Nếu ai từng đi qua cầu Sâng (phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá), sẽ không khỏi giật mình khi chứng kiến cảnh giữa những ngôi nhà kiên cố là một xóm chài nghèo với 24 con thuyền nằm trên lòng sông Hạc.
Bước qua cây cầu nhỏ gập ghềnh được ghép từ 2 thân tre, phóng viên Zing.vn đến nhà ông Nguyễn Ngọc Chinh (61 tuổi), người chứng kiến sự ra đời của xóm chài còn nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Tay thoăn thoắt nhặt những cọng rau, ông vui vẻ kể năm 1974, sau khi đi bộ đội tình nguyện sang Lào về, ông cưới bà Nguyễn Thị Phúc rồi đi làm nghề chở và khai thác cát. Những người chở cát dần tập hợp lại với nhau thành xóm trên sông. Sau này, không được khai thác cát nữa, tất cả chuyển sang đánh cá. Làm ăn, sinh con đẻ cái trên sông, xóm chài ngày càng đông đúc.
Trước đây, xóm chài ở một khúc sông khác. Nhưng đó lại là nơi những con nghiện thường xuyên tụ tập. Nửa đêm, chúng xuống thuyền làm loạn, bắt người dân chở qua sông. Nếu không làm theo, chúng liền lấy gạch đá ném xuống. Bơm kim tiêm những tên này cũng vứt bừa bãi.
Vì thế, năm 2008, cả xóm cùng nhau dong thuyền đến cầu Sâng, phường Đông Thọ.
Con thuyền, thường là vật giá trị nhất với người dân cũng chỉ đáng 5-6 triệu đồng. Chúng được làm bằng bê tông, cốt sắt, lợp mái tôn.
Ngồi trước mũi thuyền hóng những cơn gió thổi qua, bà Phúc thủng thẳng chia sẻ: Mỗi con thuyền chỉ rộng khoảng 6-7m2 nhưng là chỗ ở của 4-5 người. Ra đường, người ta dễ dàng nhận ra dân ở xóm chài do thuyền chỉ cao chưa tới 1,5 m; đi khom lưng mãi cũng thành quen.
Thuyền chỉ có vách hai bên nên chỉ che nắng chứ không che được mưa. Những ngày mưa to gió lớn, nước hắt vào, người nằm trong mà cả đêm không ngủ được, có lúc còn phải tát nước cho khỏi chìm.
Chìm 3 thuyền thì 2 thuyền gần bờ nên người dân kéo vào được. Riêng chiếc này ở giữa dòng sông, chi phí kéo thuyền còn cao hơn mua thuyền mới nên bị bỏ lại. |
Trong mùa mưa lũ năm 2017, khi nước dâng cao, 3 con thuyền ở xóm chài Cầu Sâng bị chìm. Khi nước rút, 2 con thuyền khác bị xê dịch đến chỗ lòng sông gồ ghề, không chịu được áp lực mà gãy làm đôi. Người trên thuyền chỉ còn cách nhảy xuống sông thoát nạn.
Cuộc sống của tất cả thành viên trong gia đình, có khi lên đến 5-6 người, phụ thuộc con thuyền, từ ăn, ngủ cho đến tắm giặt. Cả xóm chài chỉ có một nhà vệ sinh, xả thẳng chất thải xuống dòng sông Hạc.
Mấy năm gần đây, xóm chài cầu Sâng đã có điện nhờ kéo dây từ nhà một người dân trên bờ. Nhưng giá điện mua lại quá cao, 5.000 đồng một số, nên hầu như chỉ dùng để thắp sáng, bật quạt hay mở tivi vào buổi tối. Thỉnh thoảng bị đứt dây, cả xóm chài lại chìm trong bóng đêm.
Sống trên nước nhưng người dân xóm chài chỉ có toàn nước bẩn. Con sông Hạc trong leo lẻo trước đây nay đã ngập rác, túi nylon mỗi lúc một nhiều. Người dân vẫn phải dùng nước sông để rửa rau, rửa bát, tắm giặt. Nước sạch phải mua từ nhà dân trên bờ với giá 20.000 đồng một thùng phuy 220 lít. Do vậy, nước sạch chỉ dùng để ăn uống, tráng lại người hay rửa rau lần cuối.
Đa phần người dân xóm chài mù chữ hoặc chỉ học hết lớp 1, lớp 2 nên gần như không có sự lựa chọn về nghề nghiệp. Cả xóm chỉ quẩn quanh 3 nghề đánh cá, bán cá và phụ hồ.
Anh Hưng, người dân xóm chài, cho biết mùa đông đi làm phụ hồ, hai vợ chồng mỗi người kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Nhưng mùa hè nắng quá, không làm được, anh chị đi đánh cá. Mỗi ngày oằn mình lao động từ 5h đến 10h, 13h đến 16h, cả nhà cũng chỉ được 5-6 kg cá, bán được từ 100.000-200.000 đồng.
Trước đây, cá nhiều nhưng giá quá rẻ, giờ đắt hơn đôi chút thì không có để bắt. Mỗi kg cá nhỏ giá 10.000 đồng, cua 50.000 đồng, lươn 60.000 đồng. Nhưng cua cá đâu không thấy, dọc khúc sông Hạc hơn 5 km chỉ toàn là cá lau kính.
Mỗi mét nước có đến vài con cá, chúng bơi lội tung tăng, ăn hết thức ăn và cá con của các loài khác. Đi dọc sông, chốc chốc lại có đàn cá lau kính con. Nhưng khốn nỗi, người dân ở đây không ai ăn cá lau kính nên có bắt được thì họ cũng thả xuống hay vứt đi chứ không bán được đồng nào cả”, anh Hưng than thở.
Cả xóm, ai cũng đánh cá bằng kích điện. Anh Hưng bảo dùng kích điện mà một ngày mới chỉ được hơn 100.000 đồng, dùng lưới thì năng suất thấp, ch*t đói.
Chị Nguyễn Thị Lan (49 tuổi) từng gắn bó với nghiệp này nhưng cua cá vơi dần. Chị chuyển sang mua cá của các hộ khác và của các ao nuôi. Vốn nhỏ, mỗi ngày, chị chỉ bán khoảng 15 kg cá và 5 kg ếch. Ngày nào bán hết, chị lãi được hơn 100.000 đồng, nếu ế thì chỉ còn cách ăn cá trừ bữa.
Những người đi phụ hồ thu nhập khá hơn nhưng thường chỉ có hợp đồng bằng miệng. Vì vậy, cứ vài ngày họ lại đòi tiền công một lần vì sợ để lâu, cai thầu chạy mất thì coi như công cốc.
Tuy nghèo khó, người dân xóm chài cầu Sâng lại đẻ rất nhiều. Ông Chinh, bà Phúc có đến 9 người con và nhiều cháu đến nỗi không đếm hết. Con cái của ông lớn lên cũng lấy vợ, sinh con, quần tụ ở khúc sông này. Không khí xóm chài lúc nào cũng gắn bó, thân thiết vì toàn người trong nhà. Tuy nhiên, cái nghèo, khổ cũng không thôi đeo đẳng.
Trong những người con của ông Chinh, anh Hồng (36 tuổi) là thiệt thòi nhất vì bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Lúc nhỏ, anh bị bệnh tim, sau chữa không khỏi rồi bị luôn bại liệt. Hiện hai chân anh teo tóp, không đi lại được, trong khi người đàn ông này là trụ cột kinh tế của gia đình. Chị Nga, vợ anh mới 28 tuổi mà trông già như 40, vì cuộc sống khổ cực và mang thai từ năm 17 tuổi.
Cu Hào, con anh Hồng nay đã 11 tuổi nhưng chỉ mới đang học lớp một ở lớp học tình thương và mới chỉ bắt đầu bập bõm quen mặt chữ. Hỏi có thích đi học không, Hào lắc đầu vì ở trường không được tắm sông, không được thoả sức chạy nhảy, chơi bi hay đá bóng.
Người phụ nữ 48 tuổi, một tay ôm đứa con út mới 9 tháng, một tay thoăn thoắt vo gạo, nấu cơm, kể: Nhà có đứa con gái lớn thì đã lấy chồng, sinh con rồi lên bờ ở. Đứa thứ hai đã 14 tuổi nhưng chỉ học đến lớp 3, đứa thứ ba 8 tuổi học lớp 2, còn hai đứa nhỏ thì chưa đi học. Cứ đứa nhỏ đến tuổi đi học thì đứa lớn sẽ nghỉ.
Anh Lợi, chị Minh là chủ nhân của con thuyền bé nhất xóm nhưng lại có đến 5 người con. Anh Lợi cho rằng đẻ nhiều để sau này về già còn nương tựa. Chị Minh thở dài vì có muốn kế hoạch cũng không biết làm sao.
- Sao chị không cho mấy đứa đi học để biết chữ rồi thoát nghèo?
- Nhà không có sổ hộ nghèo nên không được miễn học phí. Cuối năm, con nhà người ta được cô giáo tặng giấy khen, con nhà này chẳng có gì cả. Một tháng đôi lần đoàn từ thiện đến, người ta cũng chỉ tặng quà cho hộ nghèo, mình không có. Nếu đi học, tiền đóng cho nhà trường, sách, vở, tiền ăn lấy đâu ra cho đủ?
Chị cũng không có mong muốn gì, chỉ mong cho con học đến lớp 2, biết chữ rồi ở nhà. Lớn thêm vài năm nữa, chúng có thể đi đánh cá, bán cá hay phụ hồ để đỡ đần cha mẹ. Con gái 16-17 thì cho lấy chồng, kiếm được anh nào có nhà cửa, cho lên bờ là thoát kiếp.
Anh Minh hiện một mình nuôi 6 miệng ăn, ngày đi phụ hồ, tối đánh cá đến 23h mới đi ngủ.
Cả xóm chỉ có 2 em học được đến lớp 6 nhưng cũng không biết sẽ học lên được đến mức nào. Đa số trẻ con xóm chài cầu Sâng không học hết tiểu học.
Những đứa trẻ thất học lớn lên với cuộc sống bấp bênh. tuấn và bảo là đôi bạn thân, 21 và 22 tuổi. cả hai cùng đi làm phụ hồ với mức lương 150.000-180.000 đồng một ngày. bảo cũng có facebook cá nhân với 2.700 bạn nhưng không biết chữ nên thanh niên này không biết viết gì. mỗi lần đăng ảnh tự sướng, bảo chỉ gõ những dòng vô nghĩa như kkk, hhh… vì thế, ảnh cậu đăng lên không mấy khi có đến 10 like.
Ở tuổi 22, Bảo quen một cô bạn gái nhưng vài tháng rồi chưa dám dẫn về nhà. Cậu sợ bị bạn gái thấy cảnh ở thuyền mà bỏ đi.
Không biết chữ nên mỗi lần nói chuyện với bạn gái cậu chỉ biết gọi video. Nếu bạn gái nhắn gì, Bảo lại phải chạy sang nhờ Tuấn đọc rồi trả lời giúp.
Bất tiện là vậy nhưng khi được hỏi có muốn đi học không ? Bảo cũng lắc đầu: Lớn thế này rồi, chẳng lẽ lại đi học với bọn trẻ con!
Hỏi từ đầu đến cuối xóm, ai cũng nói mong muốn lớn nhất là được cấp đất lên bờ.
Từ năm 2011 đến năm 2013, phường Đông Thọ đã lập danh sách để thành phố cấp đất cho 36 hộ. Vì thế, những hộ còn lại càng mong chờ hơn một ngày được thoát khỏi tình trạng ra chui, vào rúc.
