Chiều 27/7, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết mỗi khi tình hình dịch bệnh có thay đổi, Việt Nam mong muốn tham vấn ý kiến của WHO và các tổ chức, chuyên gia quốc tế.
Thông báo, cập nhật tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, đặc biệt là diễn biến tại Đà Nẵng, đại diện Bộ Y tế cho biết hệ thống giám sát đã phát hiện các ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng.
Toàn cảnh cuộc họp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Điệp
Các chuyên gia y tế đánh giá nhiều khả năng nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào đầu tháng 7. Dự kiến trong những ngày gần đây sẽ phát hiện thêm nhiều ca nhiễm, không loại trừ có cả nhân viên y tế bị lây nhiễm, không chỉ ở Đà Nẵng mà cả một số địa phương khác có người liên quan đến Đà Nẵng.
Ngành y tế Việt Nam đã sẵn sàng triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất tại Đà Nẵng; chỉ đạo hệ thống y tế ở các tỉnh tăng cường hệ thống giám sát, đặc biệt những người đi từ vùng có dịch của Đà Nẵng và từ Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách nhân đạo, Việt Nam đã và đang tổ chức đón công dân Việt từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước.
Trước đây nhiều chuyến bay đã ghi nhận vài chục người nhiễm, nhưng tới đây sẽ có những chuyến bay dự kiến lên tới hơn 100 người nhiễm.
Trao đổi tại cuộc họp, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam "là điều bình thường". Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát.
"Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi", ông Kidong Park bày tỏ.
Đại diện WHO, các tổ chức, chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao việc cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời của Việt Nam. Điều này đảm bảo việc củng cố niềm tin của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
Đại diện WHO, các tổ chức quốc tế mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin về các biến đổi của virus SARS-CoV-2; việc sử dụng các kit thử; phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đối với dự báo Việt Nam sẽ có thêm hàng trăm ca nhiễm khi đón công dân từ nước ngoài về, WHO, các tổ chức quốc tế bày tỏ tôn trọng quyết định rất đặc biệt này.
Theo đó, việc này có thể làm cho số ca nhiễm bệnh ghi nhận tại Việt Nam tăng nhanh nhưng không vì thế làm thay đổi kết quả, thành công chống dịch của Việt Nam.
Ông Kidong Park cho rằng "không ngạc nhiên nếu Việt Nam xuất hiện thêm những ca bệnh mới trong cộng đồng hoặc trở về nước". Bởi điều đó cho thấy hệ thống giám sát đang hoạt động tốt. Công tác truy vết, khoanh vùng, phát hiện hiệu quả.
"Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả", ông Kidong Park nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn WHO, các tổ chức, chuyên gia quốc tế đã luôn hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh, phối với với Việt Nam đánh giá các kit thử được sản xuất trong nước; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ cho chương trình sản xuất vaccine.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế tăng cường hệ thống giám sát tại tất cả các bệnh viện, phòng khám tư nhân nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm theo dúng nguyên tăng phát hiện sớm, xét nghiệm, truy vết, cách ly quy mô nhỏ nhất có thể.
Trong trường hợp có nhiều ca bệnh tại Đà Nẵng và một số địa phương dẫn đến việc một số bệnh viện bị phong tỏa, ngành y tế có kế hoạch ứng phó phù hợp để các bệnh nhân khác vẫn được điều trị, không để ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.