Tâm linh hôm nay

Truy môn cảnh huấn (Hết)

Từ bậc thánh hiền trở xuống, có ai không học mà thành người được ư? Học ví như ăn cơm, áo mặc. Loài người có thánh, hiền và những người thường. Tuy ba bậc ấy có khác nhau, nhưng đói tìm thức ăn, khát tìm nước uống, lạnh tìm áo mặc, có gì khác nhau đâu.

Cô Sơn Viên Pháp sư Thị Học Đồ

Ư hí (ô hô), đại pháp hạ suy, khứ thánh du viễn. Phi truy tuy chúng, mưu đạo vi hưu. Cạnh thanh lợi vi kỷ năng, thị lưu thông vi nhi hí. Toại sử, pháp môn hãn tịch, giáo võng tương đồi. Thực lại hậu côn, khắc hạ tư đạo.

Lời Gợi Bảo Học Đồ của Viên Pháp sư núi Cô Sơn (19)

Than ôi, đại pháp xuống thấp, cách Thánh càng xa. Người mặc áo hoại sắc tuy đông, nhưng những người lo toan cho đạo càng ít. Đua tranh thanh danh lợi dưỡng là khả năng của mình, coi việc lưu thông Phật pháp là trò đùa của con trẻ. Khiến cho, cửa Chánh pháp ít mở ra, lưới giáo lý hầu mục rách. Thực sự phải nhờ vào những người sau, gánh vác cho công việc của đạo!

Nhử tào, hư tâm thỉnh pháp, khiết kỷ y sư. Cận kỳ ư lập thân dương danh, viễn ký ư cách phàm thành thánh. Phát huy tượng pháp, xả tử nhi thùy? Cố tu, tu thân tiễn ngôn, thận chung như thủy. Cần nhĩ học vấn, cẩn nhĩ hành tàng. Tỵ ác hữu như tỵ hổ lang, sự lương bằng như sự phụ mẫu. Phụng sự tận lễ, vị pháp vong khu. Hữu thiện vô tự căng, khởi quá vụ tốc cải. Thủ nhân nghĩa nhi sác hồ bất bạt, xử bần tiện tắc lạc dĩ vong ưu. Tự nhiên, dữ họa tư vi, dữ phúc tư hội!

Các ông, để tâm rỗng lặng mà nghe pháp, giữ mình trong sạch mà nương thầy. Kỳ vọng gần là xây dựng cho mình được nổi tiếng, mong mỏi xa là đổi thân phàm thành thân thánh. Phát huy giáo pháp trong đời tượng này, nếu bỏ các ông đi thì còn ai! Cho nên, các ông cần phải sửa mình đúng theo lời nói, phải cẩn thận, trước sau như một. Siêng năng học vấn, cẩn thận hành tàng. Tránh né bạn ác như tránh né hùm beo, phụng sự bạn lành như phụng sự cha mẹ. Thờ thầy hết lễ, vì pháp quên mình. Có điều gì tốt không được tự khoe, gây lỗi lầm gì quyết nhanh hối cải. Giữ nhân nghĩa bền chắc, không thể nhổ được, ở trong cảnh nghèo thiếu, vui đạo quên lo. Tự nhiên, họa hoạn lánh đi, phúc lộc đưa tới!

Khởi giả tướng hình, vấn mệnh siểm cầu vinh đạt chi kỳ, trạch nhật tuyển thời, cẩu miễn bĩ truân chi vận. Thử khởi sa-môn chi viễn-thức, thực duy tục-tử chi vọng-tình. Nghi hồ, kiến hiền tư tề, đương nhân bất nhượng. Mộ Tuyết-Sơn chi cầu pháp, học Thiện-Tài chi tầm sư. Danh lợi bất túc động ư hoài, tử sinh bất túc ưu kỳ lự.

Như thế, há phải nhờ vào việc xem hình tướng, đoán mệnh, nịnh cầu có thời kỳ vinh đạt, chọn ngày kén giờ, tạm mong khỏi vận hội xui xẻo. Việc đó, há là viễn thức của bậc sa môn, thực là vọng tình của người thế tục. Nên vậy, thấy người hiền phải nghĩ sao bằng, thấy điều nhân không nên từ chối. Mến chuộng việc cầu pháp của Ngài Tuyết Sơn (20), học hỏi việc tìm thầy của Ngài Thiện Tài (21). Danh lợi không đủ làm lay động nơi lòng dạ của mình, sống ch*t không đủ làm lo buồn sự tư lự của mình.

