Tôi viết những dòng này khi đang ở trong phòng khách nhà mình – mặc bộ đồ ngủ với đồ ăn vặt bày xung quanh. Tôi đã hoàn thành rất nhiều việc, nhưng bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm không chịu nổi.
Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối tôi tiếp xúc với người lạ nhỉ? Ở trong nhà quá lâu làm tôi bức bối và cáu kỉnh.
"Đây không phải những gì tôi mường tượng về cuộc cách mạng lao động" Matt Mullenweg, giám đốc vận hành của Automattic đã viết. Và nếu bạn không biết, đây là công ty sở hữu nền tảng viết blog WordPress.
Ở Automattic, mọi công việc đều được phân chia rõ ràng. Mullenweg thực sự thấy trong họa có phúc. Ông đã viết trong blog của mình tuần trước "Có thể đây chính là cơ hội để các công ty xây dựng một văn hóa làm việc cởi mở hơn, linh hoạt hơn, thứ mà đã bị trì hoãn khá lâu rồi".
Tôi hiểu ý ông là gì. Tôi là một người làm việc từ nhà khoảng 2 năm trước. Hầu hết thời gian đó, tôi là một fan cứng của chủ nghĩa làm việc tại gia, cố gắng thuyết phục tất cả mọi người trở thành như mình, tránh xa chốn công sở ra! Không giao tiếp, không có ai làm phiền bạn cả, không cần ăn thứ đồ dở ẹc ở canteen công ty!
Nhưng gần đây tôi đã nghiên cứu, tìm tòi nhiều hơn về cả mặt lợi lẫn hại của làm việc tại nhà cho cuốn sách tiếp theo của mình, về chủ đề cách sinh tồn của con người trong thời đại trí tuệ nhân tạo và tự động hoá. Và giờ thì tôi có cái nhìn khác hẳn: Phần lớn mọi người nên làm việc theo cách truyền thống, gần với những đồng nghiệp khác và tránh hết mức có thể việc phải làm việc tại nhà một mình.
Đừng hiểu nhầm nhé, làm việc tại nhà vẫn là một lựa chọn không tồi cho các cặp vợ chồng mới sinh con, người khuyết tật, hoặc những người không thể hòa hợp với cách làm việc truyền thống.
Tôi không cho rằng mặc kệ sức khỏe và đến văn phòng khi ốm bệnh là ý hay. Tôi cũng đồng cảm với hàng triệu giáo viên, nhân viên nhà hàng và những ngành nghề khác khi mà chuyện làm việc từ xa là không thể.
Làm việc tại nhà giúp nâng cao năng suất làm việc, nhưng lại giảm đi sự sáng tạo. Các nghiên cứu đã tìm ra rằng những người làm việc theo cách truyền thống thường giải quyết vấn đề nhanh hơn. Làm việc từ xa sẽ làm giảm hiệu quả của teamwork.
Mặc dù những người làm việc tại nhà nghỉ phép ít hơn, họ khó có thể tách biệt rõ ràng công việc và cuộc sống bên ngoài. Trừ khi bạn là một người sếp luôn muốn vắt kiệt sức lao động từ nhân viên của mình, còn không thì điều này nghe không hay ho lắm, nhất là trong thời đại hiện nay, khi ai cũng đang cố cân bằng cuộc sống của mình.
Làm việc một mình tại nhà đôi khi khá cô đơn, không thể phủ nhận. Đây chính là nguyên nhân cho sự nở rộ của những coworking space như WeWork hay The Wing hiện nay. Ngay cả ở Thung lũng Silicon, nơi công nghệ phát triển hàng đầu và chẳng gì ngăn cản con người làm việc từ xa, rất nhiều công ty vẫn yêu cầu khá nghiêm ngặt về việc nhân viên phải tới văn phòng.
Steve Jobs là một người phản đối làm việc ở nhà. Ông tin rằng nhân viên của Apple hoàn thành tốt nhất công việc của mình khi đến công ty, gặp gỡ mọi người, chứ không phải ngồi nhà với cái hộp email.
"Sự sáng tạo đến từ những cuộc gặp gỡ tình cờ, những lần nói chuyện vu vơ" Jobs nói "Anh ra đường, vô tình gặp một người quen cũ, hỏi thăm tình hình của họ, và thế là bao nhiêu ý tưởng có thể cứ thế nảy ra trong đầu".
Tất nhiên là làm việc theo cách truyền thống có nhiều bất cập. Giao tiếp nơi công sở có thể khiến người ta phát ngán, cách sắp xếp văn phòng theo dãy bàn thiếu sáng tạo khiến người ta mất đi sự riêng tư, và lúc nào cũng bị làm phiền.
Nhưng ở gần người khác giúp chúng ta trở nên con người nhất, giúp sự cảm thông và hợp tác phát triển. Đây là những kĩ năng không tự nhiên mà có. Chúng được sản sinh trong quá trình tiếp xúc và làm việc giữa những người đồng nghiệp, mà cứ ở nhà thì không thể có được.
Laszlo Bock, cựu nhân viên nhân sự của Google, và giờ đang là giám đốc điều hành start-up Humu về nhân sự ở thung lũng Silicone cho rằng sự cân bằng giữa làm việc tại văn phòng và làm việc tại gia là lý tưởng cho phần lớn mọi người.
Công ty của anh đã tiến hành một số nghiên cứu để thấy rằng, khoảng 1 ngày rưỡi làm việc tại nhà mỗi tuần là hợp lý nhất, vừa đủ để tham gia vào các hoạt động tại công ty mà vẫn có thời gian làm việc tập trung một mình.
"Hầu hết công ty công nghệ bây giờ đều có khu bếp với lò vi sóng và đồ ăn vặt. Không phải vì họ lo nhân viên sẽ đói đâu, mà vì họ tin rằng đó là nơi nhân viên có thể giao tiếp, và biết đâu nảy ra ý tưởng gì đó hay ho cho công việc"
Automattic, công ty hoàn toàn làm việc từ xa của Mullenweg, hàng năm sẽ có một tuần gọi là "Grand Meet-up" (Buổi gặp gỡ lớn) để nhân viên có thể tập trung tại một chỗ, cùng làm việc nhóm và trao đổi những ý tưởng với nhau. Tại GitLab, một nền tảng hợp tác mở, những nhân viên làm việc từ xa được khuyến khích thực hiện những buổi "đi cafe ảo" – hoàn toàn là qua mạng – để làm quen với những đồng nghiệp họ không biết rõ.
"Mỗi chúng ta đều khác nhau, cái hợp với người này chưa chắc đã hợp với người kia"- Julia Austin, cựu nhân viên công nghệ và giáo sư tại Đại học Kinh tế Harvard nói "Có những người vẫn vui vẻ, và làm việc hiệu quả tại nhà nếu có thể trao đổi với đồng nghiệp qua mạng. Có những người thì dù thế nào cũng không thể làm việc một mình được".
Trong thời đại hiện nay, tôi lẽ ra nên cổ vũ nhiệt tình cho phong cách làm việc tại nhà, đúng là một cuộc cách mạng. Tuy vậy, tôi nhận ra mình khó có thể làm việc hết công suất khi ở nhà, mặc đồ ngủ và cố hết sức mà không thể tập trung vào cuộc họp qua video kia khi mà tủ lạnh ở ngay cạnh.
Chủ đề liên quan:
bắt đầu cảm thấy bộ đồ ngủ chuyện phiếm công ty công nghệ công ty sở hữu đánh giá đồ ăn vặt giá cao làm việc năng suất làm việc người khuyết tật nhân viên nhà hàng nước rửa tay ở nhà online quá mức thời gian làm việc trí tuệ nhân tạo vắt kiệt sức