Tin tức hôm nay

Tin tức

Vì sao trẻ có thể “mất ma sát não bộ” do căng thẳng trước kỳ thi

Mất ma sát não bộ là tình trạng trẻ thu nạp kiến thức dồn dập nhưng chỉ nhớ được thời gian ngắn và sau đó chóng quên vì áp lực học quá tải.

Áp lực thi cử ngày càng lớn

Những kỳ thi quan trọng đang tới gần và với sự cạnh tranh hiện nay, những áp lực lên trẻ nhỏ ngày càng lớn. Đặc biệt, áp lực này nặng nề hơn ở những trẻ thi chuyển từ cấp 2 lên cấp 3. Giai đoạn này, trẻ chưa trưởng thành, ở tuổi dậy thì, thiếu định hướng. Vì thế, sự cạnh tranh suất vào các trường công lập khiến trẻ chịu áp lực rất lớn.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (bác sĩ tâm lý trị liệu – lâm sàng tại Trung tâm tâm lý trị liệu Dr Bee), thời gian gần đây anh tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ ở giai đoạn chuyển cấp cần tư vấn tâm lý.

Trường hợp gần nhất là một bạn nữ sinh đang học lớp 12 ở một trường điểm. Cháu đặt mục tiêu 1-2 nguyện vọng vào trường tốp đầu. Cháu bé đến trong tình trạng lo lắng ra mặt, đau đầu, giấc ngủ không an yên, ngồi chân tay mồ hôi vã ra, sự lo âu tràn ngập não. Cháu chia sẻ: “Con không biết con sẽ là gì trong cuộc đời này?”.

Trường hợp khác là một bạn nữ sinh học chuyển tiếp về từ Nhật Bản. Khi đến khám, em chia sẻ không có suy nghĩ tích cực về thi cử. “Con luôn bồn chồn, bất an vì sợ những trạng thái xấu nhất cùng cực, run sợ trước điều xấu nhất xảy ra”, bạn học sinh nói.

Theo bác sĩ Bách, rất nhiều trẻ đến khám gặp trầm cảm, rối loạn tư duy, rối loạn tri thức, sương mù tư duy khi vào kỳ thi căng thẳng.

Điều đó là do trẻ đang phải chiến đấu với kỳ thi căng thẳng, học miệt mài đến đêm khuya, nhồi quá nhiều kiến thức trong thời gian ngắn khiến trẻ không thể tái tạo não bộ, các thông tin tiếp nhận bị trượt qua não chỉ sau 1-2 ngày, dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn cưỡng chế.

“Khi đó, trẻ có thể mất ma sát não bộ, rơi vào trạng thức sương mù nhận thức, sương mù tư duy. Mặc dù não con vẫn tiếp nhận thông tin, kiến thức và tư duy nhưng chỉ nhớ được thời gian ngắn. Đó là do kiến thức tiếp nhận qua một rãnh não nhưng không nằm đọng lại. Trẻ tưởng đã nắm được kiến thức nhưng thật sự những thông tin thu nạp sẽ bị trôi tuột đi. Vì thế trẻ càng hoang mang, không biết kiến thức đủ để thi chưa”, bác sĩ Bách nói.

Cha mẹ đồng hành với con thế nào

Theo bác sĩ Bách, cách tạo ra áp lực của bố mẹ muôn hình vạn trạng. Có người nói thẳng ra lời, quát mắng, bày tỏ sự thất vọng nhưng cũng có những người không bao giờ nói gì, nhưng lại thở ngắn, than dài. Có những phụ huynh không mắng mỏ, so sánh nhưng tinh thần, năng lực của cha mẹ có thể làm hủy hoại sự tự tin, tăng cường sự xấu hổ cho trẻ.

Không ít phụ huynh rất hay tự hào về con mình, khoe con trên facebook, khoe con với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Điều này vô hình chung làm đứa trẻ phải gồng mình lên, luôn thường trực suy nghĩ không được phép làm cho bố mẹ thất vọng.

Thậm chí, có cha mẹ thấy con có vấn đề nhưng sợ bị lộ thông tin không dám cho con đi khám tại các viện tâm thần, cố gắng chối bỏ suy nghĩ cần phải đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để can thiệp cho con.

Bác sĩ Bách cho rằng, trước các kỳ thi chuyển cấp căng thẳng, trẻ cần tập trung học vừa phải, học bao nhiêu thời gian thì nên nghỉ bù đắp chừng đó thời gian. Trẻ cần được ra ngoài đi dã ngoại, đi chơi với bạn bè, tránh xa game. “Khi trí não được giải phóng, các con sẽ chuẩn bị cho kỳ thi tuyệt diệu”, bác sĩ Bách nói.

Có nhiều phụ huynh và các con phản đối lời khuyên của bác sĩ, cho rằng thời điểm “nước sôi lửa bỏng” thi cử đến gần, tại sao bác lại khuyên nên “học 1 ngày nghỉ 1 ngày, học 2 ngày thì nên nghỉ 2 ngày”, các con sẽ rơi hết kiến thức.

Nhưng thực tế, sau kỳ thi, rất nhiều thông tin báo đỗ được gia đình các em gửi lời cảm ơn đến bác sĩ. Bởi vì, nếu các em làm theo lời khuyên này, các em sẽ có thời gian tạo ra khoảng rỗng trong não bộ, giãn ra nếp não, không tăng áp lực não, kiến thức tiếp nhận sẽ đọng lại trong trí não.

Trước kỳ thi đến gần, theo chuyên gia này, các gia đình cần “quản trị” não bộ của con, giúp các con định hướng trước khi thi, lắng nghe nguyện vọng của các con, cùng con xây dựng kế hoạch rõ ràng. Các bạn học sinh nên tạo ra hành lang cố gắng hết sức trong thi cử, nhưng cần xác định tâm lý cho mọi tình huống.

Những bạn không may không đỗ đạt như mong muốn, có thể tự giày xéo bản thân, tự trách móc vì thấy mình vô ơn. Do đó, các cha mẹ nên đưa ra tình huống về điều không tốt có thể đến sau kỳ thi, giúp các con quản trị rủi ro để không rơi vào dạng thức không quản lý được cảm xúc sau kỳ thi, đặc biệt là trẻ giai đoạn chuyển từ cấp 2 lên cấp 3. Hãy cố gắng giải thích cho con để có tư duy mở, hiểu vấn đề và có hướng xử lý khi gặp tình huống xấu.

“Bố mẹ hãy giúp các con tạo ra kỳ thi vui vẻ, kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời các con chứ không phải kỳ thi mang tính chất sợ sệt. Kỳ thi giúp trưởng thành hơn trong cuộc sống”, bác sĩ Bách chia sẻ.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/vi-sao-tre-co-the-mat-ma-sat-nao-bo-do-cang-thang-truoc-ky-thi-695151/)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY