Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Việt Nam sẽ chống dịch như thế nào khi COVID-19 chuyển sang giai đoạn 2?

MangYTe - Sáng nay 25-2, Bộ Y tế họp trực tuyến với 700 điểm cầu toàn quốc để triển khai công tác năm 2020. Chống dịch COVID-19 như thế nào khi dịch chuyển sang giai đoạn mới là trọng tâm của hội nghị. Tuổi Trẻ Online cập nhật.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị - Ảnh: THUÝ ANH

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết cơ quan chức năng đã đồng thuận giảm thuế nguyên phụ liệu sản xuất hàng phục vụ chống dịch, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang.

Ông Cường cũng cho biết báo cáo của Cục Quản lý dược cho biết có tình trạng thu gom kháng sinh, Thu*c phòng chống dịch.

“Hoạt động phòng chống dịch đang thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ, như nhân lực tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, cơ sở y tế tại chỗ, hiện các điều kiện này đều đáp ứng được” - ông Cường nói.

Theo ông Nguyễn Trung Thảo - phó chủ tịch UNND tỉnh Cao Bằng - cần xem xét việc xuất khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang qua biên giới. Theo đó, thời gian vừa qua có nhiều vụ xuất hàng số lượng lớn.

“Nếu xuất khẩu số lượng quá lớn trong khi trong nước không có hàng thì phải xem lại” - ông Thảo nói.

Tại Cao Bằng, thời gian qua đã có xấp xỉ 1.400 người từ Trung Quốc về nước qua các đường mòn lối mở của Cao Bằng, từ ngày 13-2 tỉnh này đã quá tải khu cách ly, từ ngày 14 đến 21-2, tỉnh đã chuyển hơn 500 người về tuyến sau cách ly.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: LAN ANH

Cách ly cả khu vực có dịch có ý nghĩa quan trọng

Tại cuộc họp, các điểm cầu rất quan tâm kinh nghiệm tổ chức cách ly ổ dịch tại Vĩnh Phúc. Theo đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, hiện 11/11 người nhiễm COVID-19 của tỉnh này đã khỏi bệnh.

Như vậy toàn bộ 16/16 người nhiễm bệnh tại Việt Nam đã khỏi bệnh.

Theo ông Trần Như Dương - tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại tâm dịch Sơn Lôi - việc cách ly Sơn Lôi cách đây 2 tuần do khi đó đây là tâm dịch, có lây lan ra cộng động, uy hiếp khu vực bên ngoài. Việc khoanh vùng cách ly Sơn Lôi không chỉ chống dịch riêng ở Vĩnh Phúc và "chúng ta phải cảm ơn xã Sơn Lôi".

Việc giám sát ca nghi ngờ sớm nhất là rất quan trọng, tổ công tác đã triển khai nhiều biện pháp như lập danh sách toàn bộ nhân khẩu của 2.774 gia đình ở Sơn Lôi, tập huấn cho 30 nhóm, trang bị cho họ biểu mẫu, thiết bị.

Ngay trong đêm có bản tin ngắn gọn về việc theo dõi sức khỏe toàn dân, thông báo dịch cho tất cả người dân biết. Nhóm này hàng ngày đến từng gia đình đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe, có vấn đề là báo tin ngay cho y tế.

Ngoài ra, bố trí 2 xe cứu thương, 1 xe chuyển bệnh nhân thông thường, 1 xe chuyển bệnh nhân nghi ngờ COVID-19.

Đây là những kinh nghiệm quan trọng cho những khu vực khác nếu có yêu cầu cách ly. Hiện toàn bộ người mắc bệnh của tỉnh Vĩnh Phúc đã khỏi bệnh và 10 ngày nay không ghi nhận ca nhiễm mới.

Cách ly thêm 7 ngày với người nghi nhiễm

Ông Dương cũng cho hay những người nghi nhiễm sau cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly, cần theo dõi tại nhà thêm 7 ngày, có sự hỗ trợ của y tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ông Dương và tổ công tác biên soạn một sổ tay hướng dẫn cách ly, để có thể áp dụng khi có trường hợp tương tự.

"Hướng dẫn" này sẽ phải gửi ngay ngày 26-2.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao đổi tại hội nghị - Ảnh: LAN ANH

Hà Nội chuẩn bị cho học sinh quay lại trường

Hà Nội cho biết dân số ban đêm của thành phố là 8 triệu người, ban ngày hơn 10 triệu người, Hà Nội khẳng định chưa có ca dương tính, 78 người nghi nhiễm chỉ còn 1 người đang phải theo dõi, còn lại đã có kết quả âm tính.

Hiện TP có văn bản hướng dẫn chi tiết các bước vệ sinh khử khuẩn, yêu cầu với giáo viên, học sinh, phụ huynh, đã tiến hành khử khuẩn 4 đợt tại tất cả các trường học, cuối tuần này sẽ triển khai khử khuẩn đợt 5, đúng yêu cầu của Chính phủ trước khi đón học sinh trở lại trường.

Đà Nẵng cách ly đoàn khách Hàn Quốc từ chối cách ly tại bệnh viện như thế nào?

10h30 ngày 24-2, Đà Nẵng đã tiếp nhận chuyến bay có 80 hành khách từ Daegu về, đã phân loại hành khách từ chân máy bay, trong đó có 58 người Việt Nam, 2 khách Thái Lan và 20 người Hàn Quốc.

Đà Nẵng đã sử dụng Bệnh viện Phổi để cách ly nhóm người nước ngoài, 58 người Việt đến cách ly tại Trung tâm huấn luyện của quân đội. Nhóm người Việt có 1 người sốt, đã chuyển bệnh viện điều trị.

Nhóm người Hàn Quốc ban đầu có thay đổi về địa điểm cách ly, hiện đã ổn định cách ly tại bệnh viện, nếu có mong muốn sẽ đưa về Hàn Quốc sớm nhất.

Đà Nẵng đang phối hợp Lãnh sự quán Hàn Quốc để cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chiều 25-2, Đà Nẵng sẽ họp để rà soát khách từ 2 tỉnh có dịch của Hàn Quốc và đưa vào diện cách ly theo quy định.

* Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật

Phó thủ tướng kiểm tra, đôn đốc công tác chống dịch tại Vĩnh Phúc

TTO - Tập trung chống dịch, Vĩnh Phúc thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường, trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh với sức chứa 500 người…


LAN ANH - THÙY DƯƠNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/viet-nam-se-chong-dich-nhu-the-nao-khi-covid-19-chuyen-sang-giai-doan-2-20200225092847338.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY