Kinh tế xã hội hôm nay

30 tháng 4 sau 45 năm của những người lính tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

MangYTe - Bốn người lính trên chiếc xe tăng 390 huyền thoại năm xưa giờ tuổi đã cao, người còn, người mất và họ chỉ mong có cuộc sống bình dị, dành nhiều thời gian cho gia đình cùng người thân…

Cách đây 45 năm, vào 11h30 trưa ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập.

Phải đến 20 năm sau (năm 1995), 4 người lính trên xe tăng huyền thoại gồm Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe), Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1), Lê văn Phượng (pháo thủ số 2) và Nguyễn Văn Tập (lái xe) thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) mới được mọi người biết đến. Đó là câu chuyện dài về lịch sử.

Bữa cơm trưa của vợ chồng người chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi tìm về gia đình người chỉ huy xe tăng 390, Đại úy Vũ Đăng Toàn (SN 1947), trú tại thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) khi vợ chồng ông đang ngồi ăn cơm trưa ở phía trái căn nhà 2 tầng khang trang được xây dựng năm 2016.

Ông Toàn vui vẻ cho biết: "Nếu không có dịch COVID-19 thì bình thường vào tầm này mọi năm, tôi bận lắm và ít khi ở nhà do nhiều nơi mời đi nói chuyện lịch sử, gặp bạn bè, đồng đội hay thăm lại chiến trường xưa. Thậm chí, cách đây 2 tháng chúng tôi nhận được lời mời từ TP. Hồ Chí Minh, nhưng sau đó hoãn lại".

Bà Nguyễn Thị Đông - vợ ông Vũ Đăng Toàn

Bên mâm cơm đạm bạc của người chỉ huy xe tăng 390 huyền thoại, ông Toàn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện từ ngày nhập ngũ, những trận đánh dọc đường tiến quân vào Dinh Độc Lập, đến cuộc sống đời thường hiện tại và trong mỗi câu chuyện ấy, chúng tôi cảm nhận được sự tự hào của ông về người lính, về những vất vả mà ông cùng đồng đội đã trải qua.

Mặc dù bước sang tuổi 74, mái tóc đã bạc trắng nhưng người chỉ huy xe tăng 390 năm nào vẫn mạnh khỏe, giọng nói trầm hùng, nụ cười đôn hậu và bữa cơm trưa của vợ chồng ông Toàn lại trở thành cuộc trò chuyện thú vị giữa PV Báo Gia đình & Xã hội và người chỉ huy xe tăng 390.

Ông tâm sự: "Hiện tại con trai, con gái đã có gia đình ổn định, còn vợ chồng tôi tuổi cao nên ở cùng nhau để dễ bề chăm sóc. Ngoài tuổi cao thì tôi còn bị bệnh cao huyết áp, do đó vấn đề ăn uống, tập thể dục để giữ gìn sức khỏe đối với tôi lúc này là quan trọng…".

Mặc dù đã 74 tuổi, nhưng người chỉ huy xe tăng 390 ngày nào vẫn nhớ như in từng trận đánh của đơn vị

Chia sẻ về nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, người chỉ huy xe tăng 390 kể, trong quá trình được học trên sa bàn thì cấp trên giao cho Đại đội 3 Anh hùng là đơn vị cắm cờ. Nhưng nếu đơn vị nào, xe nào vào được Dinh đầu tiên sẽ có trách nhiệm cắm cờ. Tuy nhiên, khi đến đầu cầu Sài Gòn, Đại đội 2, Đại đội 3 bị thương vong lớn. Sau đó, Đại đội 4 của ông đi phía sau tiến lên phía trước và húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập.

Nói về cuộc sống hiện tại của đồng đội Ngô Sĩ Nguyên – pháo thủ số 1, ông Toàn cho biết: "Hàng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau và hiện tại cuộc sống của vợ chồng chú Nguyên ổn định nhất trong 4 anh em, các con của chú ấy đều trưởng thành công việc ổn định. Riêng chú Lê Văn Phượng – pháo thủ số 2 đã mất năm 2016".