Thảng công thành nhi sự toại, tất tự nhĩ nhi thiệp hà. Bất cô danh nhi danh tự dương, bất triệu chúng nhi chúng tự chí. Trí túc dĩ chiếu hoặc, từ túc dĩ nhiếp nhân. Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ. Sử, chân-phong tức nhi tái chấn, tuệ-cự diệt nhi phục minh. Khả vị đại-trượng-phu yên! Khả vị Như-lai-sứ hỹ!

Ví, công thành việc được, nên từ gần lần xa. Không mua danh mà danh tự nổi, không mời chúng mà chúng tự tới. Trí tuệ đủ, soi tỏ mê lầm, lòng từ đủ, tiếp dắt chúng nhân. Khi cùng, làm việc tốt cho riêng một mình, khi đạt làm việc tốt cho cả thiên hạ. Khiến cho, chân phong bị ngưng nay lại trỗi dậy, đuốc tuệ đã tắt nay lại sáng lên. Như thế, đáng là bậc đại trượng phu chăng! Như thế, đáng là sứ giả Như Lai chăng!

Khởi đắc thân thê giảng tứ, tích hỗn thường đồ. Tại uế ác tắc vô sở gián nhiên, ư hành giải tắc bất kiến khả úy. Dĩ chí, tích tập thành tính, tự diệt kỳ thân. Thủy giáo, mộ bỉ thượng hiền, chung kiến, luân ư hạ ác. Như tư chi bối, thành khả bi tai! Thi vân: “Mỵ bất hữu sơ, tiễn khắc hữu chung”, tư chi vị hỹ!

Trung nhân dĩ thượng, khả bất giới dư!

Há được, thân thể ngồi trong nhà giảng, bóng hình lẫn với bọn thường. Nơi uế ác, không nơi nào bỏ sót, phần giải hành, dù thấy vẫn không kinh. Đến nỗi, tập lâu thành tích, tự diệt thân mình. Trước kia, mến mộ bậc thượng hiền, sau lại, chìm sâu nơi hạ ác. Những bọn như thế, thực đáng thương thay! Kinh thi nói: “Nếu không có trước, sao lại có sau”. Đúng với ý nghĩa ấy!

Những người thuộc bậc trung trở lên, há không lấy đó làm răn sao!

Ức hựu, giới tuệ phân tông, đại tiểu dị học. Tất tự Phật-tâm nhi phái xuất, ý tồn pháp-giới dĩ đồng quy. Ký nhi vị hiểu đại-du, ư thị các quyền sở cứ. Tập kinh luận tắc dĩ giới-học vi khí vật, tông luật-bộ tắc dĩ kinh luận vi bằng hư. Tập đại-pháp giả tắc diệt một tiểu-thừa, thính tiểu-thừa giả tắc khinh hủy đại pháp. Đản kiến nhân-sư thiên tán, toại chấp chi nhi hỗ tương thị phi. Khởi tri Phật-ý thường dung, cẩu đạt chi nhi bất kiến bỉ thử. Ưng đương, hỗ tương thành tế, cộng thục cơ duyên, kỳ do vạn phái triều tông, vô phi đáo hải. Bách quan lỵ sự, hàm viết cần vương. Vị kiến, hộ nhất phái nhi nghĩ tắc chúng lưu, thủ nhất quan nhi dục phế thứ tích.

Lại nữa, giới và tuệ chia ra từng tông, đại và tiểu có môn học khác. Tất cả đều từ Phật tâm chia ra, có ý niệm, giữ pháp giới cùng quay về một gốc. Chưa hiểu được kế lớn, đó đều là sự quyền biến có sở cứ. Nhưng, tập kinh luận, cho giới học là đồ bỏ, chuộng luật bộ, cho kinh luận là vô bằng. Tập đại pháp, muốn diệt hẳn Tiểu thừa, nghe Tiểu thừa lại khinh hủy đại pháp. Thấy thầy nào khen ngợi thiên lệch, liền chấp lấy, gây nên sự thị phi lẫn nhau. Há biết, ý Phật thường dung thông, nếu đạt tới, sẽ không thấy bỉ, thử. Cần nên giúp nhau đạt thành, cùng tới cơ duyên thuần thục. Khi ấy, khác gì muôn nhánh sông triều về gốc, nhánh sông nào cũng tới biển cả. Trăm quan coi việc, đều nói là cần vương (siêng năng giúp việc cho nhà vua). Chưa thấy, giúp một nhánh sông làm ngưng lấp cả mọi dòng nước chảy, giữ một quan chức lại, làm phế bỏ công lao của nhiều người.

Nguyên phù, Pháp-vương chi thùy hóa dã, thống nhiếp quần phẩm, các hữu tư tồn. Tiểu luật tỷ lễ hình chi quyền, đại thừa loại quân hành chi nhậm. Doanh phúc như tư ư tào vãn, chế soạn nhược chưởng ư vương ngôn. Tại quốc gia chi bách lại hàm tu, loại ngã giáo chi quần tông cạnh diễn. Quả minh thử chỉ, khởi chấp dị đoan.

Nguyên là, đấng Pháp vương đem giáo pháp giáo hóa cho đời, thống nhiếp mọi loại, mong mỗi loại đều được tự chủ và tồn tại. Tiểu luật ví như cái hình về lễ hình, đại thừa giống như trách nhiệm về cán cân. Mưu tìm phúc lợi, như coi về việc chuyên chở, chế soạn công hàm, như nắm lời nói của vua. Trong quốc gia thì trăm quan tu sửa, trong giáo ta thì mọi tông tranh diễn. Thực rõ ý ấy, há chấp dị đoan.

Đương tu, lượng kỷ tài năng, tùy lực diễn bố. Tính mẫn tắc kiêm học vi thiện, thức thiển tắc chuyên môn thị nghi. Nhược nhiên giả, tuy các bá phong-du, nhi cộng thành từ tế. Đồng quy hòa hợp chi hải, cộng tọa giải thoát chi sàng. Phù như thị tắc chân mê-đồ chi chỉ-nam, giáo-môn chi mộc đạc dã. Cư hồ, sư vị lượng vô tàm đức, thú hồ, Phật-quả quyết định bất nghi. Nhữ vô căng phạt tiểu tiểu tri-kiến, thụ lập đại đại ngã-mạn. Khinh vu tiên- giác, huỳnh-hoặc hậu-sinh.

Tuy vân, thính tầm vị bổ quá cữu, ngôn hoặc hữu trung. Nhữ tào tư chi!

Cần nên lượng tài năng mình, tùy sức diễn rộng. Tính tình linh lợi thì kiêm học là tốt, kiến thức nông cạn thì chuyên môn là hợp. Được như thế, tuy mỗi người đem truyền rộng phong thái của lẽ đạo, theo khả năng của mình, nhưng nó sẽ trở thành luồng gió từ bi cứu giúp chúng sinh. Cùng xuôi về nơi biển cả hòa hợp, cùng ngồi trên giường tòa giải thoát. Như thế, thực là kim chỉ nam của đường mê, là mộc đạc (cái mõ gỗ) của giáo môn. Ở trên ngôi sư, thực không hổ thẹn đức mình, đi đến quả Phật, quyết không ngờ vực chi nữa. Các ông không nên khoe khoang những tri kiến nhỏ mọn, xây dựng tính ngã mạn lớn lao, để khinh chê các bậc tiên giác và lòe bịp những kẻ hậu sinh!

Tuy vậy, trong đây, những lời nói trong sự nghe, tìm được, chưa hẳn bổ túc được những lỗi lầm khó tránh. Các ông nên suy nghĩ!

Miễn Học

(Thượng)

Trung-nhân chi tính, tri vu học nhi hoặc đọa ư học, nãi tác miễn học.

Ô hô, học bất khả tu-du đãi. Đạo bất khả tu-du ly. Đạo do học nhi minh. Học khả đãi hồ! Thánh hiền chi vực, do đạo nhi chí. Đạo khả ly hồ! Tứ phàm dân chi học bất đãi, khả dĩ chí ư hiền. Hiền nhân chi học bất đãi, khả dĩ chí ư thánh. Nhiễm-Cầu chi học khả dĩ chí ư Nhan-Uyên, nhi bất đãi cụ thể giả, trung-tâm đãi nhĩ. Cố viết: “ Phi bất duyệt tử chi đạo, lực bất túc dã”. Tử viết: “Hoạn lực bất túc giả, trung đạo phế. Kim nhữ họa, Nhan-Uyên chi học khả dĩ ư Phu-tử nhi bất tề ư thánh-sư giả, đoản mệnh tử nhĩ. Như bất tử, an tri kỳ bất như Trọng-Ni tai. Dĩ kỳ học chi bất đãi dã”. Cố viết: “Hữu Nhan-thị-tử hiếu học, bất hạnh đoản mệnh tử hỹ. Kim dã tắc vong”!

Văn Khuyến Gắng Học

(Bài trên)

Tính tình của người bậc trung biết chuyên về viêc học vấn, nhưng sợ họ sa đọa, nên tôi làm bài văn khuyến gắng học này.

Than ôi, học không thể chốc lát rồi sinh lười biếng. Đạo không thể chốc lát rồi liền lìa bỏ. Đạo do sự học mà sáng suốt, há nên lười biếng ư! Cõi thánh hiền do đạo mà đến, vậy đạo nên lìa bỏ sao! Thả cho người dân thường gắng học không lười biếng, có thể tiến đến bậc hiền. Người hiền gắng học không lười biếng, có thể tiến tới bậc thánh. Sự học của ông Nhiễm Cầu có thể tiến bằng ông Nhan Uyên, nhưng ông không theo kịp một cách cụ thể, trung tâm của vấn đề ấy là lười biếng.

Cho nên có chỗ nói rằng: “Không phải là không thích đạo của bậc thánh, nhưng vì sức không đủ vậy”. Đức Khổng Tử nói rằng: “Chỉ lo sức không đủ, nửa đường bỏ dở. Nay ông thử hoạch định ra coi: Sở học của ông Nhan Uyên có thể sánh bằng bậc Phu tử. Nhưng, ông ấy không bằng bậc thánh sư, vì ông ấy đoản mệnh. Nếu ông ấy không đoản mệnh, há ông ấy không bằng Trọng Ni này sao! Vì sự học của ông ấy không lười biếng vậy”. Cho nên có chỗ nói rằng: “Có người họ Nhan ham học, không may ch*t sớm, nay thời mất vậy!”.

Hoặc vấn: “Thánh-nhân học da?” - Viết: “Thị hà ngôn dư! Thị hà ngôn dư! Phàm dân dữ hiền do tri học, khởi thánh-nhân đãi ư học da?” Phù, thiên chi cương dã, nhi năng học nhu ư địa, cố, bất can tứ thời yên! Địa chi nhu dã, nhi năng học cương ư thiên, cố, năng xuất kim thạch yên! Dương chi phát sinh dã, nhi diệc học túc sát ư âm, cố, mỹ thảo tự yên! Âm chi túc sát dã, nhi diệc học phát sinh ư đương, cố, tề mạch sinh yên! Phù, vi thiên hồ, địa hồ, đương hồ, âm hồ, giao tương học nhi bất đãi, sở dĩ thành vạn vật. Thiên bất học nhu, tắc vô dĩ phú. Địa bất học cương, tắc vô dĩ tái. Dương bất học âm, tắc vô dĩ khải. Âm bất học đương, tắc vô dĩ bế. Thánh-nhân vô tha dã. Tắc thiên địa âm dương nhi hành giả, tứ giả học bất đãi. Thánh-nhân ố hồ đãi.

Hoặc có người hỏi rằng: “Thánh nhân còn học ư? - “Hỏi điều ấy làm chi vậy! Hỏi điều ấy làm chi vậy! Người thường và bậc hiền còn biết học, há là bậc thánh nhân lại lười học ư? Trời cứng mạnh còn học sự nhu hòa của đất, khiến cho bốn mùa không bị can hệ. Đất còn học sự cứng mạnh của trời, mới sản xuất ra được vàng, đá. Khí dương phát sinh cần học sự nghiêm ngặt của khí âm, khiến cho thảo mộc lướt qua sự ch*t. Khí âm nghiêm ngặt cũng học sự phát sinh của khí dương, khiến cho rau lúa được nẩy nở. Trời, đất, âm, dương học lẫn nhau không lười biếng, nên vạn vật thành. Trời không học nhu hòa thì không che rợp được. Đất không học cứng mạnh thì không gánh chịu được. Dương không học âm thì không mở tỏ được. Âm không học dương thì không ngăn giữ được.Thánh nhân không có gì khác người. Học theo bốn loại: trời, đất, âm, dương ấy một cách không lười biếng mà thôi. Thánh nhân ghét sự lười biếng!

Hoặc giả, Tị-Tịch viết: “Dư chi cô lậu dã, hạnh tử phát kỳ mông, nguyện văn thánh-nhân chi học”. Trung-Dung-Tử viết: “Phục tọa, ngô ngữ nhữ, Thư bất vân hồ: “Duy cuồng khắc niệm tác thánh, duy thánh võng niệm tác cuồng”. Thị cố thánh-nhân, tháo thứ điên bái, vị thường bất niệm chính-đạo, nhi học chi dã. Phu-tử đại-thánh-nhân dã. Bạt hồ kỳ tụy, xuất hồ kỳ loại. Tự sinh dân dĩ lai, vị hữu như Phu-tử giả! Nhập thái miếu mỗi sự vấn. Tắc thị học ư miếu nhân dã. Tam nhân hành, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi. Tắc thị học ư giai hành dã. Nhập Chu tắc vấn lễ ư Lão-tử. Tắc thị học ư trụ sử dã. Khởi Trọng-Ni chi thánh, bất nhược miếu-nhân, hành-nhân, trụ-sử da! Cái thánh-nhân cụ phù bất niệm chính-đạo nhi học chi, tắc chí ư cuồng dã hỹ! Cố viết: “Tất hữu như Khâu chi trung tín yên. Tất bất như Khâu chi hiếu học dã”.

Hoặc giả như Tị Tịch viết rằng: “Tôi là người cô lậu, may được bậc thánh nhân mở tỏ sự mê mờ của tôi, tôi nguyện theo cái học của Ngài”. Trung Dung Tử cũng viết: “Ông hãy ngồi lại, ta dạy cho ông điều này: kinh Thư nói: “Kẻ cuồng dại khắc phục được vọng niệm là bậc thánh. Bậc thánh quên khắc phục vọng niệm là kẻ cuồng dại”. Cho nên, dù gặp khi hoảng hốt, khi nghiêng ngả, bậc thánh nhân vẫn thường không quên chính đạo để học hỏi. Đức Khổng phu tử là bậc đại thánh nhân. Ngài là bậc cao tột, vượt ra khỏi đồng đàn, đồng loại. Từ khi có dân chúng đến nay, chưa có ai hiếu học như đức Phu tử.

Vào nhà thái miếu, mỗi việc ngài đều hỏi, đó là ngài học những người trong thái miếu. Ba người cùng đi với nhau, học theo người thiện, đó là học những điều của những người cùng đi. Ngài vào triều đình nhà Chu, hỏi lễ nơi đức Lão Tử, đó là học những điều cột trụ của lịch sử vậy. Há, ngài Trọng Ni là bậc thánh lại không bằng những người trong thái miếu, những người đi đường, cùng những điều cột trụ trong lịch sử sao? Hẳn là, bậc thánh nhân sợ không niệm được chính đạo nên phải học, để khỏi đi đến chỗ như kẻ cuồng dại vậy. Cho nên có chỗ nói: “Quyết phải có sự trung tín như Khổng Khâu, nhưng, hẳn không bằng sự hiếu học của Khổng Khâu”!

Viết: “Thánh-nhân sinh nhi tri chi hà tất học vi?” - Viết: “Tri nhi học, thánh-nhân dã. Học nhi tri, thường nhân dã”. Tuy thánh-nhân, thường nhân, mạc hữu bất do ư học yên. Khổng-tử viết: “Quân-tử bất khả bất học”. Tử- Lộ viết: “Nam sơn hữu trúc, bất nhu tự trực, chảm nhi dụng chi, đạt hồ tê cách. Dĩ thử ngôn chi, hà học chi hữu?” Khổng-tử viết: “Quát nhi vũ chi, thốc nhi lệ chi, kỳ nhập chi bất diệc thâm hồ!” Tử-Lộ tái bái viết: “Kính thụ giáo hỹ”. Y, Thánh-nhân chi học, vô nãi quát, vũ, thốc, lệ sử thâm nhập hồ! Khởi sinh nhi tri chi giả, ngột nhiên bất học da!

Có người hỏi rằng: “Bậc thánh nhân sinh ra đã biết, hà tất còn phải học? - Đáp rằng: “Biết mà còn học là bậc thánh. Học mới biết là người thường. Bậc thánh và người thường, ai cũng do nơi học cả”. Đức Khổng Tử nói rằng: “Người quân tử không thể không học”. Ông Tử Lộ nói rằng: “Nam sơn có loại trúc, thân không mềm, mọc thẳng, chặt nó đem về dùng, đạt tới chỗ bền chắc. Đem cây trúc mà ví, đâu cần phải học?”. Đức Khổng Tử nói: “Đẽo nhọn, thêm cánh, bịt sắt, mài sắc, đóng vào cái gì lại không sâu, chắc hơn hay sao!”. Ông Tử Lộ nói: “Con xin kính vâng lời Thầy dạy”. À, cái học của bậc thánh nhân, tuy đã biết rồi, nhưng còn phải đẽo nhọn, thêm cánh, bịt sắt, mài sắc, khiến cho nó càng thâm nhập thêm. Như vậy, há sinh ra đã biết, ngất ngưởng vậy mà không học nữa ư!

Miễn Học

(Hạ)

Phù, thánh thả hiền, tất vụ ư học. Thánh hiền dĩ hạ, an hữu bất học, nhi thành nhân tai! Học do ẩm thực, y phục dã. Nhân hữu thánh hồ, hiền hồ, chúng thứ hồ. Tuy tam giả dị, nhi cơ sách thực, khát sách ẩm, hàn sách y, tắc bất dị hồ! Học dã, khởi đắc dị hồ! Duy cầm thú thổ mộc bất tất học dã!

Ô hô, ngu phu thị ẩm thực nhi bất đãi, mạo hóa lợi nhi bất hưu. Nãi tựu ư học, triêu học nhi tịch đãi giả, hữu hỹ. Phù hữu xuân học, nhi đông đãi giả, hữu hỹ. Phù, cẩu như thị ẩm thực, mạo hóa lợi chi bất tri đãi giả, hà hoạn ư bất vi bác văn hồ, bất vi quân tử hồ? – Viết: thế hữu chí ngu giả, bất biện thúc mạch chi dị, bất tri hàn thử chi biến, khởi linh học da, khởi khả giáo da! – Viết: chí ngu do bất giáo dã, do bất học dã. Cẩu sư giáo chi bất quyện, bỉ tâm chi bất đãi giả, thánh vực khả tê nhi thăng hồ. Hà ưu thúc mạch chi bất biện hồ. Thả ngu giả, khát nhi tri ẩm, cơ nhi tri thực, hàn nhi tri y, ký tri tư tam giả, tắc dữ thảo mộc thù hỹ. Ô hô, bất khả học dã, bất khả giáo dã!

Văn Khuyên Gắng Học

(Bài dưới)

Ôi, thánh và hiền quyết định phải chuyên về việc học. Từ bậc thánh hiền trở xuống, có ai không học mà thành người được ư? Học ví như ăn cơm, áo mặc. Loài người có thánh, hiền và những người thường. Tuy ba bậc ấy có khác nhau, nhưng đói tìm thức ăn, khát tìm nước uống, lạnh tìm áo mặc, có gì khác nhau đâu. Há việc học lại khác được chăng. Chỉ có chim muông, cây cỏ không cần học mà thôi! Than ôi, kẻ ngu phu ham ăn uống không lười biếng, tham hóa lợi không ngừng nghỉ. Nhưng, nói đến việc học thì có người buổi sớm học, buổi chiều lười, mùa xuân học, mùa đông nghỉ. Nếu như, ham ăn uống, tham hóa lợi, không biết lười biếng, thì lo gì không làm người nghe rộng, làm bậc quân tử ư?

Có người nói: “Ở đời có người chí ngu, không rõ lúa thúc, lúa mạch khác nhau ra sao, không biết lạnh nóng thay đổi ra sao, làm sao khiến người ấy học và làm sao dạy họ được?”. Đáp: “Người chí ngu do không dạy, do không học. Nếu thầy giáo không mỏi mệt, tâm người kia không lười biếng thì cõi thánh có thể đi đến và lên tới được. Như vậy, lo gì không biện rõ được lúa thúc, lúa mạch. Vả lại, người ngu, khát biết uống, đói biết ăn, lạnh biết tìm áo. Đã biết được ba vấn đề ấy, tức là đã khác loài thảo mộc rồi, sao lại không thể học được, sao lại không thể dạy được!”.

Nhân chi chí ngu, khởi bất năng nhật ký nhất ngôn da! Tích nhật chí nguyệt, tắc ký tam thập ngôn hỹ. Tích nguyệt chi niên, tắc ký tam bách lục thập ngôn hỹ. Tích chi sổ niên nhi bất đãi giả, bất diệc cơ ư quân tử hồ. Vi ngu, vi tiểu nhân nhi bất biến giả, do bất học nhĩ. Trung-Dung-Tử vị nhiên thán viết: “Ngô thường kiến sỉ, trí chi bất đãi, tài chi bất mẫn, nhi chuyết ư học giả; vị kiến sỉ ẩm thực bất như tha nhân chi đa, nhi chuyết ẩm thực giả. Chuyết ẩm thực tắc vẫn kỳ mệnh, hà tất sỉ ư bất đa da. Chuyết học vấn tắc đồng phù cầm thú thảo mộc, hà tất sỉ tài trí chi bất như tha nhân da. Cẩu sỉ tài trí bất như, tắc bất học, tắc diệc ưng sỉ ẩm thực bất như tha nhân, tắc phế ẩm thực. Dĩ thị quán chi, khởi bất đại ngộ hồ!

Người chí ngu, chả lẽ, mỗi ngày không ghi nhớ được một lời nói hay sao? Gom góp từng ngày cho đến hết tháng, đã ghi nhớ được ba mươi lời. Gom góp từng tháng cho đến hết năm, tức là đã ghi nhớ được ba trăm sáu mươi lời. Không lười biếng, chỉ gom góp vài năm, hẳn là đã gần với những người nghe rộng rồi! Lại nữa, mỗi ngày chỉ giữ lấy và vừa học, vừa làm một điều thiện nhỏ, gom góp từng ngày đến hết tháng, thân đã có ba mươi điều thiện. Gom góp từng tháng đến hết năm, tức là thân đã có ba trăm sáu mươi điều thiện. Không lười biếng, gom góp trong vài năm, hẳn là đã gần với bậc quân tử vậy. Người ngu, kẻ tiểu nhân không thay đổi được, bởi vì họ không chịu học.

Trung Dung Tử bùi ngùi mà than rằng: “Tôi thường hổ thẹn, trí không kịp người, tài không lanh lẹ, mà lại bỏ dở việc học”! Chưa thấy ai hổ thẹn về việc ăn uống không nhiều bằng người, mà lại ngưng ăn uống. Ngưng ăn uống thì thân mệnh mất, hà tất lại hổ thẹn không ăn nhiều bằng người. Ngưng học vấn thì cùng như chim muông, cây cỏ, hà tất hổ thẹn là tài trí không bằng người. Nếu biết hổ thẹn là tài trí không bằng người mà không học, thì cũng như người hổ thẹn về việc ăn uống không bằng người rồi bỏ ăn uống. Lấy những việc đó mà xem xét, há chẳng lầm lắm vậy ư!

Ngô diệc chí ngu dã. Mỗi sủy tài dữ trí bất đãi tha nhân giả viễn hỹ, do tri ẩm thực chi bất khả chuyết, nhi bất cảm đãi ư học dã. hành niên tứ thập hữu tứ hỹ, tuy bệnh thả khốn, nhi thủ vị thường thích quyển. Sở dĩ cụ đồng ư thổ mộc cẩm thú nhĩ. Phi cảm cầu trăn thánh vực dã, diệc phi cầu hồ văn đạt dã. Tuy hoặc bàng dương hộ đình, di do nguyên dã, dĩ tạm di dưỡng, mục quan tâm tư, diệc vị thường cảm phế ư học dã. Do thị, đăng sơn tắc tư học ký cao, lâm thủy tắc tư học kỳ thanh, tọa thạch tắc tư học kỳ kiên, khán tùng tắc tư học kỳ trinh, đối nguyệt tắc tư học kỳ minh. Vạn cảnh xâm liệt các hữu sở trường, ngô tất đắc sư nhi học chi.Vạn cảnh vô ngôn nhi thượng khả học. Nhân chi năng ngôn, tuy vạn ác tất hữu nhất thiện dã. Sư nhất thiện dĩ học chi, kỳ thùy viết bất nhiên hồ.

Tôi cũng là người rất ngu. Mỗi khi tôi so sánh tài và trí của tôi cách người khá xa, không theo kịp được, tôi liền nghĩ rằng, việc ăn uống không thể ngưng được, thì việc học của tôi cũng không dám lười biếng. Năm nay tôi bốn mươi tư tuổi. Tuy đau yếu, mỏi mệt, nhưng tay tôi chưa từng rời quyển sách. Vì tôi sợ rằng, không khéo, tôi sẽ sa xuống cùng với chim muông, cây cỏ vậy. Tôi không dám cầu tới cõi thánh. Tôi cũng không dám cầu là người thông đạt. Tôi chỉ quanh co trong sân cỏ, lẩn thẩn nơi đồng nội, để tạm di dưỡng. Mắt xem, tâm nghĩ, nhưng tôi vẫn chưa từng dám bỏ việc học. Do vậy, khi lên núi, tôi nghĩ đến cái học về cao siêu. Khi xuống nước tôi nghĩ đến cái học về trong sạch. Ngồi trên tảng đá tôi nghĩ đến cái học về bền vững. Xem cây tùng tôi nghĩ đến cái học về trinh tiết. Ngắm bóng trăng tôi nghĩ cái học về sáng suốt. Vạn cảnh um tùm, mỗi thứ đều có sở trường, đều có thể tìm được thầy ở trong đó mà học. Vạn cảnh không nói, ta còn có thể học được, huống chi, con người hay nói, muôn điều ác phải có một điều thiện. Một điều thiện làm thầy, để cho ta học, ai dám bảo rằng là không được!

Trung-Dung-Tử viết: “Thế hữu cầu chi nhi hoặc bất đắc giả dã. Thế hữu cầu chi nhi tất đắc giả dã. Cầu chi nhi hoặc bất đắc giả, lợi dã. Cầu chi nhi tất đắc giả, đạo dã. Tiểu nhân chi ư lợi dã. Tuy hoặc vạn cầu nhi vạn bất đắc, nhi cầu chi di dũng. Quân tử chi ư đạo dã, cầu chi tất đắc, nhi vọng đồ hoài khiếp, tự niệm lực bất túc giả. Thử cầu lợi tiểu nhân chi tội nhĩ”. Trọng-Ni viết: “Nhân viễn hồ tai, ngã dục nhân tư nhân chí hỹ”. Ngôn cầu chi nhi tất đắc dã.

Trung Dung Tử nói: “Ở đời, có thứ cầu không được. Ở đời, có thứ cầu quyết được. Cầu không được, là lợi. Cầu quyết được, là đạo. Tiểu nhân ưa cầu lợi. Tuy vạn lần cầu, vạn lần không được, nhưng sự mong cầu vẫn mạnh. Người quân tử hướng tâm vào đạo, cầu là quyết được, nhưng, trông vào đường đi, mang lòng khiếp sợ, tự nghĩ sức không đủ, thì đó thuộc về cái tội, như kẻ tiểu nhân cầu lợi vậy. Ngài Trọng Ni nói: “Điều nhân rất xa, nhưng, ta muốn làm điều nhân, điều nhân ấy tự đến”. Đó nói là cầu quyết được vậy.

Thích Tâm Châu

-Chú thích:

(19) Cô Sơn Viên Pháp Sư, tức Thích Trí Viên, tự Vô Ngoại, tự hiệu là Trung Dung Tử. Ngài tu học nơi Phụng Tiên, Thanh Nguyên. Sau ngài ở Tây Hồ, Cô Sơn viết sách, tiếp chúng tới học. Ngài viên tịch năm 47 tuổi. Vua Tống Thần Tôn ban pháp thụy cho ngài là “Pháp Tuệ Đại Sư”.

(20) Tuyết Sơn cầu pháp: Tiền thân của đức Thích Tôn, tu hạnh Bồ Tát tại Tuyết Sơn gieo mình cho quỉ la sát ăn để cầu nửa bài kệ.

(21) Thiện Tài tầm sư: Ngài Thiện Tài cần cầu tham học nơi 53 bậc thiện tri thức.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Thích Tâm Châu

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/truy-mon-canh-huan-het-d31940.html)

Chủ đề liên quan:

truy môn cảnh huấn

Tin cùng nội dung

  • Nhân ngày giỗ Tổ, cố Thượng tọa Thích Viên Thành, thầy trò chúng tôi quần tụ bên nhau để nhớ về những kỷ niệm xưa. Rồi chúng tôi xem lại những cuốn sách được Tổ tặng, trong đó có những cuốn mà cố HT Thích Viên Thành là tác giả hoặc trực tiếp dịch và biên soạn. Thật quý giá biết nhường nào.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY