Dinh dưỡng hôm nay

12 loại thực phẩm bạn không bao giờ nên giữ trong tủ lạnh

Hầu hết chúng ta đều không có gì lạ khi thấy những lon cà phê trong tủ lạnh, nhưng đây không phải là nơi tốt nhất để bảo quản cà phê.

Hầu hết mọi người đều có thói quen trữ tất cả thực phẩm vào trong tủ lạnh để bảo quản. Việc giữ một số loại thực phẩm ở trong tủ lạnh sẽ giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có một số loại thực phẩm khác sẽ tốt hơn ở nhiệt độ phòng.

Dưới đây là một số loại thực phẩm mà theo các chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm cho biết là không nên giữ trong tủ lạnh để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất.

1. Cà chua

Cà chua chín giàu vitamin C, kali và các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác và sẽ ngon hơn khi để ở nhiệt độ phòng, đặc biệt nếu bạn định ăn chúng vào ngày hôm sau.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khi trữ trong tủ lạnh, nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến kết cấu và hương vị của cà chua.

2. Khoai tây

Không bao giờ bảo quản khoai tây trong tủ lạnh. Theo Public Health England, một cơ quan điều hành của Bộ Y tế và chăm sóc xã hội ở Vương quốc Anh, việc làm lạnh sẽ biến tinh bột khoai tây thành đường nhanh hơn và khi nướng hoặc chiên, những loại đường này có thể tạo ra acrylamide hóa học gây ung thư.

Thay vào đó, bạn hãy cất trữ chúng ở nơi mát mẻ và trong bóng tối. Điều này sẽ ngăn chúng chuyển sang màu xanh lục.

3. Cà phê

Hầu hết chúng ta đều không có gì lạ khi thấy những lon cà phê trong tủ lạnh, nhưng đây không phải là nơi tốt nhất để bảo quản cà phê.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cà phê có nhiều khả năng bị lẫn các hương vị khác xung quanh nó hơn khi ở trong tủ lạnh. Do vậy, bạn nên giữ cà phê xay trong hộp kín và tránh ánh sáng mặt trời để tối đa hóa hương vị.

4. Chuối

Nếu bạn đã từng đặt một quả chuối trong tủ lạnh, bạn sẽ biết nó chuyển sang màu nâu sẫm, điều này sẽ cho biết rằng chúng không được để trong tủ lạnh. Chuối thường sẽ chín ở nhiệt độ phòng. Nhưng nhiệt độ thấp sẽ làm chậm quá trình này.

Bên cạnh đó, chuối thải ra một loại khí có thể làm chín trái cây khác, vì vậy hãy để chuối tránh xa các loại trái cây khác khi bảo quản.

5. Húng quế

Các loại thảo mộc như húng quế, hương thảo và cỏ xạ hương sẽ khô quá nhanh và mất hương vị nếu bạn giữ chúng trong tủ lạnh. Thay vào đó, bạn nên đặt các loại thảo mộc ở nơi tránh ánh sáng mặt trời trong một cốc nước nhỏ ở nhiệt độ phòng.

6. Bánh mỳ

Giữ bánh mì trong tủ lạnh sẽ giúp bảo vệ bánh mì khỏi nấm mốc trong thời gian dài hơn, nhưng điều này có thể gây hại cho hương vị của nó. Bánh mì để trong tủ lạnh sẽ bị khô và không ngon.


Theo Bộ nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), bánh mì có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 2-4 ngày, nhưng sẽ để được từ 7 đến 14 ngày trong tủ lạnh.

7. Quả dưa

Các loại dưa nguyên quả nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt, giữ nguyên quả dưa hấu ở nhiệt độ phòng thậm chí có thể tối đa hóa giá trị dinh dưỡng của chúng.

Theo nghiên cứu, khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng, dưa hấu có gấp đôi lượng chất chống oxy hóa beta carotene và nhiều hơn 20% lycopene, một nguồn chất chống oxy hóa khác.

Tuy nhiên, với miếng dưa đã cắt lại là một câu chuyện khác. Bảo quản dưa đã cắt ở nhiệt độ phòng có thể dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn vì chúng không còn lớp vỏ bảo vệ.

8. Hành

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trừ khi bị cắt hoặc bóc vỏ, hành nên được giữ ở nơi mát, khô, tối và thoáng khí. Thiếu hệ thống thông gió sẽ làm giảm tuổi thọ bảo quản của chúng. Ngược lại, hành đã bóc vỏ hoặc cắt sẵn nên được bảo quản lạnh để bảo vệ khỏi tình trạng thối rữa.

9. Tỏi

Tỏi cũng là loại thực phẩm nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, tỏi trong hỗn hợp dầu nên được bảo quản lạnh và sử dụng hoặc vứt bỏ trong vòng một tuần để tránh ngộ độc.

10. Cam quýt

Trái cây có múi không nhất thiết phải để trong tủ lạnh, nhưng nếu không muốn ăn chúng ngay, bạn có thể cho chúng vào tủ lạnh. Điều tương tự cũng đúng với toàn bộ trái cây nhiệt đới như xoài, kiwi và dứa. Hãy chắc chắn ăn chúng trong vòng hai đến ba ngày nếu bạn giữ chúng ở nhiệt độ phòng.

Sau khi cắt hoặc gọt vỏ, sản phẩm tươi sống nên được bảo quản lạnh trong hộp có nắp đậy hoặc đông lạnh trong hộp nhựa của tủ đá trong vòng hai giờ để giữ an toàn khỏi vi khuẩn.

11. Mật ong

Bảo quản mật ong trong một hộp kín ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu bạn giữ mật ong trong tủ lạnh, nó có thể đông lại khiến bạn khó sử dụng hơn.

12. Sốt cà chua

Chai tương cà chưa mở nắp sẽ tồn tại ít nhất một năm. Sau khi mở ra, nó nên được sử dụng trong vòng một tháng nếu bảo quản trong nhiệt độ phòng hoặc trong vòng sáu tháng nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/12-loai-thuc-pham-ban-khong-bao-gio-nen-giu-trong-tu-lanh-29574/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY