Bạn nên biết hôm nay

Xử trí khi trẻ bị ống hút chọc chảy máu họng

Trẻ bị ống hút cứng, đũa chọc rách họng thường chảy máu nhiều, phụ huynh bình tĩnh trấn an trẻ, dùng gòn hoặc gạc làm sạch vùng miệng một cách nhanh nhất.

"Sau đó, người sơ cứu xác định vùng nào đang chảy máu trong miệng rồi cho trẻ cắn gạc ấn vào nhằm giảm lượng máu chảy ra từ vết thương", bác sĩ Hồ Vân Phụng (Phó Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) khuyến cáo.

Xử trí ban đầu xong, phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến khám tại bệnh viện hoặc trung tâm cấp cứu gần nhất để bác sĩ khâu vết thương cho trẻ. "Vết thương vùng khẩu cái nằm sâu trong khoang miệng, chảy máu nhiều, rất khó quan sát và xử trí", bác sĩ Phụng nhận định.

Theo bác sĩ Phụng, gần đây khoa liên tục tiếp nhận những trường hợp rách khẩu cái ở trẻ em. T*i n*n thường xảy ra khi trẻ vừa chơi vừa ngậm những đồ dùng cứng như đũa, ống hút, bút, thanh kim loại hoặc que gỗ... gây ra vết thương ở nhiều vị trí như rách môi, má, lưỡi và thường gặp nhất là rách khẩu cái, nặng hơn có thể đâm thủng thành sau họng. Một số trẻ dùng ống hút trà sữa bằng nhựa cứng hay ống hút inox, vừa đi vừa uống không may bị vấp ngã, ống hút đâm vào họng làm rách niêm mạc khẩu cái.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ dùng ống hút bằng kim loại hoặc bằng nhựa cứng mà thay bằng ống hút giấy giúp an toàn hơn. Khi ăn uống, trẻ nên ngồi một chỗ, không đi lại, chạy nhảy đùa giỡn, tránh vấp ngã khi đang cầm một vật cứng.

Hạn chế cho trẻ cầm và chơi những đồ chơi cứng, dạng thanh que. Nếu trẻ chơi, cần nhắc nhở và giải thích để trẻ hiểu lý do. "Hiện do tình hình dịch bệnh Covid-19, đa số các trẻ ở nhà học online, có nhiều thời gian chơi đùa hơn nên T*i n*n này xảy ra với tần suất nhiều hơn", bác sĩ Phụng chia sẻ.

Lê Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/xu-tri-khi-tre-bi-ong-hut-choc-chay-mau-hong-4412106.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY