Dinh dưỡng hôm nay

Ung thư vì cá Tầm Trung Quốc

(SKGĐ) Cá tầm đã không còn là đặc sản khó tìm ở Việt Nam mà đang được bán nhiều ở cả chợ cóc với giá rất phải chăng.

Sự việc cá tầm ngày càng được nhập lậu vào Việt Nam với giá rẻ có một phần nguyên nhân là vì loài cá này ngày càng ít được ưa chuộng ở Trung Quốc. Đầu những năm 2000, cá tầm trở thành thực phẩm hạng sang được ưa thích ở Trung Quốc, thì bây giờ người ta đã không còn chuộng nữa. Trong khi đó, ở thời điểm gần đây, người dân Việt Nam lại bắt đầu ưa thích loại cá này. Do đó thương lái đưa cá tầm sang Việt Nam thu lợi hơn. Cơ quan chức năng cũng đã từng phát hiện nhiều tấn cá tầm nhập lậu vào Việt Nam.

Giá nào chất lượng ấy

Việc nhập cá tầm lậu vào Việt Nam không chỉ gây hại cho người nuôi thủy sản trong nước, cho tình hình kinh tế mà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Mới đây, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản đã lấy mẫu cá kiểm tra. Kết quả cho thấy 1/10 mẫu cá tầm nhiễm chất kháng sinh cấm Malachite Green. Malachite green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da. Nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Độc tố Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, Malachite Green có biểu hiện gây ung thư và có thể gây đột biến trong cơ thể các loài động vật. Nhưng để giảm giá thành nuôi trồng thủy sản, người nông dân thường dùng thức ăn giá rẻ, thức ăn tự chế. Các loại thức ăn này càng khiến cá dễ nhiễm Malachite green.

Ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Thủy sản Việt Nam cho biết Malachite Green là chất màu cực kỳ nguy hiểm, chỉ dùng trong công nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể gây ung thư, đặc biệt ở nữ giới. Do tính chất nguy hại của Malachite green với sức khỏe, nó đã bị cấm và kiểm soát rất chặt trong sản xuất thủy sản. Hiện nay có nhiều nước trong EU và Mỹ kiểm tra rất ngặt nghèo về hàm lượng chất này.

Sau khi cá bị nhiễm, Malachite green sẽ tích lũy dần trong thịt và tế bào mỡ, đặc biệt trong mỡ luôn tích lũy hàm lượng độc tố này cao gấp nhiều lần so với trong thịt, do đó ăn mỡ cá còn nguy hại hơn ăn thịt.

Làm sao phân biệt?

Cá tầm nuôi tại Việt Nam hiện nay chưa chủ động được nguồn giống và thức ăn. Giống cá tầm được nhập khẩu từ các nước Đông Âu. Trung Quốc có điều kiện thuận lợi hơn về việc nuôi cá tầm, tuy nhiên khi nhập lậu về Việt Nam thì không thể kiểm tra được chất lượng. Cá tầm Trung Quốc cũng có một số đặc điểm khác với cá tầm Đông Âu nuôi tại Việt Nam. Ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam đã chia sẻ cách phân biệt cá tầm Việt Nam và cá tầm Trung Quốc như sau: Cá tầm nuôi ở Việt Nam có màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn, mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và 2 bên hông cá. Trong khi cá tầm Trung Quốc và cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn, mũi cá dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.

 Bạn có biết?

- Bắt đầu từ năm 2004, sau 9 năm kể từ ngày được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, đến nay, cá tầm đã được nuôi ở cả 3 miền của đất nước, trong đó nhiều nhất là tại Lâm Đồng. Sản lượng cá tầm dự kiến trong năm 2013 là 900 tấn, trong đó Lâm Đồng 450 tấn, các tỉnh miền núi phía bắc 250 tấn, miền Nam và Tây nguyên (trừ Lâm Đồng) 240 tấn. Bởi thế thật khó để có nhiều cá tầm bán tràn lan ở các chợ như hiện nay.

- Hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam mới chỉ cấp giấy phép cho nhập trứng cá tầm và cá tầm giống vào Việt Nam, không cho nhập cá tầm thương phẩm vì chúng nằm trong danh mục của Công ước quốc tế về kiểm soát buôn bán các loại hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Trần Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/ung-thu-vi-ca-tam-trung-quoc-3388/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY