Kinh tế xã hội hôm nay

Trường học phải an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước

MangYTe - Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và phải bảo đảm môi trường trong trường học an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong cuộc họp sáng nay, 22/2.

Cuộc họp bàn về thời gian sinh viên, học sinh đi học trở lại có sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19), lãnh đạo UBND TP HCM, Hà Nội.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh

Tại đây, các đại biểu thống nhất quan điểm chống dịch COVID-19 không chỉ là việc của Ngành Y tế hay bất kỳ ngành nào mà là cả hệ thống chính trị, toàn bộ xã hội. Hơn nữa, đây cũng không chỉ riêng một địa phương, hay Việt Nam mà là câu chuyện có tính toàn cầu. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có chỉ đạo rất kịp thời ngay từ đầu. Có thể khẳng định đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trường học phải an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước. Ảnh: VGP

Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ kiểm soát những người có nguy cơ lây nhiễm đến phát hiện, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19. Đặc biệt chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, truyền thông cho toàn xã hội biết nguy cơ dịch bệnh này để mọi người dân cùng biết biết bảo vệ sức khoẻ của mình, tham gia chống dịch với tinh thần “hết sức thận trọng nhưng không quá lo sợ”.

Nhưng cuộc chống dịch này có quy mô toàn cầu, hiện diễn biến phức tạp bên ngoài nước ta, nên các đại biểu cho rằng phải tiếp tục thực hiện tốt các công văn, chỉ thị Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ Y tế không lúc nào chủ quan, lơi lỏng.

Đại học Y Hà Nội đi học bình thường

Trong thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ trẻ em nhà trường, nhất là các cháu nhỏ mầm mon, tiểu học, THCS, thực tế thì các cháu chưa có ý thức gìn giữ vệ sinh trong điều kiện có dịch nên chúng ta có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, các địa phương theo đúng thẩm quyền căn cứ tình hình thực tiễn, đã có điều chỉnh lịch học sau dịp Tết. Đây được xác định là điều cần thiết.

Trong thời gian qua, cùng với việc chống dịch chung của toàn xã hội, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường, đảm bảo môi trường trong trường học, cùng đó đã làm vệ sinh, lau rửa, phun khử khuẩn… trường lớp, hướng dẫn phụ huynh, giáo viên, học sinh từ việc theo dõi nhiệt độ của con, cháu mình, của học sinh khi đến trường (khi đi học)...

Thực tế một số trường, một số nơi như ĐH Y Hà Nội vẫn đi học bình thường với một số giải pháp tăng cường như có thêm nước rửa tay và các hướng dẫn tránh tụ tập đông người.

Thực tế cho thấy, Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT cũng báo cáo kinh nghiệm tại các nước khi vẫn tổ chức cho học sinh đi học trong điều kiện có dịch. Việt Nam đã nghiên cứu, tiếp thu.

Các đại biểu thống nhất, đã đến lúc phải xem xét trách nhiệm của các địa phương trong quy định điều chỉnh thời gian đi học của học sinh nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ chương trình, kế hoạch, thời gian năm học do Bộ GD&ĐT quyết định và ban hành vẫn được đảm bảo.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Hiện nay, thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng thì việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học lại thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.

Cùng với việc yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trường hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH không quyết định thì hai bộ phải có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng quyết định để làm căn cứ cho các tỉnh thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ này đang xây dựng, chuẩn bị trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh kế hoạch năm học, đặc biệt là khung thời gian kết thúc năm học, theo đó, nếu học sinh đi học trở lại trong ngày 2/3 tới đây, dự kiến thời gian kết thúc năm học vào ngày 30/6, thời gian thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là 23-26/7.

Đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước

Tại cuộc họp sáng nay, các đại biểu thống nhất tinh thần các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện yêu cầu chuyên môn nhằm bảo đảm trường lớp vệ sinh, một cách rất chi tiết như bố trí chỗ rửa tay ở đâu; lau nhà, mặt bàn, ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang thế nào, ai lau; quy định cụ thể những người được ra, vào trường trong điều kiện có dịch.

"Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương là đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lý giải, bởi trụ sở còn có những người không rõ lai lịch đến làm việc còn trong trường học chúng ta biết rõ từng học sinh, từng giáo viên.

Các cháu học sinh được hướng dẫn biện pháp giữ vệ sinh cá nhân. Hàng ngày, phụ huynh, giáo viên, y tế kết hợp với y tế cơ sở kiểm tra, nắm sát tình hình sức khoẻ của mỗi học sinh ở nhà cũng như khi đến trường. Làm được như vậy, phụ huynh và xã hội sẽ yên tâm.

Ngành giáo dục thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, các diễn đàn giáo dục… để hướng dẫn cụ thể đến phụ huynh, học sinh từ nhà đến trường giữ vệ sinh thế nào, vào trường thì làm những gì. Qua đó thăm dò, tiếp thu các ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh để có các giải pháp thật cụ thể, đồng thuận thực hiện.

Tại cuộc họp, đồng tình với thông điệp “vào trường học phải an toàn hơn vào nhà nước” mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra, NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về trách nhiệm của các lãnh đạo nhà trường vì họ là người quản lý trực tiếp, cùng với tất cả các cấp, các ngành, toàn xã hội để cùng phòng chống dịch bệnh. Tôi cũng mong không chỉ trong dịch này, mà hi vọng đây sẽ là thói quen thực hành chống dịch của học sinh, nhà trường, gia đình và toàn xã hội” .

Hiện điều quan trọng nhất theo các đại biểu là kiểm soát đối tượng nguy cơ, phát hiện cách ly ngay, tập trung điều trị theo phân tuyến, trên cơ sở chúng ta sở hữu hệ thống công nghệ thông tin nhằm kết nối các bác sĩ giỏi, đầu ngành về các bệnh lý liên quan cùng nhau trao đổi. Đảm bảo trường hợp nào nhiễm COVID-19 thì chữa khỏi, đối tượng có nguy cơ thì cách ly.

Cùng đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền để mọi người dân ý thức sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng điều quan trọng hơn là biết đúng các biện pháp nào giúp phòng ngừa được cho riêng mình, góp phần chống dịch, tại nhà, trên phương tiện giao thông công cộng, ở nơi đông người và ở nơi khác… Đảm bảo chúng ta không chủ quan nhưng không hoảng sợ vô lý.

Võ Thu

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/truong-hoc-phai-an-toan-hon-tru-so-co-quan-nha-nuoc-20200222164414735.htm)

Tin cùng nội dung

  • Sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi thường bị ảnh hưởng của bệnh tật, sự suy yếu của các chức năng cơ thể. Khả năng nhìn- nghe kém, gân cốt suy nhược khiến bước đi không vững; phản ứng chậm, dễ bị ngã; trí nhớ kém khiến dễ uống nhầm Thu*c hoặc nhầm liều lượng,...
  • Từ xa xưa nhân dân ta đã biết nhuộm màu thực phẩm từ những nguyên liệu thực vật như gấc, nghệ, dành dành, ớt, cà chua... để tạo ra tính hấp dẫn cho món ăn và làm tăng cảm giác ngon miệng.
  • Các món nướng như thịt xiên nướng, chân gà nướng, lòng nướng, nầm nướng… luôn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, theo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, món nướng hiện nay không được các nhà dinh dưỡng học khuyến khích dùng vì bị liệt vào loại thức ăn cần cảnh giác trong phòng chống ung thư.
  • (Mangyte) - Em thấy cổ họng đau nhưng chưa dám uống Thu*c vì phải chờ kết quả xem có thai hay không.
  • Như một phép lạ kỳ diệu, bé trai 3 tuổi Adonis Ortiz ở Mỹ đã hồi phục mau chóng sau khi cấy ghép tới 5 cơ quan nội tạng.
  • Đã qua ngày khai trường, nhưng em vẫn chưa quyết định có nên cho bé đi học hay không? ơi, trẻ tự kỷ đến trường bình thường được không?
  • Bơi lội luôn được xem là một hoạt động hè mà các em thiếu nhi thích nhất. Để giúp trẻ có được một mùa hè thật vui khỏe, bổ ích, phụ huynh cần tạo cho trẻ một môi trường bơi lội trong lành và an toàn.
  • Trong những câu chuyện hài hước với nhau, người ta luôn nhắc ăn sâu vào đầu chuyện “nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng”.
  • Thú nuôi yêu quý chúng ta một cách vô điều kiện. Chúng mang đến những điều tuyệt diệu – về tinh thần lẫn thể chất. Chăm sóc thú cưng làm cho cuộc sống chúng ta trở nên thêm giá trị, bớt cô đơn, thậm chí làm giảm nhịp tim và huyết áp cho một số người.
  • Tia X trong chụp X quang là một loại tia xạ dùng để ghi lại hình ảnh của xương và các cơ quan. Tia X có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở thai nhi mặc dù với tỉ lệ thấp.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY