Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Vĩnh biệt ông Hương sự thật! (*)

Cái tên Hương sự thật do một số bạn bè, đồng chí gọi ông Trần Quốc Hương, bởi ông luôn dũng cảm và kiên định với sự thật, không xu thời.

Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) tự nhận: "Tôi có một nhược điểm là không phản ứng đấu tranh nhanh như người ta. Phải nghĩ thật chín rồi mới làm tới nơi tới chốn". Trong thời kỳ kháng chiến, mỗi ngày ông dành khoảng nửa giờ để nghĩ lại mọi việc trong ngày.

Gần gũi, sâu sắc

Ông Phạm Văn Hùng, sĩ quan tiếp cận luôn bên ông, kể: "Ông rất quan tâm tới mọi người, tới những người từng giúp ông từ trước đến giờ. Ông nhắc nhở chúng tôi, thân thiện, nhẹ nhàng và trìu mến như dạy dỗ con cái trong nhà. Có 3 việc lúc nào cũng phải trau dồi: Một là, sống phải biết thế nào là vừa, thế nào là đủ. Hai là, trong công việc phải luôn vượt lên chính mình. Ba là, nên làm việc bằng chính cái đầu của mình, không được để lai căng. Đây cũng chính là những điều mà chúng tôi tâm đắc. Thú thật, đã có những lúc đứng trước cám dỗ, song lạ lùng là lời ông dặn cứ vang lên trong đầu, giúp tôi tỉnh trí".

Với bạn chiến đấu trước kia và các đồng nghiệp sau này, khi tâm sự, ông thường nhắc câu: "Làm công an, công tác tình báo và an ninh, cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng và bàn tay phải sạch. Như thế thì làm cái gì cũng dễ, làm cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng. Công việc mình làm dù khó khăn đến đâu cứ bình tĩnh và thận trọng giải quyết từng bước một thì thế nào cũng thành công. Luôn luôn khiêm tốn cả với cấp trên và cấp dưới, đừng bao giờ thỏa mãn với công việc của mình và nhất là đừng để chữ tôi lên đầu".

Những kinh nghiệm chắt chiu từ một đời cống hiến hết mình cho Tổ quốc của một thời oanh liệt hào hùng ấy được truyền sang cho lớp trẻ, ngọt và ấm nóng như mật.

Ông Trần Quốc Hương nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng vào tháng 5-2018. Ảnh: HỒNG NHUNG

Thẳng thắn, giỏi nhìn người

Đã qua những chức vụ cao, qua các chìm nổi trong cuộc đời một người chỉ huy tình báo, nay là một đảng viên lão thành, ông Mười Hương vẫn là con người của sự chân thật như bản chất ban đầu.

Ông thường nói thẳng suy nghĩ của mình đối với Đảng về thời cuộc, sự đúng - sai. Có lẽ vì cuộc đời của những cán bộ như ông, trung thành, nhiều kinh nghiệm và luôn trung thực xây dựng Đảng, nên Đảng và nhà nước luôn ghi nhận. Ông là một trong số cán bộ lão thành thường được mời phát biểu ý kiến đóng góp cho các vấn đề quan trọng của lãnh đạo, của đất nước.

Gặp các đồng chí lãnh đạo, ông thường nói: "Tôi ở tuổi không biết sống ch*t lúc nào, nhìn cái đã qua không ân hận gì với Đảng và nhà nước nhưng nhìn nhân tình thế thái, còn băn khoăn lắm. Cái lớn của đất nước là con người. Có giữ được đất nước không, Đảng có mạnh hay không, vấn đề cốt lõi là con người. Con người khỏe thì tổ chức mạnh. Tôi luôn tâm đắc nhận định ở Đại hội VI của Đảng: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ. Nhân sự là vấn đề rất lớn".

Khi đóng góp nhận xét vào tình hình đất nước, vào tổng kết các nhiệm vụ cách mạng, ông cũng đưa ra cách nhìn thẳng thắn. "Tiến hành cuộc chiến tranh, chúng ta xây dựng được hai việc lớn: Tinh thần anh hùng cách mạng và tinh thần vì miền Nam ruột thịt. Hàng triệu gia đình tình nguyện đưa con em mình vào chiến trường. Thời chiến tranh khó khăn mà xã hội lành mạnh, đất nước gặp lúc nguy nan lướt qua được. Nhớ hồi Bác mất, các nghị quyết khắp nơi giữ an ninh trật tự một cách tự giác, xã hội như trong sạch hơn khi gặp đau thương. Máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, tưởng bom đạn thế là mất an ninh nhưng Hà Nội lại không hề có trộm cắp, tinh thần đùm bọc nhau rất tốt. Có phải tại ta xây dựng được tinh thần trên, chi phối con người không? Tại sao bây giờ có những kẻ không phải do đói, do nghèo mà lại tiêu cực? Làm bậy nhưng không phải người nghèo đói. Hình như có nhiều người còn né, sợ nói đến khó khăn, không dám đối mặt với thực tế".

Ông cho rằng phải học người Nhật cúi mặt làm việc, tạo ra cả một tâm lý dân tộc: Thua phải biết bứt dậy. Ông mong muốn có thể phát huy tất cả lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kích thích người dân mình làm việc hết lòng xây dựng đất nước sao cho không hổ thẹn với truyền thống. Dân tộc ta không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là một dân tộc văn hóa rất hay.

Ông góp ý thêm về cái nhìn với con người, đánh giá con người của dân tộc cần rộng mở, không chỉ có tiêu chuẩn của Đảng: "Đảng ta phải nhìn thấy nhiều vấn đề khác nữa. Nhìn lại ngành giáo dục, thời kỳ kháng chiến mà hưng thịnh. Bộ trưởng Giáo dục giỏi như Nguyễn Văn Huyên, sau này có các nhà giáo dục như Ngụy Như Kon Tum, Tạ Quang Bửu lúc đó đâu có phải là đảng viên?".

Đánh giá đúng con người, tin tưởng họ, điều này ông Mười Hương đã được Bác Hồ nhận xét khi ông được chọn vào chi viện cho miền Nam. Bác bảo: "Chú ấy đánh giá đối tượng, con người đúng và chú ấy biết dùng người".

Có lẽ nhờ vào điều này mà ông là người "viết kịch bản" cho những nhà tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn. Tuy nhiên, ông luôn khiêm tốn: "Khi làm tổng kết của ngành, tôi đã nói: Những nhà tình báo tài năng của chúng ta hoàn toàn độc lập trong hoạt động và thành công". Nhưng rõ ràng, nhờ vào việc tìm ra "kịch bản" - đường lối hoạt động - thì các "diễn viên" mới có thể hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. 

Góp công to lớn cho cách mạng

Tướng tình báo Trần Quốc Hương đã từ trần hồi 11 giờ ngày 11-6, tại Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM.

Ông tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924 tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943, từng làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh...; từng bị tù đày trong nhà tù của Pháp và của Việt Nam Cộng hòa. Ông đóng góp công lao to lớn cho cách mạng, được đánh giá là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam trong kháng chiến cứu nước.

Sau năm 1975, ông đảm nhiệm các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông là ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Ông được nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

————

(*) Bài này được trích lược từ cuốn "Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo" của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, sắp được NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM tái bản. Các tít nhỏ do tòa soạn đặt.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (https://nld.com.vn/thoi-su/vinh-biet-ong-huong-su-that--20200611223542543.htm)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY