Kinh tế xã hội hôm nay

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt khoảng 64 tuổi

Theo đó, báo cáo tham luận của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ y tế chỉ ra những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam chỉ đạt khoảng 64 tuổi.

Người cao tuổi Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép với trung bình mỗi người cao tuổi đều mắc từ 3-4 bệnh với tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm tăng lên nhanh chóng. Thêm vào đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi. Người cao tuổi còn hạn chế, đặc biệt là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Cũng trong buổi tạo đàm, tại Báo cáo “Góc nhìn Việt Nam: Quyền được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi dựa trên báo cáo kỹ thuật của PGS. Hoàng Văn Minh, Trường Đại học Y tế công cộng và PGS. Kim Bảo Giang, trường Đại học Y Hà Nội cho thấy: Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi còn thấp, có đến 68% số người đang có bệnh không lây nhiễm trong độ tuổi từ 50 đến 69 tham gia khảo sát cho biết họ không được điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế nào. Khả năng tiếp cận dịch vụ phòng ngừa và điều trị là khác nhau đối với từng loại bệnh không lây nhiễm, VD, trong nhóm người cao tuổi bị tiểu đường, chỉ có 42% đã được sàng lọc, so sánh với tỷ lệ 80% được sàng lọc trong nhóm người cao tuổi bị cao huyết áp.

Một trong những nguyên nhân khiến người cao tuổi khó tiếp cận các dịch vụ y tế là chuyên môn của y tế cơ sở, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào danh mục dịch vụ y tế được Bảo hiểm Xã hội chi trả.

Báo cáo này cũng cho biết, sự chênh lệch về độ bao phủ bảo hiểm y tế giữa các nhóm người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau, và người cao tuổi có trình độ học vấn và thu nhập khác nhau. Mặc dù tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong nhóm người cao tuổi đã tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam, từ 54% trong năm 2006 lên tới 96% vào năm 2018 trong nhóm người từ 60 tuổi trở lên, độ bao phủ bảo hiểm y tế ở nhóm người cao tuổi ở độ tuổi dưới 80 thấp hơn nhiều so với độ tuổi 80 trở lên, người cao tuổi có trình độ đại học trở lên (94%) và sống trong gia đình có thu nhập cao (80%) cao hơn rõ rệt so với nhóm người cao tuổi chỉ có trình độ tiểu học (66%) và nhóm có thu nhập thấp thứ 2 (65%).

Theo báo cáo tại Tọa đàm, tính đến tháng 8/2018, cả nước có 11.313.200 người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số. Theo xu hướng già hóa dân số toàn cầu, dự kiến tới năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam và nhiều quốc gia khác Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, … sẽ vượt quá 30%.

Các đại biểu tham dự đưa ra những khuyến nghị để người cao tuổi Việt Nam được chăm sóc sức khỏe tốt hơn đó là: Cần hoàn thiện các chính sách về giải pháp, dịch vụ chăm sóc dài hạn và hướng tới chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền được chăm sóc sức khỏe cũng như các kiến thức phòng chống và tự quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, việc xây dựng các chương trình giáo dục về chăm sóc lão khoa cho nhân viên y tế…

H.N

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-nam-cao-nhung-so-nam-song-khoe-manh-chi-dat-khoang-64-tuoi-n163101.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY