Kết luận nội dung kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 chiều 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh nCoV; có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020.
Diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài. Trước tình hình dịch, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan. Có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác.
Các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến phát triển.
Ban Chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo các địa phương, UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tăng cường tiêu độc khử trùng nơi đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư. Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch.
Nhấn mạnh không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ này là một thử thách lớn cần phải đối mặt và vượt qua để giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu.
Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch vào chiều 5/2 tại Trụ sở Chính phủ vào chiều 5/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra chỉ đạo: “Thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, kinh tế phát triển”.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, theo thông tin Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 5/2/2020 có 24.567 người mắc bệnh tại Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ; 493 người Tu vong, 3.223 người nguy kịch; 907 người phục hồi xuất viện.
Tại Việt Nam, tổng số có 10 ca nhiễm, 409 ca nghi ngờ, trong đó có 347 trường hợp đã loại trừ; số tiếp xúc gần đang được theo dõi 349; đặc biệt đã điều trị thành công 3 người ở các tỉnh: Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên… chuẩn bị tập huấn với 63 tỉnh về điều trị, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster rà soát, chuẩn hóa quy trình xét nghiệm, chia sẻ các sinh phẩm xét nghiệm, tập huất xét nghiệm nCoV.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nhằm kiểm tra, đánh giá, năng lực sản xuất, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để tìm ra cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất để đảm bảo cung cấp cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế phân bổ test xét nghiệm chẩn đoán nCoV cho các đơn vị y tế địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra hiện nay.
“Thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, kinh tế phát triển”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay có 3 vòng cách ly nCoV tại Việt Nam. Cụ thể, vòng đầu tiên: Những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, người đến hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) được xem là người bệnh và được cách ly tuyệt đối tại bệnh viện.
Vòng thứ hai: Công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài từng đi qua Trung Quốc rồi trở về hoặc đến Việt Nam sẽ được cách ly 14 ngày tại cơ sở được chuẩn bị ở cửa khẩu hoặc cách ly tại gia đình có sự giám sát của nhà chức trách.
Vòng thứ ba: Những người thân, người xung quanh các trường hợp bị cách ly cần hạn chế đi lại, tiếp xúc với cộng đồng.
Còn tại cuộc họp cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) diễn ra chiều 5/2 do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Việt Nam đã có những biện pháp triển khai phòng chống dịch rất đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả; nhiều biện pháp đang triển khai thậm chí còn mạnh mẽ hơn chống dịch SARS trước đây. Vì vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh và yên tâm, tất cả các biện pháp hiện nay sẽ hạn chế tối đa những các thiệt hại do dịch bệnh.
Theo đó, đến thời điểm này, Việt Nam đã có đủ năng lực để thực hiện các xét nghiệm virus Corona. Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị xét nghiệm tổ chức tập huấn, chỉ đạo các địa phương, nhất là những nơi có cửa khẩu, có khu vực cách ly thực hiện nhanh nhất việc chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm. Việt Nam cũng có đủ năng lực sản xuất bộ test kit phát hiện nhanh nhiễm virus Corona, và có nhiều nguồn cung cấp, ngành y tế sẽ tăng cường xét nghiệm sàng lọc để giảm các ca phải cách ly. Hiện Quảng Ninh có thể xét nghiệm được virus này.
Về vấn đề điều trị cho các ca nhiễm bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ miễn phí hoàn toàn cho các bệnh nhân mắc nCoV, chi phí sẽ do Nhà nước lo.
Trước diễn biến dịch do virus Corona tăng lên, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện Trung ương chuẩn bị cả tình huống xấu nhất khi dịch lan rộng với kế hoạch dự trữ hàng ngàn giường bệnh. Đơn cử như Hà Nội đã sẵn sàng gần 2.000 giường bệnh trong tình huống xấu nhất. Việc sử dụng các bệnh viện sẵn có bằng cách sắp xếp hợp lý sẽ không phải xây bệnh viện dã chiến. Các địa phương cũng đã chuẩn bị phương án điều trị phù hợp nhất.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc điều trị các ca bệnh cũng hạn chế vấn đề chuyển tuyến, kể cả những trường hợp nặng. Tuy nhiên với mục tiêu giảm tối đa ca Tu vong, Bộ Y tế đã tổ chức những đội y tế lưu động, sẵn sàng lên đường để xuống hỗ trợ tuyến dưới. Hiện nay các bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập các đội hỗ trợ gồm các bác sĩ giỏi, có năng lực chuyên môn, trang thiết bị đầy đủ luôn sẵn sàng xuống tuyến dưới hỗ trợ khi cần thiết.
Chiều 5/2, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra tại Trung đoàn 59 thuộc Sư đoàn bộ binh 301 (Chương Mỹ, Hà Nội) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về công tác chuẩn bị đón tiếp, cách ly 950 công dân Việt Nam trở về từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Ngày 5/2, Hiệp Hội du lịch Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tới du lịch Việt Nam”. Trước thông tin một loạt các điểm di tích, danh thắng đóng cửa theo công điện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho mở lại các điểm di tích bởi việc này sẽ tác động tiêu cực tới việc thu hút khách. Cùng với kiến nghị sớm mở lại cửa các điểm di tích, danh thắng, các doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị đối tác hàng không có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ hủy, hoàn vé hoặc lùi thời hạn khởi hành. Với cơ quan chức năng thì hỗ trợ miễn giảm thuế VAT, giãn nợ ngân hàng…
Chủ đề liên quan:
cách ly chủ động dịch bệnh nCoV động kinh du lịch giải pháp hàng hóa Trung Quốc khánh hòa khẩu trang kiến nghị miễn thuế kinh tế tác động thanh hóa triển khai virus corona