Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Y đức sáng ngời nơi đảo xa Bạch Long Vĩ

Có lẽ vì cách xa đất liền TP.Hải Phòng khoảng 140km, điều kiện thời tiết lại khắc nghiệt với mưa nắng, bão bùng thất thường nên rất ít người tìm đến đảo Bạch Long Vĩ, chỉ có các y bác sĩ là vẫn không quản ngại gian khó bám biển cùng ngư dân, nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đầu sóng ngọn gió... Với họ, đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Giữa cái nắng chói chang của tháng 7 rực trời hoa phượng đỏ, chúng tôi đến với đảo Bạch Long Vĩ – hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, cách đất liền Hải Phòng chừng 140km. Lần này ra đảo là một trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ khi chúng tôi là những hành khách đầu tiên của tàu Hoa Phượng Đỏ nối đảo xa yêu thương với đất liền. Con tàu mang tên loài hoa đặc trưng của đất cảng Hải Phòng có trọng tải 220 tấn, tầm hoạt động 750 hải lý, tàu có năng lực chở trên 200 người và 50 tấn hàng hóa… là phương tiện mới giúp rút ngắn thời gian từ đất liền ra đảo.

Tàu Hoa Phượng Đỏ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2020 không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa đảo Bạch Long Vĩ với đất liền mà còn thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển kinh tế huyện đảo Bạch Long Vĩ, thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn hàng hải và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

BS. Phạm Văn Hải – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế (TTYT) quân dân y Bạch Long Vĩ là người rất nhiệt tình và chu đáo, anh đã sát cánh với chúng tôi suốt hành trình ra đảo. Từ vài hôm trước, BS. Hải trở về văn phòng trong đất liền để làm công tác hậu cần, chuẩn bị cho đợt khám chữa bệnh nhân đạo của các y bác sĩ Viện Y học biển Việt Nam cho chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo Bạch Long Vĩ. Nhìn “lính mới” lần đầu tiên đi tàu ra đảo xa như tôi, BS. Hải mỉm cười đầy ẩn ý cảnh báo tôi về những cơn say sóng khiến không ít người vật vã. Càng ra khơi xa, sóng biển mỗi lúc một dữ dội hơn, dềnh lên lại lượn xuống khiến nhiều người bơ phờ với những cơn say sóng ập đến. May mắn thay, tôi vẫn “sống khỏe” trong suốt hành trình ra đảo, có lẽ một phần vì háo hức, phần vì nhờ vào… liều Thu*c chống say tàu xe mà cô bạn đồng nghiệp đã dúi vào tay tôi trước khi tàu xuất phát.

BS. Phạm Văn Hải - người thầy Thu*c đã hơn 10 năm gắn bó, chăm sóc sức khỏe cho bà con trên đảo Bạch Long Vĩ.

Sau gần 8 tiếng lênh đênh trên biển, chúng tôi đặt chân đến đảo Bạch Long Vĩ khi trời đã nhá nhem tối. Không có cơ hội chiêm ngưỡng hòn đảo ngay khi tàu cập cảng nhưng cũng đủ cảm nhận được hơi nóng, gió biển và sự mặn mòi của đại dương bao la. Vài người trong đoàn khá mệt mỏi bởi những cơn say sóng, nhưng khi tàu đến gần bờ ai nấy cũng đều lộ rõ sự hân hoan. BS. Hải – một người có kinh nghiệm đi đi về về thường xuyên trên biển nói với tôi rằng sóng hôm nay phải đến cấp 7, ngồi trên tàu cảm giác chòng chành như vậy nhưng so với trước đây khi chưa có tàu Hoa Phượng Đỏ, hành trình ra đảo nay đã dễ dàng hơn rất nhiều…

Ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 ra huyện đảo

Trong bối cảnh cả nước chống dịch COVID-19 hết sức khẩn trương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, ở huyện đảo Bạch Long Vĩ, công tác phòng chống dịch cũng khẩn trương, quyết liệt hơn bao giờ hết. Trước tình hình dịch bệnh hoành hành, TTYT Quân dân y Bạch Long Vĩ đã tham mưu cho UBND huyện Bạch Long Vĩ ban hành các quyết định, văn bản và tiến hành các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh ra đảo; hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc, lây nhiễm và Tu vong.

BS. Hải cho biết, cán bộ y tế của TTYT đã tham gia công tác kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ ngoài vào tại các chốt kiểm soát, tổ kiểm tra liên ngành và tổ kiểm soát tại các khu dân cư. Tại chốt kiểm soát đã thực hiện kiểm tra thân nhiệt hơn 1.800 lượt người; khai báo y tế hơn 1.100 người và 90 lượt tàu ra vào đảo. Tổ kiểm soát tại các khu dân cư đã kiểm tra thân nhiệt hơn 4.400 lượt người; thực hiện khai báo y tế 525 người; lập hồ sơ quản lý người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính, người cao tuổi 34 người.

Hoạt động điều tra dịch tễ, giám sát, cách ly y tế gấp rút được triển khai. TTYT cũng nhanh chóng phát hiện và cách ly 2 người trên địa bàn huyện đảo, họ đều là người Việt Nam đi lao động từ nước ngoài về. Ngoài ra có 5 người được theo dõi cách ly tại nhà do đến từ các tỉnh/thành phố có người mắc COVID-19.

Khuyến cáo phòng bệnh COVID-19 tại TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ.

Xác định công tác chống dịch không thể chủ quan, lơ là bởi lẽ chỉ cần một người mắc COVID-19 thì rất có thể sẽ phải cách ly diện rộng, thậm chí toàn bộ người dân sinh sống nơi đây. Chính vì thế, tại các khu dân cư luôn được các Tổ kiểm soát nắm bắt tình hình di biến động nhân khẩu, kiểm soát chặt chẽ người từ các tỉnh/thành phố khác đến tại khu dân cư, hàng ngày kiểm tra thân nhiệt và tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng. Các chốt kiểm soát thực hiện nghiêm túc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế tất cả người ra vào đảo. Taị TTYT, tất cả các trường hợp đến khám bệnh đều phải khai báo y tế, phân luồng khu vực khám bệnh truyền nhiễm riêng biệt. Hàng tuần thực hiện phun Thu*c khử khuẩn tại các khu dân cư, các khu vực họp chợ, bến cảng, tàu vận tải hành khách, tàu vận tải hàng hoá ra đảo.

Bên cạnh đó, thực hiện thu dung các trường hợp cách ly y tế tập trung tại đơn vị, đảm bảo tốt công tác thường trực cấp cứu, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Triển khai thường xuyên vệ sinh, chống nhiễm khuẩn và thu gom xử lý rác thải đảm bảo an toàn, chống lây chéo tại đơn vị… Cho đến nay, TTYT chưa phát hiện ca bệnh COVID-19 nào và luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều trị cho bà con ngư dân

Bạch Long Vĩ là hòn đảo vẫn giữ được nét hoang sơ, cuộc sống trên đảo bình yên, con người từ tốn, hiền hậu. Có lẽ vì cách xa đất liền đến hơn 100 cây số mà ít người tìm đến đảo, chỉ có các y bác sĩ là vẫn không quản ngại gian khó đến với bà con ngư dân. Với 20 biên chế tại TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ, đặc biệt thường xuyên có bác sĩ tăng cường từ tuyến trên theo Đề án 1816 và kíp tăng cường của Quân khu 3, tất cả đã đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo, vượt qua khó khăn cả về vật chất, tinh thần để hoàn thành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho quân dân huyện đảo và ngư dân trên biển.

Theo BS. Hải, trong những năm qua, TTYT luôn đảm bảo tốt công tác thường trực cấp cứu 24/24h, không ngừng đổi mới trong công tác khám chữa bệnh, cải tiến quy trình khám bệnh, ban hành nhiều quy trình kỹ thuật và quy trình cấp cứu tại Trung tâm. Sau 4 năm thành lập trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo và BVĐK huyện Bạch Long Vĩ, đến nay TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ đã khám và điều trị cho 45.000 lượt bệnh nhân; trong đó khám 22.445 lượt bệnh nhân, điều trị ngoại trú 20.295 lượt, điều trị nội trú 2.150 lượt và mổ cấp cứu được 41 ca.

Các bác sĩ thăm khám cho quân dân ở đảo Bạch Long Vĩ.

Với sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế TP Hải Phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, UBND huyện Bạch Long Vĩ, TTYT đã được tạo mọi điều kiện để thực hiện các nội dung theo Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ. Trung tâm cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, trang thiết bị từ các bệnh viện tuyến trên và các tổ chức nhân đạo ra thăm, khám chữa bệnh, cấp phát Thu*c miễn phí.

Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ cán bộ trong đất liền ra công tác tại đảo từ BV Hữu nghị Việt Tiệp, BV Kiến An, BV Phụ sản Hải Phòng. Nhiều kỹ thuật đã được triển khai như kỹ thuật gây tê tủy sống, tháo lồng bằng hơi cho trẻ em bị lồng ruột, triển khai thành công hệ thống Telemedicine kết hợp giữa TTYT quân dân Bạch Long Vĩ với Viện Y học biển và BV Hữu nghị Việt Tiệp. Đây là một bước tiến mới trong công tác nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho y tế biển đảo, để Trung tâm xử lý kịp thời các ca bệnh nặng và khó ngay tại huyện đảo. Điển hình như các ca chửa ngoài tử cung vỡ, thủng dạ dày, vết thương thấu gan, viêm ruột thừa cấp, ngộ độc bạch tuộc đốm xanh, vết thương đứt rời cẳng chân, vết thương đứt rời ¾ cánh tay… Riêng trong năm 2019, Trung tâm đã khám cho gần 5.200 lượt bệnh nhân, trong đó có 422 lượt người bệnh nội trú, mổ cấp cứu 6 ca.

Bạch Long Vĩ là huyện đảo đầu tiên của TP. Hải Phòng và trong cả nước thành lập Ngân hàng máu sống ngay tại đảo, có khoảng 20 tình nguyện viên có nhóm máu O và hơn 40 tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu cứu người. Hiện đã huy động được 12 lần hiến, truyền máu, với tổng số lượng máu là 19 đơn vị (350ml/ đơn vị), kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân bị nguy kịch do mất máu cấp.

Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ thể ngập máu ổ bụng, tiên lượng Tu vong cao. Trung tâm đã hội chẩn qua hệ thống Telemedicine, huy động ngân hàng máu sống (05 đơn vị) và đã mổ cấp cứu thành công; cùng ngày, trong đêm đơn vị tiếp tục mổ cấp cứu cho chiến sĩ Cảnh sát biển bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 24 an toàn… Đặc biệt trong tháng 05/2018, Trung tâm cấp cứu 06 ca, trong đó có 05 ca mổ là: thoát vị bẹn nghẹt, vết thương đứt rời cẳng tay, viêm ruột thừa cấp, chửa ngoài tử cung vỡ thể ngập máu ổ bụng, đa vết thương do cá mập cắn; có trường hợp sốc do đau, do mất máu, đơn vị đã tiến hành huy động ngân hàng máu sống, trực tiếp 3 cán bộ y tế của Trung tâm cho máu ngay trong đêm. Tất cả bệnh nhân đều được phẫu thuật kịp thời, điều trị an toàn ra viện...

Chương trình khám bệnh miễn phí, đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho người dân trên đảo Bạch Long Vĩ của Viện Y học biển Việt Nam tháng 7/2020.

Biến khó khăn thành cơ hội

Chia sẻ với chúng tôi, BS. Hải cho biết thời tiết trên đảo quá khắc nghiệt, đã gần 7 tháng nay đảo Bạch Long Vĩ chưa đón được một cơn mưa nào. Nắng nóng, gió biển, đất đai khô cằn, con người thiếu nước ngọt sinh hoạt, phương tiện đi lại còn hạn chế… Cùng với đó là khó khăn về công tác tổ chức, công tác chuyên môn, thiếu nhân lực, thiếu Thu*c, hóa chất, trang thiết bị y tế chưa đồng bộ trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh của địa phương ngày càng phức tạp, mô hình bệnh tật đa dạng, cơ cấu dân cư phức tạp… Tất cả những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân huyện đảo.

Hiện tại mô hình y tế biển đảo vẫn áp dụng mô hình y tế trong đất liền, trong khi mô hình bệnh tật vùng biển đảo có nhiều đặc thù, bệnh nghề nghiệp gây khó khăn phức tạp cho công tác cấp cứu cứu và điều trị bệnh nhân. Là đơn vị không có nguồn thu (khám chữa bệnh miễn phí hoàn toàn), sử dụng 100% nguồn ngân sách nên việc hoạt động, mua sắm và sửa chữa là vô cùng khó khăn…

Từ TP. Hải Phòng đi đảo Bạch Long Vĩ phải mất trung bình từ 8-10 tiếng với điều kiện thời tiết thuận lợi; một tháng trung bình có 2-3 chuyến tàu ra đảo.

Theo thống kê, dân số trên đảo biến động từ 2.000-3.000 người, bao gồm cả ngư dân thường trú và tạm trú. Ngoài ra, trên Vịnh Bắc Bộ có hàng nghìn tàu cá tương ứng với 3.000–5.000 ngư dân của các tỉnh ven biển cả nước đang tham gia khai thác thủy hải sản trên ngư trường quanh đảo; số lượng ngư dân tạm trú đột ngột tăng cao khi có bão, gió mùa nên nhu cầu chăm sóc y tế là rất lớn. Việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên đảo và ngư dân trên biển là nhiệm vụ cấp bách giúp thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Vượt qua những khó khăn trước mắt, TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ đã đảm bảo công tác y tế dự phòng, vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị, khám chữa bệnh; vừa có quy mô tổ chức hoạt động thời bình vừa có dự phòng thời chiến. TTYT cũng đã thành lập Đội cấp cứu cơ động cũng như chuẩn bị đầy đủ cơ số Thu*c, phương tiện y tế để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển. Đảm bảo tốt công tác vận chuyển cấp cứu bệnh nhân nặng trên biển và trên không khi vượt quá khả năng điều trị của tuyến đảo về đất liền an toàn, kịp thời.

Ngoài ra, sự hỗ trợ thường xuyên của đất liền đối với cơ sở y tế đảo xa đã tạo thuận lợi góp phần để TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ sớm trở thành TTYT cho toàn Vịnh Bắc Bộ, đảm bảo chiến lược tầm quốc gia. Hi vọng rằng tiếp theo đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho y tế biển đảo về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và mô hình y tế cũng sẽ được Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của quân và dân trên biển.

Kết hợp quân dân y (KHQDY) là nét đặc thù của Y tế Việt Nam được hình thành ngay từ những ngày đầu thành lập Nước. KHQDY phát huy được những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu của mỗi bên (quân y, dân y), gắn kết, huy động được sự tham gia của các lực lượng, các ban ngành đoàn thể, các địa phương và của Nhân dân từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp. Trong tình hình hiện nay kết hợp quân dân y vẫn giữ nguyên giá trị trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân và bộ đội, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Quân dân y Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: KHQDY là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, Nhân dân; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Kết hợp quân dân y không chỉ là truyền thống mà còn là quy luật phát triển nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển nền y tế nước nhà. Việc kết hợp quân dân y là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp, mà dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, khi quân đội đã đóng vai trò rất lớn trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh ở các vùng biên giới; quản lý hàng chục nghìn người cách ly, góp phần quan trọng cùng Chính phủ và ngành Y tế chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao thành tích mà các cán bộ, chiến sĩ quân y và dân y các thế hệ đã cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân và xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng....

Dương Hải - Thảo Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/y-duc-sang-ngoi-noi-dao-xa-bach-long-vi-n177585.html)

Tin liên quan

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY