Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, bà Caryn R. McClelland - Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện các bộ, ngành Trung ương dự buổi lễ.
Sau thành công của dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi động dự án mới để xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa-điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh Việt Nam-Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận thực hiện một dự án 65 triệu đô la nhằm hỗ trợ người khuyết tật. Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam đã bàn giao 37 ha đất khu vực phía Tây sân bay cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Với hỗ trợ của USAID, các đội thi công đã xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để phục vụ dự án; các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu triển khai. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay; phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay, xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin.
Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết chi trả khoản kinh phí 300 triệu USD để khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng cùng Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận về khoản tài trợ 65 triệu USD giữa USAID và NACCET nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.
USAID dự kiến sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để củng cố hệ thống phục hồi chức năng của Việt Nam và các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo tất cả người khuyết tật đều có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội, đồng thời cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống của họ.
Chủ đề liên quan:
dioxin dự án hoa kỳ nhiễm dioxin ô nhiễm triển khai triển khai dự án triệu usd usaid việt nam xử lý xử lý ô nhiễm