Dinh dưỡng hôm nay

Truyền bia giải ngộ độc rượu- đừng tự ý bắt chước mà rước họa vào thân

Tiến sĩ Huỳnh Văn Ân (Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) khẳng định không có chuyện có thể chữa say rượu bằng cách uống thêm bia, đây là lối suy diễn sai lầm, nếu áp dụng không đúng phương pháp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vừa qua, thông tin một nam bệnh nhân bị ngộ độc rượu được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bằng cách truyền gần 5 lít bia vào dạ dày kết hợp lọc máu đã nhiều người bàn tán xôn xao.

Cụ thể, để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền 3 lon bia tức 990ml vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Tiếp đó, cứ sau 1 giờ, bệnh nhân được truyền thêm 1 lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân dần bình phục, tỉnh táo.

Trước thông tin gây chú ý này, trên nhiều diễn đàn, không ít người "kháo" tai nhau hễ say rượu lại truyền thêm bia vào người thì sẽ "lấy độc trị độc", chắc chắn cơ thể sẽ hồi phục và khỏe mạnh.

Nhiều người tin rằng "truyền bia thực sự giải được ngộ độc rượu" là một sự hiểu lầm tai hại.

Với sự nhầm lẫn tai hại trên, tiến sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TP HCM khẳng định không có chuyện "có thể chữa say rượu bằng cách uống thêm bia", đây là lối suy diễn sai lầm, nếu áp dụng một cách vô tội vạ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Huỳnh Văn Ân (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh: "Người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, bia gây ra; không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia thì có mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng hơn".

Bên cạnh đó, Truyền bia vào dạ dày để giải độc cho bệnh nhân là một phương pháp điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc, được ban hành kèm theo quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Cứu sống bệnh nhân bằng cách truyền bia vào dạ dày chứ không phải truyền qua đường tĩnh mạch như lầm tưởng của nhiều người

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, phương pháp điều trị truyền bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu là truyền bia vào dạ dày chứ không phải tĩnh mạch.

Trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị vừa cứu sống là bệnh nhân bị ngộ độc Methanol (một loại rượu công nghiệp cực độc) chứ không phải Ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm). Hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau, nên khi cho người bệnh uống Ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của Methanol có trong cơ thể.

Bệnh nhân ngộ độc rượu vừa được cứu sống bị ngộ độc Methanol (một loại rượu công nghiệp cực độc) chứ không phải Ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm)

Để điều trị ngộ độc Methanol, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu. Nếu ngộ độc Ethanol mà vẫn tiếp tục uống Ethanol thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc Methanol mà cho người bệnh uống Ethanol sẽ có tác dụng giải độc.

Theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, đối với trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu, các bác sĩ phải tiến hành phải lọc máu liên tục và phối hợp dùng Ethanol để thải Methanol, khiến Methanol không phân vị ra các chất độc khác. Trong bia chắc chắn có ethanol vì có nhà máy sản xuất, còn trong rượu thì không chắc chắn vì rượu hiện nay rất khó để biết rượu ethanol hay rượu Methanol.

Phương pháp "truyền bia giải rượu" phải do các bác sĩ chuyên môn thực hiện

Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, (Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) phương pháp "truyền bia để giải ngộ độc rượu" chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Việc xác định bệnh và chọn phương pháp giải độc phải do bác sĩ chẩn đoán, sau đó điều trị theo phác đồ, có tính toán, có liều lượng theo cơ sở khoa học. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

Phương pháp "truyền bia để giải ngộ độc rượu" phải do các bác sĩ chuyên môn thực hiện. (Ảnh minh họa)

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu dùng ethanol đường uống (hoặc truyền vào dạ dày) để điều trị cho bệnh nhân cần lựa chọn loại rượu uống đảm bảo an toàn và có ghi rõ % độ cồn và pha theo tỉ lệ hướng dẫn thành rượu có nồng độ cồn 20%.

Liều dùng được chỉ định trên bệnh nhân, nếu uống có thể pha thêm đường, hoặc truyền nhỏ giọt qua sonde dạ dày và tiếp tục dùng liều duy trì với liều lượng cụ thể cho người không nghiện rượu, người nghiện rượu theo hướng dẫn cụ thể.

Trong giai đoạn lọc máu, việc sử dụng bia, rượu (có Ethanol) với liều lượng như thế nào cũng được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Hãy là người sử dụng rượu bia văn minh, có hiểu biết trong dịp Tết Nguyên đán này

Dịp Tết Nguyên Đán đang cận kề, nhu cầu sử dụng rượu lớn nên người dân cần lưu ý hạn chế sử dụng rượu bia để tránh gây ra những rắc rối cũng như nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt, người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra.

Mỗi người hãy tự ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng trong việc sử dụng rượu bia. (Ảnh mnh họa)

Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.

Quỳnh Hoa (T/H)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/truyen-bia-giai-ngo-doc-ruou-dung-tu-y-bat-chuoc-ma-ruoc-hoa-vao-than-26844/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY