, là quan đại thần phụ chính nhà Lý, phụng sự hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý.

Thời Lý đến Anh Tông đã đi vào thoái trào, nhân tâm và hoàng quyền không còn tốt nữa, nhưng ông không vì thế mà ảnh hưởng, vẫn giữ vững tấm lòng son, trung trinh và chính trực, một lòng chống đỡ cho nước nhà yên ổn. Những giai thoại về sự chính trực của ông sẽ còn là tấm gương sáng đến nghìn đời sau.

Thành ý chính tâm mà trị quốc: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm”

Với tài thao lược và chính trị xuất sắc, Tô Hiến Thành trở thành trụ cột của triều đình nhà Lý.

Khi vua Lý Anh Tông sắp mất đã giao thái tử Long Cán cho ông phù trợ, ông được phong là Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, tước Thái úy. Ông được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính.

Trước khi Lý Anh Tông mất một năm, con trưởng của Anh Tông là Long Xưởng vì làm chuyện vô luân nên bị truất ngôi thế tử. Lỗi lớn này của Long Xưởng thực đã có gốc ở mẹ là Chiêu Linh, bởi trước đó, chính Chiêu Linh vì ghen tuông mà ngầm sai Long Xưởng tư thông với các phi tần của vua cha Lý Anh Tông. Con thứ sáu của Anh Tông là Long Cán, bấy giờ mới hơn một tuổi, được vua cha cho thay anh trai giữ ngôi vị này.

Chiêu Linh tuy buộc phải vâng mệnh nhưng trong lòng vẫn còn rất ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch, bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông cùng phụ chính đại thần là Thái Úy Tô Hiến Thành thêm một lần nữa.

Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-b) chép rằng:

“Trước đó, khi Vua ốm nặng, Hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: – Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được?
(Nhà vua bèn để) di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ Thái tử (Long Cán), công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm.
Bấy giờ, Thái hậu (Chiêu Linh) muốn làm chuyện phế lập, nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ (của Tô Hiến Thành) là bà Lữ Thị.
Hiến Thành (biết được), nói rằng: – Ta là đại thần nhận mệnh của Tiên đế lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?
Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng:
– Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.

Lời bàn:

Chiêu Linh Hoàng Thái hậu vì bản thân mà lại xui con mình làm chuyện vô đạo loạn luân trong cung đình, nên một đời Long Xưởng thất bại, vuột mất giang sơn.

Thân làm mẫu nghi thiên hạ, biết con mình ăn chơi vô độ lại kiếm đủ cách cho nó làm Thái tử nối ngôi, chẳng phải muốn thiên hạ đại loạn là gì. Còn không kể đến thân phận mà đi hối lộ quan đại thần làm chuyện vô đạo. Nước mất nhà tan, chẳng phải từ bàn tay của những người này mà ra hay sao?

May thay cho nhà Lý vẫn còn phúc phận, có được vị đại thần “uy vũ bất năng khuất” là Tô Hiến Thành. Cũng chỉ có sự cương trực của ông mới có thể chống giữ cho nước nhà qua cơn bĩ vận vậy.

Tiến cử hiền tài một lòng vô tư: “Bệ hạ hỏi ai có thể thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn nếu như Bệ hạ hỏi người hầu hạ phụng dưỡng, thì phi Tán Đường ra, còn ai nữa”

Tô Hiến Thành mất vào tháng 6 năm Kỉ Hợi (1179) sau nhiều năm làm rường cột chống đỡ nước nhà. Đây là một mối nguy và sự tổn thất lớn cho sự ổn định của xã tắc khi vua Lý Cao Tông mới tám tuổi chưa thể cầm quyền.

Chiêu Linh Thái hậu lúc nào cũng lăm le lật đổ vua để thay bằng đứa con trai Long Xưởng vô đạo của bà ta.

Bà Đỗ Thái hậu (tức bà Thụy Châu Thái hậu, mẹ đẻ của vua Lý Cao Tông) dĩ nhiên rất lo lắng khi Tô Hiến Thành lâm bệnh nên đã đến thăm hỏi ông về kế sách lâu dài.

Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 10 – a) chép lại như sau:

“Trước đây, khi Hiến Thành ở trên giường bệnh, chỉ có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ ở bên cạnh, quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ rảnh rỗi tới thăm Hiến Thành được. Khi bệnh tình đã thành nguy kịch, Bà Thái hậu (đây chỉ Đỗ Thái hậu – ND) tới thăm và hỏi Hiến Thành rằng:

– Nếu có mệnh hệ nào thì ai thay ông được?
Hiến Thành đáp:
– Người mà bình nhật thần biết chỉ có Trung Tá mà thôi.

Thái hậu nói:
– Tán Đường ngày ngày hầu hạ Thu*c thang cho ông, ông không nói tới là làm sao?
Hiến Thành đáp:
– Bệ hạ hỏi ai có thể thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn nếu như Bệ hạ hỏi người hầu hạ phụng dưỡng, thì phi Tán Đường ra, còn ai nữa.

Thái hậu tuy khen Hiến Thành là trung, nhưng rồi cũng không nghe lời ông, Lấy Đỗ An Thuận (các sách khác chép là Đỗ An Di, có lẽ do Di và Thuận mặt chữ Hán gần giống nhau nên chép lầm. Đỗ An Thuận là em ruột của Đỗ Thái hậu – ND) trông coi việc triều chính”.

Xin nói thêm: Tô Hiến Thành mất, Vua bãi chầu 7 ngày, ăn chay 3 ngày để tỏ rõ sự đặc biệt kính trọng.

Lời bàn:

Lời nói lúc lâm chung thể hiện hành trạng của cả một đời người. Có người chỉ lo cho con cháu, có người lo về của cải, lại có người thần trí bất minh mà trở nên hoảng loạn. Mấy mươi năm nắm đại quyền, chống đỡ triều đình trước biết bao cơn sóng dữ, công nghiệp ấy to lớn và mệt nhọc biết bao. Người ta thường vì cái tình chăm sóc lúc bệnh hoạn mà làm ảnh hưởng đến việc công, mấy ai như Tô Hiến Thành, đến lúc lâm chung vẫn vô tư một lòng vì quốc gia. Có lẽ Vũ Tán Đường hầu hạ chăm sóc ông cũng vì cảm phục đức sáng vô tư của ông hay chăng?

Uy đức phục chúng – Ổn định nước nhà: “Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của Thiên tử… Bọn thần không dám trái lệnh”

Từ khi Long Xưởng mất ngôi thế tử, Chiêu Linh ngày đêm lo lắng, cố tìm đủ mọi cách để Long Xưởng được phục chức. Hết nài nỉ vua Anh Tông khi Anh Tông lâm bệnh nguy kịch, Chiêu Linh lại xoay sang mua chuộc và hối lộ quan Thái úy phụ chính là Tô Hiến Thành. Bị thất bại, Chiêu Linh vẫn không nản. Đến năm Mậu Tuất (1178), Chiêu Linh thái hậu quyết định giở ngón bài cuối cùng.

Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” (bản kỉ, quyển 4, tờ 18 – a) đã chép rằng:

“Hết quốc tang. Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở cung điện riêng rồi nhân đó bảo rằng:

– Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc thì cướp phá biên cương. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình thì hãy nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì hay bằng lập lại Thái tử (chỉ việc lập lại Long Xưởng) để vận nước được lâu, lòng dân cũng được yên.

Các quan đều chấp tay, cúi đầu nói:
– Thái phó (chỉ Tô Hiến Thành) nhận mệnh lệnh rõ ràng của Thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi. Bọn thần không dám trái lệnh.
Nói xong đều lạy tạ mà lui ra. Hiến Thành lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục”.

Lời bàn:

“Nhất chính áp bách tà”, Tô Hiến Thành nhận thác cô từ Tiên đế, bằng đức độ và lòng chính trực của bản thân mà phục chúng. Có được trụ cột triều đình như ông, thứ tà tâm như Chiêu Linh sao có thể làm loạn được. Anh Tông vốn nổi tiếng ăn chơi một thời, nghiệp lực gây ra mới có bà vợ và đứa con ‘cực phẩm’ như Chiêu Linh và Long Xưởng. Cũng may phúc trạch nhà Lý còn dày nên vẫn còn đó Tô Hiến Thành một lòng chính trực. Phải chăng các bậc lãnh đạo mà vẫn còn thú vui ăn chơi hưởng lạc nên lấy chuyện này làm gương chăng?

Uy vũ bất năng khuất: “Các ngươi phải hết lòng cố gắng, nghe mệnh ta truyền bảo, ai vâng mệnh ta, ta thưởng cho suốt đời, ai trái lệnh ta, ta sẽ giết ở chợ. Các ngươi nên gắng sức”

Chiêu Linh Thái hậu biết thuyết phục Tô Hiến Thành hợp mưu phế Long Trát để lập Long Xưởng là không thể được, nhưng vẫn cố nói lần cuối cùng. Đây là lần căng thẳng nhất và ngay sau đó thì chỉ chút xíu nữa là xảy ra chuyện binh đao.

Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 9 – a) chép rằng:

“Thái hậu biết rằng âm mưu của mình không thành, song vẫn quyết không chịu đổi ý. Bởi vậy, bà cho mời Tô Hiến Thành đến và bảo rằng:
– Ông đối với nước có thể gọi là trung đấy. Song, tuổi ông cũng đã về chiều, vua ông đang thờ thì tuổi còn nhỏ, những việc ông làm rồi ai sẽ biết cho? Chi bằng lập trưởng quân (chỉ Lý Long Xưởng) thì người đó sẽ mang ơn ông mà cho ông được giàu sang lâu dài, thế có phải là hay hơn không?

Hiến Thành đáp:
– Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là việc mà bậc trung thần nghĩa sĩ chịu làm. Huống chi, di chúc tiên vương còn văng vẳng bên tai, công luận sẽ nói như thế nào? Thần không dám phụng chiếu.
(Nói xong thì) đi nhanh ra ngay. Thái hậu bèn sai người mời Bảo Quốc Vương (tức Lý Long Xưởng) đến gấp. Bảo Quốc Vương nửa mừng nửa sợ, lấy thuyền nhỏ mà theo sông Tô Lịch vào kinh. Hiến Thành bèn mời các quan chức tả hữu đến, dụ bảo rằng:

– Tiên vương thấy ta và các ngươi hết sức phò vua, không ở hai lòng nên mới phó thác ấu chúa cho chúng ta. Nay Bảo Quốc Vương nghe lời thái hậu, muốn phế bỏ Chúa thượng để tự lập làm vua, các ngươi phải hết lòng cố gắng, nghe mệnh ta truyền bảo, ai vâng mệnh ta, ta thưởng cho suốt đời, ai trái lệnh ta, ta sẽ giết ở chợ. Các ngươi nên gắng sức.

Các quan ai nấy đều nghe mệnh. Lát sau, Bảo Quốc Vương đến cửa Ngân Hà. Thái hậu cho mời gấp lắm. Bảo Quốc Vương toan vào nhưng bị các quan ngăn lại, nói rằng:

– Chúng tôi chưa được nghe chiếu chỉ nên không dám phụng mệnh. Nếu Vương cứ cố mà vào thì kẻ phạm đến vương không phải là chúng tôi mà là quân lính đấy.
Bảo Quốc Vương nghe nói thế, vừa sợ vừa thẹn mà bỏ đi”.

Lời bàn:

Vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại hai mặt đối lập, nên mới có ngay có gian, có chính có tà. Đại Việt có Tô Hiến Thành kiên trung chính trực tất phải có Long Xưởng Chiêu Linh gian ác không từ thủ đoạn. Chiêu Linh thất bại không phải vì bà không đủ uy quyền hay lợi ích mà bà đưa ra kém hấp dẫn. Chỉ là Tô Hiến Thành vốn tự thân đã là người đồng hóa với cái Đạo của Thánh nhân mà trị quốc và tu thân, sao lại vì những thứ ngoại thân mà làm nhơ bẩn thân tâm mình.

Nhưng sử xưa nay cũng chỉ có một Tô Hiến Thành mà thôi. Nếu đứng trước lợi ích và quyền lực mà các bậc đại nhân cũng đều có thể bất động tâm như ông, thì muôn dân nào phải chịu lầm than, quốc gia cũng không phải tao loạn.

Vì sao Long Xưởng lại sợ và thẹn mà bỏ đi, hắn ta ngay cả loạn luân còn dám làm. Chẳng phải vì sự chính trực như ánh dương của Tô Hiến Thành đã khiến cho thứ tà tâm kia cũng kinh tâm động phách, sợ và thẹn hay sao?

Thay cho lời kết

“Chính đại quang minh” là một trong những tôn chỉ cai trị quốc gia căn bản nhất của tất cả các triều đại phong kiến. Đứng đầu bốn chữ ấy là “Chính”, nghĩa là chính trực, chân chính, là đức tính quan trọng đầu tiên của người cai trị, dù là vua hay quan và dân đều phải tuân theo thì xã hội mới an định.

Vua phải chính vị hiệu, được Trời trao quyền (quân quyền Thần thụ) thì mới lên ngôi. Vua chính vị quốc gia mới vững bền. Quan phải là người chính nhân quân tử, vượt qua kỳ thi chính quy nghiêm ngặt của quốc gia thì mới được bổ nhiệm. Quan chính trực thì dân mới nhờ cậy.

Dân cư một quốc gia mà bản tính lương thiện chính trực, thượng tôn pháp luật thì xã tắc có nền móng vững chắc, quốc gia vững như bàn thạch. Dân chính trực thì phản loạn và giặc cướp không có đất dung thân.

Vậy mới nói, tất cả sự bất ổn trong xã hội đều khởi nguồn từ nhân tâm không chính mà ra vậy. Nên mới có bạo loạn lật đổ, chiến tranh và thiên tai nhân họa.

Ngày nào mà các bậc đại nhân thay vì lo tu thân mình cho tâm chính thì lại tranh giành quyền lực, thì ngày đó quốc gia vẫn còn xa lắm mới đến phồn vinh và yên ổn.

Dẫu gần ngàn năm trôi qua, gương sáng của Thái Úy họ Tô vẫn muôn đời soi sáng cho những ai thực tâm muốn vì dân mà gánh vác.

Xin lấy một câu nhận xét của sử gia ngày xưa, có lẽ mới xứng đáng để nói về công nghiệp của ngài vậy:

“Sau Gia Cát Vũ Hầu chỉ có người này mà thôi”.

Tĩnh Thuỷ.

Mạng Y Tế
Nguồn: Huyền bí (https://huyenbi.net/To-Hien-Thanh-Guong-chinh-truc-ngan-nam-con-sang-mai-7865.html)

Chủ đề liên quan:

đạo trị quốc khí chất thanh liêm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY