- Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam?
- việt nam đang trong đợt bùng phát covid-19 với nhiều thách thức hơn so với các đợt dịch trước.
Có nhiều yếu tố góp phần vào tình trạng bùng phát dịch. Đầu tiên, bùng phát dịch bắt đầu với nhiều chùm trường hợp bệnh được báo cáo đồng thời ở nhiều cơ sở (bệnh viện, khu công nghiệp, cơ sở kiểm dịch, chợ, cộng đồng) và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.
Thứ hai, các biến thể đáng lo ngại với khả năng lây truyền cao hơn, như biến thể Alpha và biến thể Delta, được coi là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch hiện nay.
Vẫn có những chùm trường hợp không rõ nguồn lây được báo cáo từ một số tỉnh phía Nam.
WHO công nhận Việt Nam đã ứng phó với các chùm trường hợp bệnh bằng những hành động quyết liệt. Các ổ dịch ở nhiều tỉnh, thanh phố đã phần lớn được kiểm soát, mặc dù vẫn còn một số địa phương phải tiếp tục đối mặt với tình hình đầy thách thức, như TP HCM.
WHO tin rằng, với năng lực của mình, Việt Nam có thể ngăn chặn đợt bùng phát dịch lần này thông qua cách tiếp cận toàn xã hội, đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia dẫn dắt ngay từ khi bắt đầu đại dịch.
Ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WHO cung cấp.
- Theo ông, cần tập trung vào các chiến lược căn cơ nào để dập được dịch?
- kiểm soát các ổ dịch covid-19 không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế. nó cần sự phối hợp hành động của tất cả các ban, ngành và sự tuân thủ của người dân.
Các biện pháp y tế công cộng như truy vết tiếp xúc, xét nghiệm, cách ly cần được thực hiện nghiêm túc và tăng cường hơn nữa. Các biện pháp giãn cách xã hội bao gồm phong tỏa mục tiêu có thể được áp dụng dựa trên đánh giá nguy cơ. Việc truyền thông tới công chúng phải thường xuyên và đáng tin cậy để đảm bảo mọi người áp dụng các biện pháp 5K.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng covid-19 cho nhân viên y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch và nhóm dân số có nguy cơ cao như người già và người mắc các bệnh nền không lây nhiễm.
Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc xử lý các ổ dịch hiện tại trong nước, bao gồm cả điểm nóng còn lại ở các tỉnh. Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện nay có nhiều thách thức và cần nhiều thời gian hơn để kiểm soát, đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ và nỗ lực tập thể theo cách tiếp cận toàn xã hội.
WHO đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để cung cấp bằng chứng khoa học cập nhật nhất nhằm hỗ trợ Chính phủ trong quá trình đưa ra quyết định ứng phó với dịch bệnh.
- Hiện có hai luồng ý kiến ở Việt Nam, một là phong tỏa gay gắt, chấp nhận hy sinh về kinh tế; hai là chọn giải pháp sống chung với virus, giãn cách phù hợp tùy tình hình từng khu vực. Theo ông, chiến lược nào là phù hợp với bối cảnh Việt Nam?
- who ủng hộ chiến lược ứng phó tùy thuộc và rủi ro thực tế, cân bằng giữa các mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. cần thường xuyên điều chỉnh chiến lược theo diễn biến dịch.
Dù vaccine là công cụ cần thiết để bảo vệ cộng đồng, hiện còn nhiều thách thức về nguồn cung và công tác phân phối. Sẽ mất một thời gian để đạt miễn dịch cộng đồng, tác động đến sự lây lan của virus. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện một loạt biện pháp y tế công cộng để giảm nguy cơ lây truyền, chẳng hạn biện pháp 5K: đeo khẩu trang; rửa tay và khử trùng; giữ khoảng cách; không tụ tập đông người; và khai báo y tế.
Nguồn cung vaccine sẽ tiếp tục là một thách thức, không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều nước thế giới. Chính phủ cần phân bổ vaccine cho những người cần nhất.