Người lái xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập bên ngôi nhà sinh sống tại xã Hoàng Diệu

Chúng tôi có mặt tại gia đình người lính lái xe tăng 390, Nguyễn Văn Tập (SN 1951), tại thôn Đại Tỉnh (nay là thôn Đại Lương sau sáp nhập, xã Hoàng Diệu, cùng huyện Gia Lộc) vào buổi chiều muộn khi mới ngày hôm qua ông cùng với 2 đồng đội vừa tham gia ghi hình ở Đài truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam 30/4.

Ông Tập cho kể, ngày trước bố mẹ sinh được 5 người con thì ông là con thứ 4 và hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn. Đến năm 2007, khi dành dụm được ít tiền, vợ chồng ông phá bỏ căn nhà cũ xuống cấp để xây ngôi nhà mới nhưng chỉ xây 1,5 tầng, Sau đó ít năm khi có kinh tế, ông Tập cùng vợ xây tiếp và hoàn thiện ngôi nhà hiện nay.

Bữa cơm chiều đạm bạc của vợ chồng ông Tập

Nhớ lại giây phút lịch sử 45 năm về trước, người lái xe tăng 390 kể, sau khi xe tăng của ông húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, đến 13h30 cùng ngày, đơn vị nhận được lệnh di chuyển ra bảo vệ Tân cảng Sài gòn và khoảng 1 tuần sau thì được lệnh rút về Long Bình (Đồng Nai) đóng quân.

Về đây, đơn vị tiến hành kiện toàn cơ cấu, lúc này ông được đơn vị giao nhiệm vụ mới làm kỹ thuật viên Tiểu đoàn. Cho đến tháng 7/1976, ông Tập xin về phục viên mang quân hàm Thượng sĩ.

Bà Nguyễn Thị Tiến - vợ ông Nguyễn Văn Tập

Trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn vất vả, ông cùng vợ làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, mong kinh tế khá giả nuôi các con. Vốn là người lính từng trải qua trận mạc, nên khi về phục viên ông tham gia vào Hợp tác xã, sau đó làm bưu tá đưa thư cho địa phương.

Cơ may đến khi kíp xe tăng của ông được mời tham dự chương trình "Người đương thời" của Đài truyền hình Việt Nam vào năm 2004. Sau chương trình đó, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty sơn KoVa đã mời ông cùng Chỉ huy xe tăng 390 về làm việc. Đến Tết 2020, ông Tập chính thức xin nghỉ làm tại công ty sau 16 năm gắn bó, còn ông Toàn xin nghỉ năm 2009.

Người lái xe tăng 390 năm xưa với cuộc sống viên mãn hạnh phúc hiện tại

Trong số 4 người lính trên xe tăng 390 thì ông Tập là người không có hưu trí, nhưng được hưởng chính sách thương binh. Ba người con của ông giờ đã lớn đi xây dựng gia đình và có công việc ổn định. Trong đó, người con trai cả công tác tại Tổng kho Long Bình (Đồng Nai) với nhiệm vụ quản lý xe tăng; con trai thứ 2 làm cho công ty may mặc; riêng con gái út hiện là giáo viên tại trường THCS Hồng Hưng (cùng huyện Gia Lộc).

"Tuổi thanh xuân của chúng tôi đã dành cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam và bao khó khăn, vất vả, khổ cực chúng tôi đều đã trải qua. Giờ ai có tuổi rồi và chỉ mong sao được sống bình dị, dành nhiều thời gian cho gia đình, vợ con cùng người thân…", người chỉ huy xe tăng 390 tâm sự.

Bài & ảnh: Đức Tùy

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tet-doc-lap-sau-45-nam-cua-nhung-nguoi-linh-tang-huc-do-cong-dinh-doc-lap-20200429182117509.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY