Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vì ánh sáng của trẻ em

Trong 10 tháng qua, trên địa bàn TP Cần Thơ có hơn 72.000 trẻ được sàng lọc thị lực; hơn 4.400 trẻ được khám và kê đơn kính; gần 1.500 trẻ được cấp kính miễn phí; nhân viên y tế được nâng cao năng lực điều tr

H.HOA

Trong 10 tháng qua, trên địa bàn TP Cần Thơ có hơn 72.000 trẻ được sàng lọc thị lực; hơn 4.400 trẻ được khám và kê đơn kính; gần 1.500 trẻ được cấp kính miễn phí; nhân viên y tế được nâng cao năng lực điều trị; hàng trăm thầy cô giáo được tập huấn phát hiện sớm các bệnh suy giảm thị lực ở học sinh... Đây là kết quả của dự án “Mô hình sàng lọc thị lực có sự tham gia lồng ghép với chương trình khám sức khỏe hàng năm cho trẻ em tại TP Cần Thơ”.

Khám mắt cho trẻ tại các trường. Ảnh: Dự án cung cấp

Dự án thực hiện dưới sự viện trợ của cơ quan phát triển quốc tế hoa kỳ (usaid) thông qua tổ chức orbis tại việt nam, với mục tiêu giảm tỷ lệ suy giảm thị lực và mù lòa ở trẻ em; mở rộng dịch vụ sàng lọc thị lực tại 9 quận, huyện và tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế tuyến cuối tại tp cần thơ.

Dự án được thực hiện tại 70 điểm trường THCS của 9 quận, huyện. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, Quản lý dự án cho biết: Dự án tập huấn cho thầy cô, nhân viên y tế trường học về sàng lọc thị lực cho học sinh và trang bị dụng cụ sàng lọc thị lực cho các trường. Sau đó, các trường tổ chức khám sàng lọc thị lực cho học sinh. Nhà trường lập danh sách học sinh nghi ngờ bị tật khúc xạ. Dự án tổ chức đoàn khám lưu động khám xác định, kê đơn kính cho các cháu tại trường ở địa bàn 5 quận, huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Thới Lai, Ô Môn. Các địa bàn còn lại, khám xác định tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ hoặc BV Mắt - Răng hàm mặt TP Cần Thơ. Các cháu thuộc gia đình có thu nhập thấp được cấp kính. Qua khám xác định, tỷ lệ sàng lọc đúng và cho kết quả đúng của các thầy cô rất cao, qua giám sát đạt 99%. Các kết quả khám, cấp kính đều vượt xa so với chỉ tiêu ban đầu. Tỷ lệ học sinh bị nghi ngờ tật khúc xạ chiếm 21%. Đây là tỷ lệ khá cao, thông thường chỉ từ 15-17%. Trong đó quận Ninh Kiều cao nhất với 47,6%; thấp nhất là quận Thốt Nốt với 9,5%.

Ngoài các hoạt động triển khai tại trường học, dự án còn triển khai hoạt động nâng cao năng lực điều trị tại BV Nhi đồng và BV Mắt - Răng hàm mặt TP Cần Thơ. Với BV Nhi đồng TP Cần Thơ, 1 bác sĩ được đào tạo 3 tháng về khúc xạ tại BV Mắt TP Hồ Chí Minh; 1 bác sĩ được đào tạo bổ sung về kỹ thuật tiêm nội nhãn điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non và phẫu thuật quặm mi. Trong chương trình BV Bay, dự án vừa kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho các BV, vừa điều trị bệnh lý về mắt cho 20 trẻ (7 ca đục thủy tinh thể; 8 ca sụp mi 8; 5 ca lác/lé).

BS Võ Thị Thùy Linh, Trưởng Khoa 3 chuyên khoa (Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng), BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “BV Nhi đồng TP Cần Thơ là BV duy nhất trong vùng ĐBSCL thực hiện sàng lọc võng mạc trẻ sinh non. Đây là bệnh lý gây mù vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lý này điều trị bằng laser, gần đây nhất BV cũng triển khai tiêm thuốc nội nhãn để điều trị. Trước đây, những bé cần tiêm thuốc phải chuyển viện lên TP Hồ Chí Minh. Trong khi trẻ sinh non có sức khỏe yếu, có em phải hỗ trợ hô hấp nên chuyển viện đường xa rất nguy hiểm. Từ thực tế đó, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Orbis, BV cố gắng triển khai thực hiện”.

Ngoài các hoạt động đề ra theo kế hoạch, căn cứ trên tình hình thực tế, dự án đã triển khai thêm hoạt động tập huấn truyền thông cho giáo viên, cán bộ đoàn, đội. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như cho biết: “Trong thực tế, có học sinh sau khi khám sàng lọc thì không khám xác định hoặc có em đã được cấp kính nhưng không đeo. Vì thế, chúng tôi triển khai thêm hoạt động tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông cho giáo viên, cán bộ đoàn, đội. Từ đó, truyền thông thay đổi hành vi chăm sóc mắt cho các em học sinh. 32 trường học đã tổ chức truyền thông tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm cho các em học sinh. Dự án cũng cung cấp 100 bộ poster về tật khúc xạ và các bệnh mắt thường gặp; 180 sách tranh lật truyền thông về chăm sóc mắt cho các trường”.

Dự án đã kết thúc, điều băn khoăn là việc duy trì thực hiện sàng lọc thị lực hàng năm cho học sinh khi không có cơ chế hỗ trợ đối với cán bộ thực hiện sàng lọc. Hoạt động truyền thông tư vấn được thực hiện hạn chế, chưa củng cố được tính hiệu quả của chương trình khám sàng lọc và tư vấn chuyển tuyến khám khúc xạ/các bệnh mắt. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: Dự án đã tăng cường nhận thức của cán bộ quản lý, thầy cô, phụ huynh và học sinh về việc chăm sóc mắt. Các thầy cô, cán bộ y tế trường học nắm được các dấu hiệu nghi ngờ học sinh bị suy giảm thị lực, từ đó thông báo cho gia đình sớm can thiệp cho các cháu. Sở giao các phòng chuyên môn phối hợp Sở Y tế triển khai lồng ghép khám sàng lọc thị lực cho học sinh không chỉ bậc THCS, mà mở rộng cho mầm non, tiểu học.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/vi-anh-sang-cua-tre-em-a162050.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY