Khoa học hôm nay

Vì sao Facebook và Google phải cam chịu từ bỏ tuyến cáp quang xuyên biển dài 12800km nối Mỹ và Trung Quốc?

Theo Bloomberg, Google và Facebook đã từ bỏ kế hoạch xây dựng một tuyến cáp dưới biển kết nối giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi chính quyền ông Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh có thể sử dụng tuyến cáp này để thu thập thông tin từ công dân Mỹ.

Được công bố lần đầu vào năm 2017, mạng lưới cáp Pacific Light Cable Network (PLCN) có chiều dài lên tới 12.800 km, được giới thiệu là hệ thống cáp biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên kết nối trực tiếp Hồng Kông và Mỹ.

Hệ thống cáp biển này cho phép Google và Facebook kết nối nhanh chóng và an toàn với các trung tâm dữ liệu của 2 hãng công nghệ ở châu Á. Đồng thời, dự án Pacific Light cũng giúp mở rộng lưu lượng truy cập Internet giữa hai châu lục, kết nối thành phố Los Angeles ở ở bờ tây của Mỹ với các điểm cập bờ ở Đài Loan, Philippines và Hong Kong.

Với chiều dài lên tới 12.800 km, Pacific Light được giới thiệu là hệ thống cáp biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên kết nối trực tiếp Hồng Kông và Mỹ.

Để hiện thực hóa dự án này, Google và Facebook đã bắt tay với Pacific Light Data Communications (PLDC), một công ty có trụ sở tại Hồng Kông. Bản thân công ty này được phép sở hữu 4 trong số 6 cặp cáp quang của dự án. Đáng nói, khi dự án được lên kế hoạch lần đầu tiên, PLDC được kiểm soát bởi Wei Junkang - một doanh nhân người Hồng Kông hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thép và bất động sản.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, Wei đã bán phần lớn cổ phần trong PLDC cho Dr Peng Telecom & Media Group, một nhà cung cấp băng thông rộng tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, đồng thời cũng là công ty viễn thông lớn thứ 4 tại Trung Quốc.

Theo báo cáo từ tờ Wall Street Journal, thương vụ này đã khiến các cơ quan an ninh Mỹ lo lắng. Theo thông tin trên trang web của Dr. Peng, các đối tác của công ty này bao gồm Huawei Technologies, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc bị Mỹ cho vào 'danh sách đen' về vấn đề an ninh. Bên cạnh đó, việc Dr Peng cũng tham gia vào một số dự án của chính phủ Trung Quốc càng gây ra sự lo ngại từ phía các cơ quan an ninh Mỹ về dự án cáp biển Pacific Light.

Kết quả, vào tháng 6 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã khuyến nghị Ủy ban Viễn thông liên bang Mỹ (FCC) chỉ được phép phê duyệt một phần của dự án Pacific Light. Cụ thể, các điểm cập bờ ở Đài Loan và Philippines sẽ được FCC cấp giấy phép, trong khi đoạn cập bờ Hồng Kong sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Đồng thời, Bộ tư pháp Mỹ cũng yêu cầu Google và Facebook tham gia một thỏa thuận an ninh quốc gia với Chính quyền Trump.

Thực tế, hồ sơ được Google và Facebook trình lên FCC vào ngày 27/8 vừ qua cho thấy 2 ông lớn công nghệ này đã tuân theo các khuyến nghị từ phía chính quyền Trump. Cả 2 hãng đều mong muốn FCC phê duyệt giấy phép kích hoạt mạng lưới cáp Pacific Light Cable Network (PLCN) giữa Mỹ và Philippines và Đài Loan, bỏ ngỏ các điểm cập bờ ở Hồng Kông.

Theo bình luận của nhiều chuyên gia công nghệ, sự thay đổi trong kế hoạch về tuyến cáp PLCN được cho là một chiến thắng cho kế hoạch "Mạng sạch" của chính phủ Mỹ, nhằm đảm bảo rằng các nhà mạng của Trung Quốc không được kết nối với các mạng viễn thông của nước này.

Tham khảo Bloomberg

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/vi-sao-facebook-va-google-phai-cam-chiu-tu-bo-tuyen-cap-quang-xuyen-bien-dai-12800km-noi-my-va-trung-quoc-2020083116020106.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY