Dinh dưỡng hôm nay

Từ phiên tòa xử vụ nữ sinh giao gà bị sát hại: Có nên xét xử lưu động?

Khi các bị cáo chưa bị kết tội mà đem ra xét xử lưu động với sự chứng kiến của hàng trăm, hàng ngàn người là không ổn

Việc TAND có thẩm quyền mở phiên tòa xét xử lưu động đối với những vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm gần đây đã có nhiều ý kiến trái chiều, đa phần là không đồng thuận. Ngay cả lãnh đạo TAND Tối cao, vào năm 2018, khi triển khai công tác xét xử của ngành cũng tâm tư về việc xét xử lưu động.

Luật chưa quy định

Tháng 9-2018, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết về việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, tại điểm d khoản 1 điều 7 đã thể hiện: Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Đây được xem là một quy định tiến bộ, nhân văn. Cũng trong năm 2018, TAND Tối cao đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc không tiếp tục tổ chức phiên tòa lưu động.

Phiên tòa xét xử lưu động vụ nữ sinh giao gà bị sát hại ở tỉnh Điện Biên Ảnh: HUY THANH

Câu chuyện về tổ chức phiên tòa lưu động tưởng đã dừng hẳn, lùi vào quá khứ thì mới đây, dư luận khá bất ngờ và có nhiều phản ứng trái chiều khi TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử lưu động tại sân vận động có sức chứa hàng ngàn chỗ ngồi đối với 9 bị cáo liên quan đến vụ án bắt cóc, hiếp dâm, sát hại nữ sinh giao gà xảy ra vào dịp Tết nguyên đán 2019. Để bảo vệ trật tự và kiểm soát an ninh cho phiên tòa lưu động, Công an tỉnh Điện Biên đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ chốt chặt 5 cổng và bên trong sân vận động, đồng thời huy động 7 chó nghiệp vụ tham gia bảo vệ phiên tòa.

Một lần nữa, vấn đề tổ chức phiên tòa lưu động có nên hay không lại được đặt ra. Nếu dựa vào quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì TAND tỉnh Điện Biên không sai vì luật không cấm.

Tôn trọng quyền con người, quyền công dân

Như đã nói ở trên, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là tôn trọng, bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân. "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật" - khoản 1 điều 31 Hiến pháp 2013 nêu. Như vậy, với tinh thần này, 9 bị cáo trên chưa thể bị xem là có tội nếu chưa được chứng minh theo trình tự luật định và chưa có bản án có hiệu lực pháp luật kết tội.

Có thể thông qua truyền thông, mọi người đều cảm nhận được hành vi của các bị cáo này là hết sức man rợ, tàn độc với người bị hại. Nhưng đó là thông tin ban đầu, còn việc xác định có hay không có hành vi man rợ đó thì phải thông qua việc xét xử và được phán quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Không riêng gì vụ án này mà các vụ án hình sự khác đều được thực hiện trên tinh thần đó. Khi các bị cáo chưa bị kết tội mà đem ra xét xử lưu động với sự chứng kiến của hàng trăm, hàng ngàn người thì có điều gì đó không ổn. Với nền tảng công nghệ thông tin và mạng xã hội như hiện nay, chỉ cần một thao tác trên điện thoại di động thông minh thì hình ảnh, nhân thân, gia đình… của các bị cáo được chia sẻ khắp cả nước và nước ngoài mà không bị cơ quan có thẩm quyền nào kiểm duyệt.

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định về bảo vệ quyền riêng tư của công dân: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn". Cứ cho là hành vi của các bị cáo đáng bị lên án, đáng bị nguyền rủa nhưng những thông tin về cha mẹ, vợ chồng, con cái, dòng họ thì không liên can gì, cần phải được tôn trọng, bảo vệ nhưng vẫn cứ bị tiết lộ, xâm phạm.

Về phía người bị hại, nhất là những người đã không may qua đời, những thông tin về đời tư, nhân thân và gia đình họ cũng cần phải được tôn trọng, bảo vệ. Trong vụ án ở Điện Biên, hành vi của các bị cáo xâm hại đến nhân phẩm của người bị hại cứ công khai, lặp đi lặp lại thông qua lời khai của các bị cáo thật sự là một điều kinh khủng đối với người nghe. Chia sẻ với báo chí trong năm 2018 về hậu quả của những phiên tòa lưu động, Chánh án TAND Tối cao đã khái quát đầy đủ về tính tiêu cực của việc xét xử lưu động: "Nhiều vụ án xét xử lưu động khiến các cháu có hành động quá khích bỏ nhà đi, chúng ta tạo ra cho xã hội hậu quả đáng tiếc, dòng họ mâu thuẫn với nhau nhiều hơn".

Tốn kém nhiều, hiệu quả không cao

Theo thông tin mà TAND Tối cao cung cấp cho báo chí trong năm 2018, mỗi năm, các phiên tòa lưu động đã ngốn ngân sách của ngành tòa án hơn 70 tỉ đồng. Đó là chưa kể để bảo vệ phiên tòa an toàn, nghiêm minh phải có sự phối hợp của ngành công an, chính quyền địa phương... với kinh phí tốn kém cũng không ít.

Phiên tòa lưu động nhằm tuyên truyền quy định của pháp luật đến người dân, đồng thời cảnh báo, răn đe, giáo dục chung đối với mọi người. Tuy nhiên, tác dụng không tích cực lại nhiều hơn. Điều dễ nhận thấy là các bị cáo bị xét xử với mức án nghiêm khắc hơn so với xét xử tại trụ sở tòa án, đó là luật bất thành văn. Các bị cáo ngoài việc bị tòa án xét xử thì dư luận xã hội, họ và gia đình còn bị bà con, bạn bè lối xóm lên án, xa lánh - một hình phạt nặng nề từ phía cộng đồng dân cư.

Thẩm phán TRƯƠNG VIỆT TOÀN, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội:

Không đạt được mục đích

Trước đây, hệ thống tuyên truyền phổ biến pháp luật của nhà nước còn yếu nên rất cần phiên tòa lưu động để tuyên truyền phổ biến pháp luật tới nhiều người dân. Tuy nhiên hiện nay, mọi người chỉ cần theo dõi trên các phương tiện truyền thông, thông tin. Nhiều phiên tòa xét xử lưu động không có một người dân nào đến dự mà chỉ có HĐXX và bị cáo cùng lực lượng an ninh. Do vậy, việc xét xử lưu động rất tốn kém lại không đạt được mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Việt Nam đã tham gia công ước quyền con người quốc tế nên phải tôn trọng điều này. Thời điểm đưa ra xét xử, người ta vẫn còn quyền cơ bản của con người, xét xử lưu động như vậy là bêu riếu người ta. Nếu tiền lệ quốc tế và công ước quốc tế thì xét xử lưu động như vậy là không phù hợp.

Luật sư TRẦN TUẤN ANH, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Không phù hợp với thực tiễn pháp luật

Nội quy phiên tòa là cấm người dưới 16 tuổi tham dự nhưng nhiều phiên tòa xét xử lưu động tội hiếp dâm, Gi*t người hàng loạt... vẫn có nhiều trẻ em được tham dự, việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm S*nh l* của những đối tượng này.

Mục đích hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam ngoài răn đe còn mang tính giáo dục. Yếu tố giáo dục hiệu quả cao nhất là cho tù nhân có thể hòa nhập cộng đồng nhưng việc xét xử lưu động ngăn chặn họ. Nếu xét xử tại trụ sở sẽ giúp HĐXX có tâm lý thoải mái, bình tĩnh, đưa ra phán quyết chính xác hơn. Trong khi xử lưu động không có lợi cho việc xét hỏi điều tra công khai tại tòa. Quá trình xét xử có xuất hiện chứng cứ mới mà trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, HĐXX không phát hiện, nếu cứ tuyên án thì sẽ bị hủy, sửa; còn hoãn xử thì tốn kém.

Bà NGUYỄN THỊ THU THỦY, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM:

Xét xử lưu động đã hoàn thành sứ mệnh

Việc xét xử lưu động thời internet chưa phát triển sẽ giúp truyền đạt thông tin rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, bây giờ hệ thống pháp luật được tuyên truyền rộng rãi khắp nơi nên việc xét xử lưu động dường như đã lỗi thời, tốn kém ngân sách.

Sứ mệnh của việc xét xử lưu động dường như đã hoàn thành. Một người bị đưa ra xét xử lưu động sẽ mang tiếng đời dị nghị, rất khó gột rửa. Người phạm tội có thể xóa án tích sau khi thụ án nhưng "ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" khiến họ rất khó làm lại cuộc đời.

Bà VŨ THỊ XUÂN NHUỆ, Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM:

Xử kín để bảo vệ bị hại

Đối với các loại tội phạm về xâm hại T*nh d*c, người ta còn có thể yêu cầu xử kín để bảo vệ nhân thân bị hại, gia đình bị hại nên không ai xử lưu động với hành vi hiếp dâm. Bị hại đã ch*t nhưng xử lưu động thì dường như không còn tôn trọng người ch*t, một nỗi buồn sẽ đi theo gia đình nạn nhân suốt cuộc đời. Chưa kể, xử ở tòa thì cũng rất hạn chế người tham dự, còn xử lưu động thì đối tượng tham gia không hạn chế, có khi có cả trẻ em đến coi thì liệu có nên không?

Ng.Hưởng - Ph.Dũng ghi

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/phap-luat/tu-phien-toa-xu-vu-nu-sinh-giao-ga-bi-sat-hai-co-nen-xet-xu-luu-dong-2019122722414725.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY