Giải phẫu bệnh hôm nay

Giải phẫu bệnh là cơ sở thực hiện các xét nghiệm sinh thiết, tế bào học, khám nghiệm tử thi theo yêu cầu của khối lâm sàng. Khoa có nhiệm vụ tiếp nhận, cắt lọc bệnh phẩm, nhuộm tiêu bản, đọc các tiêu bản giải phẫu bệnh, hội chẩn. Nội dung hoạt động của khoa bao gồm: xét nghiệm tế bào học; xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học nhằm xác định và phân loại các bệnh lý và ung thư nhi khoa; sinh thiết lạnh phục vụ cho phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh, phẫu thuật các khối u và ung thư; tầm soát ung thư cổ tử cung trên phiến phết tế bào âm đạo,...

Viêm đại tràng: rối loạn cấu trúc chức năng giải phẫu bệnh, xác định chẩn đoán điều trị

Như đã đề cập trong phần bệnh Crohn của bài trước, bệnh viêm loét đại tràng vô căn có một số đặc điểm chung với bệnh Crohn

Có nhiều loại viêm của đại tràng do các tác nhân đặc hiệu, xảy ra cùng lúc với viêm ruột non và đã đề cập trong bài ruột non.

Viêm loét đại tràng do amíp

Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá. Bào nang amíp đã trưởng thành theo thức ăn vào dạ dày, qua ruột non rồi từ đoạn cuối hồi tràng đi vào đại tràng. Trong ruột, amíp có thể gây tổn thương hoặc không.

Đại thể:

Các vị trí thường gặp của tổn thương là manh tràng, các góc đại tràng và trực tràng. Tổn thương ban đầu nhỏ cỡ đầu kim. Sau đó, amíp xuyên qua lớp dưới niêm mạc rồi lan tràn tạo thành những vết loét hình cổ chai có bờ vàng nâu nham nhở, có đáy là lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ.

Vi thể:

Các tổn thương ban đầu chỉ có ít tế bào viêm loại một nhân. Sau đó, do bội nhiễm có nhiều mô bị hoại tử và thấm nhập nhiều bạch cầu đa nhân và có mô hạt viêm ở đáy loét. Amíp có thể di chuyển xuyên qua vách cơ và thanh mạc đại tràng gây viêm phúc mạc và làm đại tràng dính vào các cấu trúc chung quanh. Đôi khi, có thể có khối mô hạt viêm trên vách đại tràng, được gọi là u amíp, có thể gây chẩn đoán nhầm với ung thư. Từ đại tràng, amíp có thể đến gan bằng đường máu gây áp xe gan.

Viêm loét đại tràng vô căn

Như đã đề cập trong phần bệnh Crohn của bài trước, bệnh viêm loét đại tràng vô căn có một số đặc điểm chung với bệnh Crohn. Bệnh có nhiều ở các xứ phương Tây. Ở Hoa Kỳ, Anh, Bắc Âu, xuất độ bệnh khoảng 4-6/100.000 dân. Bệnh ít xảy ra hơn ở Nga, Nhật, các nước Nam Mỹ. Người da trắng có xuất độ bệnh cao hơn người da đen. Giới nữ dễ mắc bệnh hơn giới nam. Bệnh thường khởi đầu ở khoảng tuổi từ 20-25 tuổi, nhưng có thể khởi đầu ở tuổi trẻ hoặc già hơn. Những bệnh nhân vừa bị bệnh viêm loét đại tràng vô căn, vừa bị bệnh viêm dính đốt sống có tần suất cao HLA-B27 (nhưng sự gia tăng này chỉ do bệnh viêm dính đốt sống).

Bệnh thường bắt đầu ở trực tràng hoặc đại tràng sigma và ảnh hưởng dần đến các phần khác của đại tràng. Trong đa số trường hợp, hầu hết các đoạn ruột đều có tổn thương. Nếu chỉ có một phần bị bệnh thì thường là phần nửa bên trái. Phần cuối hồi tràng cũng bị bệnh trong 1/4 các trường hợp do bị ăn lan kiểu tiếp cận.

Tổn thương thay đổi tùy giai đoạn bệnh. Lúc nào cũng có sung huyết với niêm mạc đỏ đậm hoặc đỏ tím và mịn như nhung. Khởi đầu là những vết chợt nhỏ, sau đó, các vết chợt này sâu hơn rồi thành những vết loét rõ ràng dưới dạng những vết loét hằn dọc theo chiều dài đại tràng.

Hiếm trường hợp diễn tiến cấp tính, toàn bộ đại tràng trở nên bở và dễ có xuất huyết.

Lớp cơ bị dày giống như co thắt, cứng, mất một phần hay mất hoàn toàn tính co dãn, làm cho đại tràng ngắn và hẹp lại.

Tổn thương vi thể sớm nhất là áp xe với sự tích tụ nhiều bạch cầu đa nhân trung tính trong các tuyến Lieberkuhn. Các ổ áp xe này hợp lại tạo nên những vết loét.

Viêm đại tràng có màng giả

Là một loại viêm cấp tính của đại tràng, với đặc điểm là có màng giả phủ lên trên lớp niêm mạc bị tổn thương. Bệnh thường gây ra bởi độc tố của vi khuẩn Clostridium difficile, một loại vi khuẩn bình thường có sẵn trong ruột. Màng giả cũng có thể được tạo ra do các tổn thương thiếu máu, hoặc do tình trạng viêm bởi tụ cầu khuẩn, Shigella và đôi khi Candida.

Bệnh thường xuất hiện dưới dạng viêm cấp có tiêu chảy trên các bệnh nhân có tiền căn bệnh ruột mạn tính, nhưng đã dùng các kháng sinh phổ rộng, đặc biệt là Clindamycin và Lincomycin. Vì vậy, đôi khi người ta còn gọi là bệnh viêm đại tràng đi kèm với kháng sinh.

Bệnh cũng có thể có ở những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật lớn, bệnh nhân tim mạch có thiếu máu, bệnh nhân huyết áp thấp, ngộ độc kim loại nặng, nhiễm khuẩn huyết, urê huyết cao, các u đại tràng gây tắc ruột.

Tổn thương nặng gồm những mảng dính nhau, màu vàng xanh, gồ cao, phân cách nhau bởi những vùng niêm mạc bình thường hoặc bị phù, sung huyết. Nơi bị tổn thương thường nhất là hồi tràng và đại tràng. Màng giả gồm có mucin, fibrin, có mảnh nhân, bạch cầu đa nhân trung tính. Phần niêm mạc bên dưới màng giả có thể bị hoại tử hoàn toàn hoặc một phần.

Viêm đại tràng trong bệnh hột xoài (viêm ruột liễu)

Tổn thương nguyên phát ở phụ nữ thường là tổn thương của cổ tử cung và âm đạo. Tác nhân gây viêm thường theo đường mạch limphô đến các hạch limphô gần trực tràng. Ở đàn ông, tổn thương nguyên phát ở bộ phận Sinh d*c ngoài nên chỉ có hạch bẹn bị ảnh hưởng. Vì vậy, chỉ ở phụ nữ, tổn thương viêm lan rộng từ các hạch đến trực tràng, gây viêm, hóa sợi, hoá sẹo và làm hẹp lòng trực tràng. Niêm mạc trực tràng có thể bị loét khi phân cứng đi qua nơi hẹp.

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/bggiaiphaubenh/giai-phau-benh-viem-dai-trang/)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY