Giải phẫu bệnh hôm nay

Giải phẫu bệnh là cơ sở thực hiện các xét nghiệm sinh thiết, tế bào học, khám nghiệm tử thi theo yêu cầu của khối lâm sàng. Khoa có nhiệm vụ tiếp nhận, cắt lọc bệnh phẩm, nhuộm tiêu bản, đọc các tiêu bản giải phẫu bệnh, hội chẩn. Nội dung hoạt động của khoa bao gồm: xét nghiệm tế bào học; xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học nhằm xác định và phân loại các bệnh lý và ung thư nhi khoa; sinh thiết lạnh phục vụ cho phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh, phẫu thuật các khối u và ung thư; tầm soát ung thư cổ tử cung trên phiến phết tế bào âm đạo,...

Tổn thương hoại tử máu: rối loạn cấu trúc chức năng giải phẫu bệnh, xác định chẩn đoán điều trị

Khởi đầu, trong một thời gian ngắn, mô bị hoàn toàn thiếu máu, màu nhạt và khô. Rồi đột ngột sung huyết mạnh và tràn ngập máu kèm hoại tử.

Hoại tử máu có 3 dạng:

(1) nhồi máu động mạch: là vùng mô bị hoại tử thiếu máu, do lấp tắc động mạch. Có 2 loại (a) nhồi máu trắng với vùng mô thiếu máu và (b) nhồi máu đỏ với vùng mô chảy máu tràn ngập hồng cầu.

(2) nhồi máu tĩnh mạch là vùng mô bị hoại tử chảy máu do lấp tắc tĩnh mạch , trong khi động mạch tương ứng không bị tắc nghẽn.

(3) ngập máu là tình trạng rối loạn đột ngột tuần hoàn máu ở một tạng, nhiều tạng hoặc quanh tạng gây chảy máu do hồng cầu thoát mạch kèm hoại tử huyết nhưng không có lấp tắc mạch.

Nhồi máu động mạch

Nhồi máu trắng: Vị trí thường gặp ở thận, lách, não, cơ tim, nghĩa là những tạng được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch tận. Lấp tắc động mạch thường xảy ra ở trục mạch chính hoặc xảy ra liên tiếp ở một hoặc nhiều nhánh nhỏ, vì vậy một tạng có thể mang nhiều ổ nhồi máu. Dòng tĩnh mạch về (ở phía dưới ổ nhồi máu) thường vẫn thông chảy. Ổ nhồi máu trắng bao gồm: (i) vùng trung tâm hoại tử đông, màu trắng vàng, mật độ rắn hoặc mềm, có hình thái và ranh giới khá rõ, tương ứng với đoạn động mạch bị lấp tắc: hình tam giác, đỉnh hướng về rốn (thận), hoặc hình đa vòng hoặc vuông. Cấu trúc mô còn nhận rõ, các tế bào có bào tương thuần nhất và nhân đông (ii) vùng ngoại vi, màu xám nhạt, với lớp mô không bị hoại tử nhưng có phù sung huyết kèm thấm nhập nhiều loại tế bào: bạch cầu nhân múi, đại thực bào, mô bào (iii) vùng cực ngoài, màu đỏ tím do sung huyết, giãn mạch, tiếp cận với mô lành.

Hình thái và cấu trúc ở nhồi máu trắng thường khác nhau tùy thuộc các giai đoạn tiến triển: (a) lúc khởi thủy, khi bắt đầu thiếu máu trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ (4 - 12 giờ, đối với nhồi máu cơ tim), thật khó nhận rõ các biến đổi hình thái (đại thể, vi thể). Vì vậy trên tử thiết một bệnh nhân ch*t đột ngột do nhồi máu cơ tim, có thể không phát hiện được tổn thương đặc thù nào của ổ nhồi máu. Tuy nhiên, quan sát qua kính hiển vi điện tư, cho thấy nhiều biến đổi tế bào ở giai đoạn đầu của hoại tử thiếu máu (các ty thể phồng to, chất nền bị đông đặc, lưới nội bào giãn rộng, các tế bào phồng to....) kèm những thay đổi hóa mô, (tiêu glucoz và nhiều loại enzym giảm hoạt động). (b) tiến triển của ổ nhồi máu cũng giống như một ổ viêm: có dịch phù tràn ngập, nhiều bạch cầu nhân múi, mô bào, các mạch máu giãn rộng. Bạch cầu chế tiết các men tiêu đạm và tham gia thực tượng để hủy hoại và dọn sạch mô hoại tử, dần dần xuất hiện mô liên kết để thay thế. (c) ổ nhồi máu cũ thường có dạng xơ nhăn rúm, hóa sẹo, màu trắng nhạt, khô cứng. Cũng nên chú ý những dạng đặc biệt: nhồi máu do thiếu máu ở mô não thường có kèm hoại tử nước, vì vậy còn gọi là nhũn não, dần dần thoái triển và có thể tạo nên khoang bọc tồn dư với vỏ bao mô sợi. Ổ nhồi máu cũng có thể bị nhiễm khuẩn phụ gọi là ổ nhồi máu hóa mủ.

Nhồi máu đỏ: Vị trí phổ biến là các tạng rỗng và mô mềm như phổi, ruột. Lấp tắc có thể xảy ra ở các mạch máu có kích thước khác nhau kèm những rối loạn tuần hoàn (chức năng hoặc thực thể) trong vùng lưới tĩnh mạch tương ứng. Ổ nhồi máu có dạng mô ứ đầy máu đen, rắn cứng, ranh giới rõ, hình vuông hoặc tam giác, có đáy hướng về màng phổi, và đỉnh về phía rốn phổi nơi có động mạch bị lấp tắc. Vùng bờ ngoại vi thường bị che mờ bởi vùng chảy máu và lẫn vào vùng mô tổn thương.

Ô nhồi máu đỏ (thí dụ ở phổi) (cũng như ổ nhồi máu trắng) gồm 3 vùng: (i) vùng trung tâm hoại tử chảy máu còn lờ mờ hình ảnh các hốc phổi. (ii) vùng ngoại vi với các hốc phổi chứa đầy dịch phù, nhiều bạch cầu nhân múi và mô bào (dạng viêm hốc phổi phù và bạch cầu tơ huyết). (iii) vùng cực ngoài sung huyết mạnh.

Khởi đầu, trong một thời gian ngắn, mô bị hoàn toàn thiếu máu, màu nhạt và khô. Rồi đột ngột sung huyết mạnh và tràn ngập máu kèm hoại tử. Sau đó là phản ứng viêm ở vùng ngoại vi, bong mô hoại tử rồi hóa sẹo (cũng giống như tiến trình của ổ nhồi máu trắng). Tại mô sẹo hóa sợi, có thể nhận thấy những hạt sắc tố hemosiderin màu nâu (do hồng cầu thoái hóa).

Hiện nay cũng chưa rõ cơ chế tràn ngập máu trong vùng ổ hoại tử thiếu máu (động mạch); có lẽ do nhiều yếu tố cùng hoạt động gây nên.

Quá trình tiến triển của những ổ nhồi máu: ổ nhồi máu thường phức tạp: có thể trải qua một giai đoạn rất ngắn bị thiếu máu rồi trở nên đỏ rực (như ở phổi) hoặc có thể đỏ rực từ lúc khởi đầu khi hoại tử chảy máu xảy ra tức thì (như ở phổi các bệnh nhân có tim ứ trệ máu) hoặc có màu trắng kèm những vạch hoặc đám chảy máu đỏ tạo nên những vân ngang dọc (như ở cơ tim) hoặc một ổ nhồi máu đỏ bất chợt xảy ra trên một tạng vốn thường có nhồi máu trắng.

Nhồi máu đỏ của phổi là kết quả của dòng tuần hoàn động mạch kép kèm những rối loạn huyết động học. Tuy nhiên, các nhánh nối tiểu động mạch - động mạch và động - tĩnh mạch (vốn đóng kín ở tình trạng bình thường) nay đều giãn nở (do phản xạ) và các nhánh nối giữa động mạch phế quản và tĩnh mạch phổi đều tham gia hiện tượng chảy máu đặc biệt do tăng áp lực đẩy máu vào một vùng vi mạch đã ứ đầy máu.

Nhồi máu tĩnh mạch

Do huyết khối tĩnh mạch (ở bệnh nhân tim) thường xảy ra ở phổi, thận, lách, ở ruột non, (hiếm gặp) (do huyết khối tĩnh mạch mạc treo), ở thượng thận (do huyết khối tĩnh mạch trung tâm thượng thận). Những đặc điểm đại thể, vi thể và quá trình tiến triển đều giống ổ nhồi máu đỏ: nhiều vùng phù, chảy máu, sung huyết tĩnh mạch màu tím sẫm, chứng tỏ có lấp tắc tĩnh mạch (thường khó xác định), vì vậy, nhiều tác giả đã loại bỏ quan niệm nhồi máu tĩnh mạch và gọi chung là nhồi máu đỏ, bao gồm mọi hoại tử thiếu máu kèm tràn ngập máu dù nguyên nhân là lấp tắc động mạch hoặc tĩnh mạch.

Ngập máu

Là tình trạng hồng cầu thoát mạch kèm hoại tử mô nhưng không có lấp tắc mạch máu. Thường xảy ra ở các tạng của hệ tiêu hóa và hệ Sinh d*c, hiếm ở não và tuyến nội tiết. Quá trình ngập máu có thể gây hậu quả tai hại, thường xảy ra trong những hoạt động S*nh l* mạnh: hoạt động tiêu hóa, (ở tụy và ruột), chế tiết hormon (hệ Sinh d*c) v.v....Tổn thương bao gồm những đám chảy máu lan rộng, xuất dịch phù, hoại tử không rõ ranh giới. Đôi khi các vùng tổn thương được khu trú nhưng thường lan rộng ở một hoặc nhiều tạng, tới cả mạc treo, dây chằng, thanh mạc. Như vậy ngập máu chiếm cả một vùng giải phẫu định khu, khá rộng lớn, màu đỏ sẫm, mềm ướt, và có thể chảy dịch máu. Ngập máu có thể xảy ra dưới dạng viêm tụy cấp hoại tử chảy máu, ngập máu nhau thai - tử cung, ngập máu ống trứng - buồng trứng, ngập máu tinh hoàn v.v... Tiến triển giống như các ổ hoại tử chảy máu khác nhưng các ổ nhỏ thường có xu hướng dễ tạo thành bọc (ở tụy hoặc tuyến giáp). Ngập máu có lẽ do biến đổi bất thường trong hoạt động vận mạch: một kích thích mạnh tác động đến mạch máu sẽ làm co mạch gây thiếu máu ở vùng hạ lưu mạch và một kích thích mạnh hơn sẽ gây tê liệt đồng thời cả hai hoạt động co mạch và giãn mạch, tạo nên tình trạng ứ trệ, vô oxy, hoại tử và chảy máu do thoát mạch. Như vậy, ngập máu được hình thành mà không có lấp tắc mạch, bởi vì chính những yếu tố tác hại khác nhau, ở địa phương hoặc toàn cơ thể mang bản chất nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn đã tác động trực tiếp trên các đám rối thần kinh (cuả vách mạch) hoặc gián tiếp qua hạch thần kinh giao cảm. Tất cả sẽ hình thành cơ chế phản xạ trục thần kinh hoặc phản xạ phức tạp hơn qua hạch thần kinh ngoại vi. Vì vậy thực nghiệm tác động trên hạch thần kinh tạng (nhờ kích thích cơ học hoặc nhờ độc tố vi khuẩn) có thể gây ngập máu ruột - mạc treo và chảy máu ở ruột.

Biểu hiện lâm sàng

Có 2 dạng:

(1) biểu hiện toàn thân. Những ổ nhồi máu nhỏ thường khó nhận biết, phần lớn các ổ nhồi máu thường gây đau đột ngột, có (hoặc không) lan tỏa, có (hoặc không) kèm sốc. Cũng có thể gây tử vong tức thì, do sốc không khả hồi, do suy chức năng cấp, (nhồi máu cơ tim) hoặc gây suy giảm chức năng thận (nhồi máu thận), gây hậu quả xấu lâu dài. Các biểu hiện lâm sàng và những nguy cơ tai biến tùy thuộc vị trí giải phẫu định khu và mức độ lan rộng của vùng hoại tử: khó thở và ho máu (trong nhồi máu phổi), biến đổi bất thường của điện tâm đồ, giảm huyết áp và rối loạn nhịp tim (trong nhồi máu cơ tim), dấu hiệu tổn thương thần kinh (nhũn não....). Tiến triển của ổ hoại tử có thể biểu hiện lâu dài bằng sốt cao, tăng bạch cầu máu, tăng lượng một số enzym huyết thanh (như serum glutamo oxaloacetic - transaminaza: SGOT).

(2) biểu hiện tại chỗ. Tùy thuộc vị trí giải phẫu, mức độ lan rộng, có (hoặc không) tái phát nhiều lần, vùng hoại tử thiếu máu có thể làm vùng mô tổn thương biến dạng, teo đét hoặc hủy hoại (một phần hoặc toàn bộ tạng), thí dụ như: lách có những ổ sẹo lõm trắng, tâm thất sưng phù do giãn phồng mạch vách, cơ tim có sẹo nhồi máu thường giãn nở do áp lực máu, thận teo nhỏ hóa xơ, có mỡ, buồng trứng, ống trứng bị cứng, ngập máu, chảy máu, giống như có thai ngoài tử cung.

Hoại tử thiếu máu cũng có thể gây rách vỡ tạng: vỡ tim kèm tràn máu bao tim, gây tử vong tức thì, vỡ lách gây tràn máu ổ bụng, thủng ruột gây viêm phúc mạc nhiễm khuẩn v.v.....

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/bggiaiphaubenh/giai-phau-benh-ton-thuong-hoai-tu-mau/)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY