Cụm dân cư số 8 (xã Đắk R’măng) nằm sâu trong những quả đồi bạc màu. Con đường độc đạo dẫn từ trung tâm xã Đắk Som vào cụm dân cư này nhão nhoẹt và lầy lội.
Ngày 24/9, Công trình "Phòng học Khuyến học và Dân trí", điểm trường Tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư “8 không” chính thức khởi công. Cuộc sống ở cụm dân cư không điện, không đường, không trường, không trạm, không hộ khẩu, không khai sinh, không nước sạch, không sóng điện thoại hy vọng sẽ đổi thay khi công trình này đi vào sử dụng.
Đây là công trình "Phòng học Khuyến học và Dân trí" đầu tiên do Báo điện tử Dân trí cùng nhà tài trợ TC MOTOR và Tập đoàn Huynhdai phối hợp xây dựng tại Tây Nguyên, với hy vọng giúp hàng trăm đứa trẻ tại các cụm dân cư “8 không” được đi học, tiếp cận với kiến thức.
Công trình sau khi hoàn thành, không những đáp ứng được mong mỏi của hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại đây mà còn góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, sứ mệnh của Báo Dân trí.
Phương tiện duy nhất để di chuyển vào bên trong địa điểm khởi công xây dựng trường là máy cày. Nhiều đoạn đường bánh xe cày cũng ngập sâu trong sình lầy, mọi người trên xe buộc phải xuống lội bùn, đi bộ
Sau gần 2 tháng mưa dầm, con đường độc đạo này bị cày tung dưới bánh xe cày. Hàng đoàn người vùng vẫy một lúc mới có thể thoát ra được do đất bám chặt vào hai bánh xe máy
Tham dự lễ khởi công có ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí; Ông Trần Nam Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long; Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc TC MOTOR và Tập đoàn Huynhdai; đại diện Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện; Thầy giáo, cô giáo và học sinh tại hai xã Đắk R’măng và Đắk Som (huyện Đắk G’Long)
Để vào được đến điểm trường tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), chúng tôi trải qua hơn 10km đường lầy lội, bùn đất ngập ngang gối, tất cả chúng tôi phải "cưỡi" trên máy cày mới có thể vượt qua đoạn đường như vậy.
Đứng trên mảnh đất đỏ bazan rộng 1,3ha do bà con nhân dân địa phương hiến tặng, ông Phạm Tuấn Anh, Phó TBT báo điện tử Dân trí xúc động nói, điều tôi cảm nhận buổi Lễ khởi công ngày hôm nay đó là tinh thần hiếu học ở người dân, tất cả đều khát khao cho con em mình đến trường học dẫu cho bao khó khăn, vất vả vì tương lai con em mình, đúng như câu nói “đến trường xa để tương lai gần”.
Điểm trường được khởi công xây dựng tại cụm dân cơ số 8, cách trung tâm xã Đắk R’Măng hơn 30km. Hàng ngày, những đứa trẻ từ các cụm dân cư 8,9,10,12 phải sang học nhờ tại Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som, cách đó khoảng 12-20km. Nhiều chỗ phải lội suối hoặc đi trên những cây cầu hư hỏng, sắp sập
Thầy Hoàng Ngọc Yêm (áo xanh), Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính tâm sự, bản thân thầy có 18 năm công tác tại đây. Việc xây dựng một điểm trường tại cụm dân cư số 8, không những người dân các cụm vui mừng mà các thầy cô cũng rất cảm động, sung sướng: “Từ giờ chúng tôi không phải vào bản để gọi học trò đến trường nữa, các em sẽ có một ngôi trường nằm ngay tại nơi các em sinh sống”
Sau hơn 2 tiếng di chuyển, đoàn công tác mới tới được địa điểm khởi công xây trường. Trước đó, người dân tại 4 cụm dân cư đã tự nguyện góp tiền, mua lại một mảnh đất rộng hơn 1,3ha và hiến tặng toàn bộ cho địa phương để xây trường
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó TBT báo điện tử Dân trí chia sẻ: “Khi đang đứng đây, lúc vừa trải qua quãng đường hơn 10km lầy lội bằng xe máy cày, tôi có thể nói rằng chưa thấy ở đâu đường vào điểm thi công trường học khó khăn như ở đây. Đây là công trình phòng học Dân trí thứ 29 mà Báo Dân trí cùng các mạnh thường quân xây dựng trên cả nước và là lần đầu tiên Dân trí hợp tác với nhà tài trợ TC MOTOR và Tập đoàn Huynhdai để xây dựng phòng học”.
Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông do các em học sinh đang sinh sống tại các cụm dân cư biểu diễn, mở đầu cho lễ khởi công.
“Một điều khiến cho tôi và mọi người có mặt ở đây cực kỳ xúc động, đó là công trình được xây trên 1,3ha đất do bà con hiến tặng. Điều đó cho thấy tinh thần hiếu học ở nơi người dân khát khao cho con em mình đến trường học dẫu cho bao khó khăn, vất vả vì tương lai con em mình, đúng như câu nói “đến trường xa để tương lai gần””, ông Phạm Tuấn Anh, Phó TBT báo điện tử Dân trí xúc động.
“Đây là công trình phòng học thứ 6 trong dự án Ngôi trường mơ ước của TC MOTOR. Chúng tôi hy vọng, công trình điểm trường La Văn Cầu sẽ góp một phần nhỏ để hiện thực hóa những ước mơ của trẻ em khó khăn, trẻ em là người dân tộc thiểu số tại xã Đắk R’Măng này, giúp các em thoát nghèo, mở ra một tương lai tươi sáng”, Ông Lê Trọng Thanh, Phó tổng Giám đốc TC MOTOR và Tập đoàn Huynhdai chia sẻ tại buổi lễ khởi công.
Ông Trần Nam Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết: “Toàn huyện vẫn còn gần 50% hộ nghèo. Sự giúp đỡ của Báo Dân trí và TC MOTOR và Tập đoàn Huynhdai khi xây dựng phòng học tại cụm dân cư này đã chia sẻ một phần khó khăn với huyện. Tôi tin rằng, phụ huynh và học sinh, chính quyền các cấp sẽ rất vui mừng khi công trình này đi vào hoạt động”
Các đại biểu xúc cát động thổ, khởi công xây dựng công trình "Phòng học Khuyến học và Dân trí" thứ 29. Đây cũng là công trình phòng học Dân trí đầu tiên tại Tây Nguyên. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến là 1,5 tỷ đồng, bao gồm 5 phòng học và phòng công vụ cho giáo viên.
Tiễn đoàn công tác ra về sau lễ khởi công, nhiều người dân địa phương xúc động gửi lời cảm ơn và hy vọng điểm trường sẽ sớm đi vào hoạt động, giúp trẻ em tại khu dân cư sớm được đi học.
Như Dân trí đã phản ánh, người dân tại 4 cụm dân cư 8, 9, 10, 12 (thôn 7, xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) vẫn sống trong cảnh “8 không”. Gần 20 năm sinh sống tại đây, người dân ở các cụm dân cư này đã quá quen với cái khổ, họ tự trồng rau để ăn, lấy nước suối để uống, có bệnh thì tự chữa.
Gần 1.000 đứa trẻ được sinh ra ở đây, có đứa được đi học, có đứa chưa một lần được đến trường và phần lớn vẫn chưa được khai sinh. Bắt đầu năm học mới, trẻ em trong vùng vẫn phải đi học lúc 4 rưỡi sáng và trở về nhà sau 19h tối. Đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa khiến cho hàng trăm đứa trẻ ở các cụm dân cư này bỏ học, thất học và mù chữ.
Chủ đề liên quan:
8 không cư dân đắk nông Đắk RMăng dành tặng di dân tự do đồng bào Mông mù chữ Thất học trẻ em trường xây trường