Anh Hưng mong được lên bờ để bỏ nghề đánh cá. Anh sẽ chuyển hẳn sang làm phụ hồ hay kiếm việc khác. Đêm anh không còn lo mưa gió lật thuyền. Con trai anh cũng sẽ được học đến nơi đến chốn.
Anh Lợi, ông bố của 5 người con, mong được lên bờ để có nơi ở rộng rãi hơn. Bảo chỉ mong được lên bờ để một ngày dẫn bạn gái về ra mắt.
Cụ Thư (90 tuổi) đã gần đất xa trời chỉ mong được lên bờ để nếu có nhắm mắt xuôi tay thì cũng có chỗ cho người nhà đến viếng. Nhưng, ngày được cấp đất lên bờ với họ vẫn còn là một điều gì đó quá xa vời. Còn nếu tự mua đất, tất cả đều lắc đầu vì không mơ sẽ làm được điều đó. Ngược lại, cũng có những người được cấp đất rồi lại xuống ở trên thuyền.
Ông chinh, bà phúc đã được cấp đất, làm nhà ở phường đông hải. nhưng tuổi cao, sức yếu, ông bà phải sống dựa vào các con. nhưng các con thì vẫn ở xóm chài, chỉ mình ông bà được có đất. ốm đau liên tục không có người trông nom, ông bà lại dọn xuống thuyền, ở giữa lòng con cháu.
Chị Lan bán cá, có hộ khẩu ở nơi khác cũng từng được chính quyền tạo điều kiện để cấp đất nhưng chị không nhận do đã quen ở cầu Sâng. Nếu đi về quê thì không biết phải làm gì nên chị ở lại đi bán cá và mong một ngày được cấp đất như những người Đông Thọ gốc.
Anh Vũ Xuân Lộc ở Thọ Xuân (Thanh Hoá) ở một xóm chài khác rồi được cấp đất lên bờ. Nhưng cuộc sống nơi đây khá khó khăn. Mỗi ngày anh đi làm chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng, còn vợ thì đồng áng, chăm sóc các con.
Vài tháng trước, con trai lớn của anh bị T*i n*n, chấn thương sọ não. Anh vay khắp họ hàng được gần 100 triệu đồng đưa con ra chữa trị ở Viện Nhi Trung ương. Chữa khỏi bệnh cho con thì anh cũng nợ nần chồng chất. Hai vợ chồng dắt díu nhau xuống thành phố làm phụ hồ.
“Anh đi thuê nhà thì chỗ nào cũng phải 2-3 triệu đồng một tháng, trong khi 2 vợ chồng làm cả ngày cũng chỉ được 400.000 đồng. Ở trọ thì biết bao giờ mới trả được nợ.
Số tiền vay mượn còn hơn 4 triệu, anh đem hết đi đóng tạm cái thuyền. Chật một tý, nóng một tý nhưng ngày xưa ở thuyền được thì nay cũng ở thuyền được. Tiền làm thuê còn dành dụm trả anh em, họ hàng.”
Vậy là cả nhà 4 người quay lại sống trên một cái thuyền chưa đến 4m vuông. Căn nhà anh đã cất công xây dựng nay lại bỏ không!
Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch UBND phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá cho biết: Sau đợt cấp đất lên bờ năm 2013, hiện chỉ còn khoảng 7 hộ dân ở xóm chài. Các hộ dân có hộ khẩu tại phường Đông Thọ nhưng xóm chài cầu Sâng lại nằm ở địa bàn ở phường khác. Tuy vậy, phường Đông Thọ vẫn quan tâm, hỗ trợ và phối hợp cùng với phường bạn để giải quyết các vấn đề phát sinh.
NguồnZing News
Link bàigốc
https://zingnews.vn/xom-that-hoc-giua-long-pho-thi-post849334.html