Câu chuyện trực Tết của giáo viên vẫn đang là đề tài được quan tâm của nhiều nhà giáo mỗi độ Tết đến xuân về.
Chế độ trực Tết khiến một số Hiệu trưởng tự làm mất uy tín của mình. ( Ảnh minh họa: vov.vn) |
Nhiều thầy cô giáo bất bình khi bao nhiêu năm qua, trường mình luôn phân công trực Tết nhưng giáo viên lại chẳng nhận được một đồng thù lao nào.
Ngược lại có những trường, giáo viên muốn trực Tết lại chẳng đến lượt vì nhà trường chỉ phân công cho Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn và các tổ trưởng.
Trực Tết có tiền cũng chẳng được yên khi có giáo viên thắc mắc, so sánh, phân bì vì sao phân công giáo viên này trực mà lại không phân công giáo viên kia?
|
Nếu theo quy định, trực Tết cũng phải trả tiền làm thêm giờ. Số tiền được nhận cho một ngày trực Tết gấp đến 3 lần một ngày lương bình thường.
Cụ thể: Theo quy định của Bộ luật lao động 2012: Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày."
Như vậy, một giáo viên bình thường có mức lương một ngày khoảng 150 ngàn đồng thì tiền công một ngày trực vào dịp Tết có khi sẽ nhận được từ 500 đến 600 ngàn đồng/ngày.
Giáo viên dạy cả năm trời nhưng ngày Tết có trường không có nổi vài trăm ngàn tặng cho thầy cô ăn Tết.
Có trường chỉ được chai nước mắm, gói đường, nửa ký hạt dưa bằng tiền công đoàn nhưng thực chất đó chính là tiền của các thầy cô giáo nộp vào hàng tháng.
Bởi thế chỉ ngồi trực một ngày mà nhận được tới nửa triệu, ít có thầy cô giáo nào từ chối trừ khi thầy cô giáo ấy phải về quê ăn Tết cùng gia đình.
|
Trực Tết có khoản tiền khá cao, không ít thầy cô giáo lại muốn tham gia. Thế là việc phân công trực Tết cũng luôn xảy ra tiếng bấc, tiếng chì ở một số nơi.
Thường thì học sinh được nghỉ Tết khá dài từ 10-15 ngày nhưng tiền trực Tết chỉ được thanh toán theo quy định từ 5 đến 7 ngày.
Nếu phân công không khéo sẽ tạo ra sự bất bình trong nhà trường. Bởi, cũng bỏ công đi trực nhưng người nhận tới dăm trăm ngàn, người lại chẳng có đồng bạc nào.
Có trường, gặp hiệu trưởng cơ hội chỉ biết vun vén quyền lợi cho bản thân lại phân công giáo viên trực 10 ngày không có chế độ còn Ban giám hiệu lại trực vào 5 ngày có tiền và mỗi người nhận được tới vài triệu đồng.
Thế là “sóng gió” nổ ra tuy âm thầm nhưng rỉ rả hết đợt này đến đợt khác và trở thành câu chuyện để giáo viên bàn tán cùng nhau:“Trực Tết không có tiền thì bắt tất cả giáo viên phải tham gia. Khi trực có tiền lại chỉ ôm vào mình”.
Nhưng có những hiệu trưởng cho biết, cách làm công bằng nhất là lấy tiền công của 5 ngày trực chia đều cho giáo viên trực trong 15 ngày. Làm thế này, ai cũng vui và không có sự phân bì, so sánh.
Chủ đề liên quan:
ban giám hiệu bộ luật lao động chế độ giáo viên hiệu trưởng không có quyền lợi trực tết uy tín