Tâm sự hôm nay

1.001 chuyện về ly dị và ly thân

Phải nói ngay rằng tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc là những thứ “vừa gần lại vừa xa”, không ai dám chắc đã hiểu được cặn kẽ, kể cả khoa học thuần túy.

Ly hôn đứng trên bình diện pháp lý

Theo Bách khoa thư mở, Pháp luật Việt Nam quy định, ly hôn hay ly dị là chấm dứt quan hệ hôn nhân được tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai khi mà mục tiêu của hôn nhân không đạt được. Có ý kiến cho rằng, ly hôn là giải pháp để kết thúc sự đổ vỡ của tình yêu hoặc chấm dứt quan hệ gia đình khi không còn hạnh phúc.

Chế định ly hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật quy định về việc ly hôn cùng các vấn đề phát sinh đi kèm như nuôi, thăm con chung sau khi ly hôn, phân chia tài sản chung... Chế định này được cụ thể trong Chương X của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (gồm 14 điều) ngoài ra còn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 với các trình tự, thủ tục ly hôn, phân chia tài sản...

Pháp luật ly hôn trên toàn thế giới có những khác biệt đáng kể, như đòi hỏi phải có phán xử của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo một thủ tục nhất định. Thủ tục pháp lý cho việc ly dị cũng có thể liên quan đến các vấn đề hỗ trợ vợ chồng, nuôi con, hỗ trợ con cái, phân phối tài sản và phân chia các khoản nợ.


Ly hôn hay ly dị là chấm dứt quan hệ hôn nhân được tòa án công nhận

Cũng cần phân biệt giữa ly hôn và ly thân, theo bộ Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó một người hay cả hai không còn muốn sống chung với nhau. Trên pháp lý họ vẫn là vợ chồng cho tới khi được xử ly hôn, và không cần ra tòa để được sống ly thân.

Ly thân tạo cơ hội cho vợ hay chồng sống riêng biệt mà không phải cần ly dị. Ưu điểm của ly thân có thể hiểu là để thử chia tay, rồi nhờ tư vấn làm hòa, hay là giai đoạn chuyển tiếp trước khi ly hôn...

Ly thân có thể dẫn đến chuyện ly hôn và cũng có thể không bao giờ có ly hôn nếu hai bên biết nhường nhịn nhau, hàn gắn tình cảm gia đình và nghĩ đến tương lai con cái. Sự giống nhau duy nhất giữa ly thân và ly hôn là ly, nhưng ly kiểu gì cũng đáng buồn, chẳng ai muốn, khiến gia đình tan vỡ, con cái khổ sở, nỗi u uất những bậc bề trên..., song nhiều người vẫn đổ lỗi là do số phận.

Vụ ly hôn đình đám của tỷ phú Amazon Jeff Bezos

Theo tờ Bloomberg số ra đầu tháng 7/2019, một trong những vụ ly hôn đình đám, mang tính “nghệ thuật”, đặc biệt là chuyển nhượng tài sản lớn nhất hành tinh những năm đầu thế kỷ 21 là vụ ly hôn giữa tỷ phú Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie diễn ra ngay trong tháng 7/2019 sau 25 năm chung sống.

Tòa án quận King, Washington, hôm 5/7/2019 đã ký lệnh chính thức hóa việc ly hôn để tạo tiền đề cho việc chuyển nhượng khoảng 19,7 triệu cổ phiếu của Amazon.com Inc. sang cho bà MacKenzie. Đây là việc quyết định cuối cùng sau khi Jeff Bezos tuyên bố chia tay hồi tháng Giêng. Với quyết định nói trên bà MacKenzie Bezos (49 tuổi) nắm giữ 4% cổ phiếu của Amazone trị giá 38,3 tỷ USD, đủ để xếp thứ 22 Danh sách 500 người giàu nhất của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index). Chồng cũ của bà, Jeff Bezos, 55 tuổi, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty bán lẻ và dịch vụ web trực tuyến lớn nhất thế giới, giữ số cổ phần trị giá 114,8 tỷ USD, vẫn thuộc người giàu nhất hành tinh hiện nay.

Cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm của cặp đôi được báo chí ca ngợi hết lời nhưng giờ đây đã tan thành mây khói. Tuy nhiên, cách ứng xử của bà MacKenzie trong quá trình ly hôn khiến nhiều người thán phục. Người ta gọi đây là “ hướng dẫn mới về nghệ thuật ly hôn” để nhiều người học hỏi. Đặc biệt là khả năng giữ im lặng của bà MacKenzie dù cảm giác bị phản bội không hề dễ chịu chút nào. Bà MacKenzie là tiểu thuyết gia dày dặn kinh nghiệm nhưng lại không đưa ra bất cứ phát ngôn nào hay việc trả thù, chính điều này đã giúp bà vẫn giữ được đẳng cấp người phụ nữ giàu nhất thế giới sau ly hôn. Kể từ hồi đầu năm khi Jeff Bezos tuyên bố chia tay, phải tới 3 tháng sau bà MacKenzie mới đưa ra một thông báo trên Twitter, cho hay, bà hài lòng khi để Jeff Bezos sở hữu phần lớn cổ phiếu Amazon, bà chỉ nhận 25% cổ phiếu Amazon thuộc sở hữu chung của hai người, thậm chí cả cổ phần của bà trong Washington Post và công ty thám hiểm không gian Blue Origin vẫn thuộc về Jeff Bezos.


Cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm của vợ chồng tỷ phú Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie đã chính thức tan vỡ đầu tháng 7 vừa qua

Khác với nhiều người giàu có ở Mỹ và thế giới đã biến ly hôn trở thành một cuộc chiến giành tiền bạc, cách ứng xử của MacKenzie được cho là một nghệ thuật đích thực, mang tính nhân văn. Sau khi chia tay, trả lời phỏng vấn báo chí bà MacKenzie nói: “Tôi chọn cách im lặng là để bảo vệ bản thân và bốn đứa con. Tôi rất biết ơn quá khứ, và đang chờ đón những điều tốt lành trong tương lai”.Đặc biệt, bà không có bất cứ dòng trách cứ hay nói xấu chồng. Về phần Jeff Bezos, ông cũng là người được dư luận để ý, chính ông cũng từng hết lời khen ngợi vợ cũ và hy vọng cả hai vẫn duy trì được mối quan hệ với tư cách bạn bè và cha mẹ của bốn người con chung.

Khoa học và 4 dự báo “Tứ kỵ khải huyền” liên quan đến ly hôn

Tứ kỵ khải huyền (Four Horsemen of the Apocalypse) được miêu tả trong cuốn sách cuối cùng của Kinh Tân Ước, gọi là sách Khải Huyền của Jesus để lại cho thánh John Evangelist.Theo đó “bốn kỵ sĩ của ngày tận thế” thường được miêu tả là War (Chiến tranh), Fury (Cuồng nộ), Strife (Xung đột) và Death (ch*t chóc) với mục đích lặp lại trật tự.

Đây là những dự báo ly hôn với độ chính xác đáng sợ của tiến sĩ tâm lý học John Gottman, Đại học Washington, người sáng lập Viện Gottman.Những dự báo này được John Gottman gọi là “Bốn kỵ sĩ của ngày tận thế, nhưng lại được đặt tên là chỉ trích (criticism), khinh miệt (contempt), phòng thủ (defensiveness) và ném đá (stonewalling).

Theo tờ Business Insider (Anh) những dự báo trên được dựa trên nghiên cứu kéo dài 14 năm ở 79 cặp vợ chồng miền trung nước Mỹ, được Gottman cùng đồng nghiệp Robert Levenson của ĐH California-Berkeley tiến hành. Tuy không trường hợp nào giống trường hợp nào nhưng theo John Gottman về cơ bản những cuộc hôn nhân “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” đều có sự tham dự của 4 kỵ sĩ nói trên.

AI có thể phát hiện nguy cơ đổ vỡ của hôn nhân thông qua ngôn ngữ lời nói.

Một: Sự chỉ trích

Khi bạn chỉ trích người bạn đời, ngụ ý một cái gì đó vốn đã sai với vợ/chồng, vô tình bạn tấn công người ta để giành chiến thắng hoặc chứng minh người kia sai. Chẳng hạn, luôn nói tới những cụm từ như “luôn luôn”, “không bao giờ”... “là dạng người...” , “tại sao lại làm như vậy”... Những lời nói này làm cho người bạn đời cảm thấy bị xúc phạm, bị sỉ nhục, tấn công và khiến họ nảy sinh phản ứng phòng thủ.

Những chỉ trích trên cả hai không muốn tiếp nhận hoặc không muốn nghe và bắt đầu cảm thấy tồi tệ khi ở gần nhau. Điều quan trọng, những chỉ trích này nói về hành vi chứ không nói đến tính cách của đối phương. Chẳng hạn, nói khi A xảy ra, tôi cảm thấy B, tôi cần C...

Theo tạp chí Plos-One, các nhà khoa học ở ĐH Southern California, Mỹ, đã dùng AI (trí tuệ nhân tạo) nghiên cứu ở 134 cặp vợ chồng, phát hiện cách hai người nói chuyện, lời nói, ngữ điệu, âm thanh... có thể đoán được mối nguy cơ đổ vỡ trong hôn nhân của họ.

Hai: Khinh thường

Khinh thường là đáng sợ nhất trong số “bốn kỵ sĩ của ngày tận thế”. Nó liên quan đến bất kỳ tuyên bố hoặc hành vi, bằng lời nói hoặc phi lời nói, khẳng định sự vượt trội so với đối tác.

Những hành vi kiểu này vậy có thể là chế giễu đối tác, gọi tên, trợn mắt, thể hiện thái độ thù địch, đùa giỡn vô cảm, mỉa mai đau đớn, chế nhạo ghê tởm...

Khinh thường bạn đời có ý thức, nhằm hạ bệ hoặc lạm dụng tình cảm hoặc thao túng anh ta hoặc chị ta. Các cặp vợ chồng lấy đây để rút kinh nghiệm, để loại bỏ hoàn toàn các hành vi đó.

Nên nhớ, văn hóa tôn trọng, đánh giá cao, bao dung và tử tế là một trong những tiêu chí vô cùng cơ bản trong hôn nhân.

Ba: Phòng thủ

Khả năng phòng thủ phát sinh từ những cuộc tấn công của chính các đối tác trong hôn nhân nhận thức với khiếu nại phản biện của riêng bạn.Đây cũng là một cách hành động mang tính tình thế mà nạn nhân đưa ra áp dụng để nói lên sự không chịu trách nhiệm về những sai lầm bị cáo buộc.

Những hành vi như vậy được đưa ra như là lời bào chữa, hoặc phủ nhận lỗi lầm hoặc xem thường những gì đối tác cáo buộc.

Hành vi phòng thủ rất đa dạng như vâng dạ cho qua chuyện, đâu lại vào đấy, thậm chí còn lặp lại những gì thường làm để thách đấu đối phương bởi nó luôn luôn “nồng”.

Để cứu vãn cuộc hôn nhân cũng như hạnh phúc, mọi người nên “sống chậm” và cố gắng lắng nghe.Không cần phải hoàn hảo nhưng nên có ý thức giao tiếp cầu thị, nói năng trung thực và thấu hiểu thực sự.

Bốn: Ném đá

Ném đá (Stonewalling) là “kỵ sĩ thứ tư”, rút lui hoàn toàn khỏi giao tiếp (mối quan hệ cơ bản) như một chiến lược để tránh xung đột, nên được gọi là ném đá.Nó có thể hiểu rời xa, bỏ đi hoặc đóng cửa hoàn toàn.Đây có cách khi mọi phương án đều thất bại, bản thân bị choáng ngợp.Nói ngắn hơn, ném đá truyền tải sự mất kết nối, không chấp thuận, xa cách và kiêu ngạo.

Ném đá cũng khá đa dạng, có thể là im lặng, ca cẩm đơn điệu, thay đổi chủ đề, hoặc phá bĩnh.

Thu*c giải độc cho việc ném đá là học cách xác định các dấu hiệu cho thấy bạn hoặc đối tác đang bắt đầu cảm thấy quá tải về mặt cảm xúc. Nó là một ý tưởng tốt để diễn đạt rằng họ (hay bạn) đang bị choáng ngợp. Cả hai có thể chấp nhận “nghỉ giải lao” và tiếp tục khi đã bình tĩnh hơn.

BS. BÍCH KIM

(Theo Net/VMV/Bloomberg/SCU -7/2019)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/1001-chuyen-ve-ly-di-va-ly-than-n162037.html)

Chủ đề liên quan:

ly dị ly dị và ly thân

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY