Tâm linh hôm nay

Vòng cung Phật giáo tại Á châu

Nhìn vào bản đồ Á châu chúng ta thấy một hành lang, một bao lớn bao gồm những quốc gia Phật giáo nhìn ra Thái Bình Dương, đó là: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Đài Loan và Nhật Bản (không kể Mông Cổ). Hành lang này rất may mắn vì không bị đứt đoạn hay xen kẽ bởi bất cứ một tôn giáo nào khác.

Theo tài liệu của Wikipedia:

- Tích Lan, 70% dân số theo Phật giáo.

- Miến Điện, 88% dân số theo Phật giáo.

- Thái Lan, 94% dân số theo Phật giáo.

- Campuchia, 97% dân số theo Phật giáo.

- Lào, 65% dân số theo Phật giáo.

- Việt Nam 85% dân số theo Phật giáo, nhưng thống kê của chính quyền nói rằng chỉ có khoảng 13% là tín đồ Phật giáo. Thống kê này tương phản với hình ảnh sinh hoạt Phật giáo ở khắp nơi. Những “Khóa tu một ngày”, quy y tập thể, trại sinh hoạt của thanh niên sinh viên phật tử, gia đình phật tử, những buổi giảng pháp quy tụ khoảng vài ngàn người, kể cả vùng biên thùy, vùng núi. Những Hội chảy chùa Hương, hành hương chiêm bái Đền Trần, Trúc Lâm Yên Tử…quy tụ vài trăm ngàn người có khi lên tới cả triệu cho thấy tâm linh của dân tộc này là Phật giáo và nhớ ơn Tiên Tổ. Ngoài ra, sinh viên đại học, thương gia, bác sĩ, kỹ sư, giáo chức...đủ mọi ngành nghiên cứu tập Thiền và nghe giảng về đạo đức nghề nghiệp theo lời dạy của Phật trở thành phổ biến.

- Trung Hoa, theo thống kê của chính phủ, chỉ có 16% dân số theo Phật giáo. Thế nhưng trong sách “Thiền Tông Qua Bờ Kia” vừa xuất bản của Nguyên Giác, “Theo Báo Hindustan Times ngày 4 tháng 2/2013, bản tin kể rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng trao tặng Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân (cha của Tập Cận Bình) một đồng hồ, và ông cụ Tập đó đã mang nơi cổ tay nhiều năm. Bà Bành Lệ Viên không chỉ là một phật tử Phật giáo Tây Tạng mà còn là một người tu trì thuần thành trong truyền thống này. Theo nhận định của Robert Barnett, học giả về Tây Tạng ở Đại học Columbia…dưới mắt ông Tập Cận Bình, Phật giáo đã trở thành một phương tiện an dân, hộ quốc.” tức ngấm ngầm trở thành quốc giáo nhưng không nói ra.

- Triều Tiên (cả hai miền), theo thống kê năm 2005, 23% dân số theo Phật giáo, còn 46% không gắn bó với tôn giáo nào. Thế nhưng Phật - Lão - Khổng vẫn là nền tảng của văn hóa Triều Tiên.

- Đài Loan, 35% dân số theo Phật giáo, 33% theo Lão giáo. Như vậy truyền thống của Đài Loan vẫn là Phật - Lão - Khổng.

- Nhật Bản, 35% dân chúng theo Phật giáo và Thần Đạo 51% nhưng truyền thống văn hóa của Nhật Bản vẫn là Phật giáo.


Hành lang Phật giáo này chính ra đã có thêm cái bao lơn khổng lồ là Ấn Độ và kéo dài xuống tận Nam Dương - đã có thời huy hoàng với Bảo tháp Borobudur tại đảo Java - một kỳ quan của thế giới được xây dựng vào Thế kỷ thứ IX nhưng sau đó suy tàn vì ảnh hưởng của Ấn Ðộ giáo rồi biến mất do ảnh hưởng của Hồi giáo.

Tại Ấn Độ, sau khi đức Phật nhập Niết bàn, Phật giáo gần như bị hủy diệt, “Một trong những nguyên nhân chính làm cho Phật giáo suy tàn và sụp đổ nhanh chóng ở Ấn Độ là sự đàn áp của những nhà cầm quyền Bà La Môn cũng như những người cuồng tín.” (Thư viện Hoa Sen). Rồi sự xâm lăng và tàn sát của Đế quốc Hồi giáo vào Thế kỷ thứ X làm Phật giáo “mất tích” luôn.

Thế nhưng ngày nay có khác, Phật giáo đang trở mình và hồi sinh ở Ấn Độ. Các nhà lãnh Ấn Độ nhận thấy rằng Phật giáo không nguy hiểm cho nền an ninh chính trị của họ. Điều đó có nghĩa là Phật giáo không đòi phải nắm lấy chính quyền, không đòi ly khai, cát cứ hay bất cứ một thứ quyền lợi, bổng lộc, ưu đãi nào của chính quyền. Cứu cánh của Phật giáo là hoàn thiện con người, đem lại hạnh phúc cho con người mà Từ Bi và Trí Tuệ là phương tiện rốt ráo để đạt cứu cánh đó. Chính vì thế mà Thủ tướng Ấn Độ Modi, đi đâu ông cũng đều xiển dương giá trị hòa bình và nhân bản của Phật giáo và hãnh diện vì đức Phật đã ra đời từ đất nước ông. Ngày nay các hàng trí thức Ấn Độ và thành phần “tiện dân/Thủ Đà La/người Dalit” (Untouchables) Quy y tập thể theo Phật giáo rất đông.


Bằng cứ vào lịch sử, chúng ta thấy các quốc gia sống trong “Vòng cung Phật giáo” đều:

- Không có “thánh chiến” hay xung đột vì khác hệ phái, tông phái như vùng Ả Rập, Trung Đông hay Ái Nhĩ Lan giữa Tin Lành và Ca-tô giáo La Mã. Các tông phái Phật giáo cùng phát triển tùy căn cơ, văn hóa, tập quán của từng quốc gia và đều tôn trọng lẫn nhau. Trong Phật giáo không có vấn đề kỳ thị. Đức Phật dạy rằng 84,000 pháp môn chỉ là phương tiện. Phương tiện nào đưa tới an vui, hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người đều tốt. Thật tức cười nếu nói rằng chỉ có cử tạ, tập võ mới tốt cho con người. Nếu vậy thì chạy bộ, bơi lội, tập khí công, hít thở, thậm chí đá bóng, đá cầu…không tốt cho sức khỏe sao? Cũng thật tức cười nếu nói chỉ tu Thiền mới thành Phật. Tu Thiền khiến thành Phật nhanh hơn nhưng rất nhiều rủi ro. Còn Tịnh độ chậm thành Phật nhưng vững vàng, như người yếu có gậy để chống. Nếu Thiền-Tịnh song tu thì “Như hổ mọc thêm cánh”, chư Tổ nói thế. Nam tông hay Bắc tông, Nguyên Thủy hay Đại thừa đều là đệ tử của đức Phật cả.

- Thế nhưng các quốc gia Phật giáo Á châu có chung biên giới với Hồi giáo đang gặp khó khăn như: Miến Điện với khu vực Rakhine của người Rohingya nằm cạnh Bangladesh, Miền nam Thái Lan có biên giới với Mã Lai, khu vực Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Trung Hoa. Thậm chí Phi Luật Tân là quốc gia theo Ca-tô giáo La Mã nhưng đang phải đối phó với nguy cơ Hồi giáo ở khu vực phía Nam, sát với Nam Dương. Điều này cho thấy, nếu quốc gia bạn nằm cạnh một quốc gia theo một tôn giáo khác, bạn phải coi chừng tham vọng ly khai, đòi độc lập của nhóm thiểu số trong nước hay có thể là những cuộc xâm lăng để bành trướng tôn giáo. Thí dụ, Mễ Tây Cơ với dân số 119 triệu, nếu là một quốc gia Hồi giáo, sẽ gây rắc rối to cho nước Mỹ. Hoa Kỳ may mắn có một hàng rào an toàn về mặt tôn giáo, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ ở phía bắc và nam đều là các quốc gia theo Ca-tô giáo La Mã hay Tin Lành. Thế nhưng Hoa Kỳ và Âu châu đang phải đối phó với nạn Kh*ng b* Hồi giáo trên quy mô toàn cầu.


Từ thực tế lịch sử và chính trị đó, các quốc gia đang nằm trong “Vòng cung Phật giáo” ở Đông Nam Á, chủ trương đoàn kết chặt chẽ trong tổ chức ASEAN đã đành, mà phải coi nhau như huynh đệ để cùng xiển dương giáo lý của đức Phật và duy trì một nền hòa bình, ổn định cho khu vực. Xin nhớ, giáo lý của đức Phật là giáo lý hòa bình. Ngày nay, hai quốc gia Phật giáo mà gây chiến với nhau là điều không thể chấp nhận được.

Hiện nay Tổng Thống Maithripala Sirisena của Tích Lan đang đóng vai trò tích cực trong việc phát triển Phật giáo và nối kết các quốc gia Phật giáo tại Á châu.

Nhìn vào những bất ổn chính trị và thảm họa chiến tranh trên toàn thế giới chúng ta thấy: Muốn duy trì ổn định chính trị, ngoài chủ trương tự do tôn giáo, bình đẳng xã hội, phải làm sao phát triển một tôn giáo dòng chính (mainstream) làm trụ cột cho văn hóa và tâm linh dân tộc. Chính quyền chỉ có thể duy trì kỷ luật của quốc gia. Nhưng đoàn kết đất nước, yếu tố quan trọng nhất vẫn là văn hóa, truyền thống và tâm linh. Văn hóa bao gồm lối sống, chữ viết, ngôn ngữ đồng nhất, các tác phẩm văn chương, tôn trọng các lời di huấn của Tổ Tiên, tôn trọng các bậc đạo đức, danh nhân, các bậc anh hùng đã đứng đóng góp công lao và trí tuệ cho dân tộc. Truyền thống bao gồm các lễ hội lớn của đất nước. Còn tâm linh, về mặt chìm là niềm tin vào một tôn giáo. Về mặt nổi là sự hiện diện của chùa chiền, miếu đền, các di tích lịch sử. Chúng ta hãy nghe lời dạy của đức Phật về những điều kiện cường thịnh của một quốc gia: (*)

“Cuộc hành trình cuối cùng của đức Phật bắt đầu từ Thành Vương Xá (Rajagaha) kinh đô xứ Ma Kiệt Đà (Magadha). Trước khi ngài rời Thành Vương Xá (Rajagaha), Vua A Xà Thế (Ajatasattu), vị vua giết cha, có sai viên đại thần đại thần của mình có tên Vassakara đề dò ý kiến Ngài về mưu định của nhà vua muốn gây chiến với nước Cộng Hòa Vajjian (8), thuở ấy rất trù phú. Điều kiện thịnh suy. Đức Phật dạy:

1) Ngày nào mà người dân Vajjian còn thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau;

2) Ngày nào mà người dân Vajjian còn tụ họp trong tinh thần đòan kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đòan kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đòan kết.

3) Ngày nào mà người dân Vajjian không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành, không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, và sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền;

4) Ngày nào mà người dân Vajjian còn hộ độ, tôn sùng, kính trọng và đảnh lễ các bậc trưởng thượng trong xứ, và còn nghe những lời dạy thích nghi của các vị này;

5) Ngày nào mà người dân Vajjian không còn một người đàn bà hay con gái nào bị quyến rũ hay cưỡng ép phải sống với kẻ ngọai nhân;

6) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo trì, tôn trọng, kính nể và làm vẻ vang các tôn miếu của họ, dù ở trong hay ở ngòai tỉnh thành, và không sao lãng những nghi lễ cổ truyền;

7) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo bọc, bênh vực, và nhiệt thành ủng hộ các vị A La Hán, khiến các vị nào chưa đến sẽ đến trong xứ và vị nào đã đến, được sống an lành.

Ngày nào mà bảy điều kiện trên còn được thực hiện, thì dân tộc Vajjian không thể suy đồi, trái lại còn cường thịnh hơn trước.” Khi nghe chính đức Phật giảng dạy bảy điều kiện thịnh suy của người dân Vajjian, vị đại thần Vassakara nhận thức chắc chắn rằng vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) không thể chiến thắng dân tộc Vajjian."

Ngày nay, khác biệt tôn giáo đang là nguy cơ chia cắt và bất ổn trên toàn thế giới. Các tôn giáo cực đoan đều muốn nắm lấy chính quyền, thu tóm tài nguyên của đất nước, biến giáo luật thành luật pháp quốc gia, khống chế tư tưởng con người và triệt hủy mọi phong tục tập quán, văn hóa của người dân bản địa khi họ nắm được chính quyền hay lật đổ được chính quyền.

Đào Văn Bình

-

(*) Trích trong Đức Phật và Phật Pháp của Ngài Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2545 (PL) tức năm 2001 (TL).

Đào Văn Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/vong-cung-phat-giao-tai-a-chau-d29289.html)
Từ khóa: phật giáo

Chủ đề liên quan:

phật giáo

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY